Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết bất cập, giảm lãi suất sẽ thiết thực hơn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải quyết bất cập, giảm lãi suất sẽ thiết thực hơn!

Thanh Thương thực hiện

Giải quyết bất cập, giảm lãi suất sẽ thiết thực hơn!
Ông Vũ Thành Tự Anh nói chuyện tại hội thảo do ANZ tổ chức. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo “Cập nhật khủng hoảng kinh tế Mỹ, Châu Âu, tái cấu trúc kinh tế Việt Nam”, do Ngân hàng ANZ tổ chức cuối tuần này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng lãi suất chỉ giảm thực sự khi các vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng được giải quyết.

TBKTSG Online: Ngày 22-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi 5 ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ yêu cầu tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Đây là động thái mang tính mệnh lệnh và hành chính thuần túy. Cái quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải tạo ra cơ chế để các ngân hàng thương mại tự mình tiết giảm chi phí. Một khi họ phải kinh doanh, một khi họ không nhận được vị thế vốn rẻ thì hiển nhiên họ phải đưa ra các biện pháp tiết giảm chi phí để cạnh tranh.

Còn khi đưa cho các ngân hàng này những lợi thế, như trong hiện tại lẫn trong tương lai, như chủ đạo, chi phối… họ sẽ tự thấy mình ở một đẳng cấp khác, không có động lực cạnh tranh, họ đâu cần phải tiết giảm chi phí. Khi họ ở vị trí cao như vậy rồi mà yêu cầu họ tiết giảm chi phí, giảm lãi suất thì đó là một đó là hành vi phi thị trường, không có sức tin cậy, không có sức thuyết phục; nó chỉ giống như một lời kêu gọi, không làm cũng không sao.

Nhưng có quan điểm cho rằng không đợi NHNN yêu cầu mà các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay do thanh khoản hiện đang rất dồi dào, nói cách khác là cho vay để giải tỏa nguồn vốn đang ứ đọng. Ông có nhận xét gì về ý kiến đó?

– Tôi cho rằng vấn đề này có hai khía cạnh. Một là, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất theo yêu cầu của nhà nước, đây là một biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Nhưng nếu nhìn vào yêu cầu của thị trường, thì ai là người đi vay trong khi lãi suất cao như thế, ai là người dám cho vay trong khi rủi ro tiềm ẩn là rất lớn. Như vậy, từ cả phía cung và cầu đều ngán ngại, và khiến cho nhiều ngân hàng bị ứ đọng vốn chứ không phải là thanh khoản dồi dào khiến họ phải giảm lãi suất để cho vay.

Cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 12-2011 đã chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, thế nhưng Ngân hàng Nhà nước cầm cự được 3 tháng, sau đó sức ép từ mọi phía khiến cho Ngân hàng Nhà nước buộc phải giảm lãi suất, dù có thể là hơi sớm.

Vì sao ông cho là hơi sớm, phải chăng vì lo ngại tái lạm phát?

Khả năng tái diễn lạm phát cao là khó, mặc dù quí 4 có thể có chuyện đó xảy ra. Nhưng tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn trong khi kinh tế Việt Nam cũng chưa có dấu hiệu phục hồi, nếu có tái lạm phát thì chủ yếu do việc tăng giá thực phẩm và năng lượng. Ví dụ có những bất ổn về chính trị trên thế giới khiến giá dầu tăng đến vài chục đô la Mỹ/thùng thì lúc đó sẽ có vấn đề. Lương thực chiếm trọng số 1/3 trong rổ tính CPI nên sẽ ảnh hưởng. Còn do cầu kéo thì không có, tín dụng đang giảm, đầu tư đang giảm.

Vậy đâu là lý do, thưa ông?

Hiện tại hệ thống ngân hàng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết; nhất là việc nhiều ngân hàng không chỉ mất thanh khoản mà mất cả khả năng thanh toán, quản lý chồng chéo; sự đổ vỡ nếu có sẽ xảy ra hàng loạt. Khi mà các lợi ích đan xen nhau thì chỉ cần tháo một nút thắt nào cũng gây ảnh hưởng dây chuyền.

Thêm vào đó, con số nợ xấu của ngân hàng Việt Nam có thể sẽ lên đến 10-12% tổng dư nợ chứ không chỉ dừng ở mức dưới 4% như công bố, điều này chứng tỏ ngành ngân hàng đang đứng trước những nguy hiểm lớn.

Câu hỏi nên đặt ra lúc này chính là với con số nợ xấu lớn như vậy, ngân hàng Việt Nam dùng nguồn lực đâu để tái cơ cấu?

Có thể trong số nợ quá hạn của các ngân hàng, khoảng 80% có tài sản thế chấp, thì con số còn lại cũng không dễ để nhà nước bỏ tiền ra cứu (ước tính 15-18 tỉ đô la Mỹ). Trong khi ngân hàng Việt Nam đã tăng trưởng quá nhanh, nên nhiều ngân hàng có thể có vốn điều lệ có thể lên tới 3.000 tỉ đồng nhưng trong số đó một phần không nhỏ là vốn ảo, tức không phải tiền có thể dùng được.

Thêm một vấn đề nữa chính là hiện tại việc tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu nói đến các con số, ít chú ý đến chất lượng. Ví dụ như áp đặt số lượng tăng trưởng tín dụng, giảm số lượng ngân hàng… những con số này sẽ giúp nhà nước dễ công bố sự thành công, còn chất lượng bên trong thì ít được chú ý.

Một vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước nên sớm giải quyết đó là chế ngự các nhóm lợi ích, bãi bỏ các khoản trợ cấp không hợp lý cho một số ngân hàng.

Khi từng bước xử lý các vấn đề thì mới nên giảm lãi suất, còn không thì việc giảm lãi suất cũng khó có tác dụng lan tỏa đến cả nền kinh tế. Và việc giảm lãi suất cũng phải đi đôi với việc phân bổ nguồn lực hợp lý. Nếu vốn vẫn chảy vào những nơi không hiệu quả thì vấn đề giải quyết không đúng hôm nay sẽ là gánh nặng hơn cho các năm sau đó.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới