Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết mâu thuẫn giữa nông thôn và thành thị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải quyết mâu thuẫn giữa nông thôn và thành thị

Sơn Nghĩa thực hiện

GS. Đào Thế Tuấn.

(TBKTSG) – Là một quốc gia nông nghiệp, sự phát triển nông nghiệp-nông thôn ở Việt Nam phải góp phần vào việc phát triển bền vững cho cả nền kinh tế. Theo Giáo sư Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, để làm được điều này, Nhà nước phải giải quyết được những mâu thuẫn về khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng lớn. Trả lời phỏng vấn của TBKTSG về vấn đề này, GS. Tuấn nói:

– Muốn phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, phải giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu hiện nay là khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng thêm. Muốn giảm khoảng cách này, phải tiến hành đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn. Thời gian qua, Nhà nước tập trung vào đô thị hóa và công nghiệp hóa thành thị, bỏ quên nông thôn, để nông dân tự làm lấy một cách tự phát.

Phải xác định chiến lược và xây dựng quy hoạch đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn. Bao gồm việc xây dựng các thị trấn, thị tứ ở nông thôn, phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn, xây dựng thị trường nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn.

TBKTSG: Thực tế việc đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn đã dẫn đến việc đất canh tác cho nông nghiệp bị mất dần?

– Quản lý ruộng đất không phải chỉ là giữ được ruộng đất cho nông nghiệp, mà phải đào tạo nông gia, tổ chức nông trại, thông qua những chính sách khuyến nông, các giải pháp hỗ trợ như cho nông dân vay vốn đầu tư xây dựng nông trại. Hiện nay có nhiều hộ nông dân ở các làng nghề không làm nông nghiệp nữa nhưng ta không biết ruộng đất của họ đi đâu? Đó chính là vai trò quản lý, chứ không phải việc đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn làm ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

Để quản lý ruộng đất, ở Pháp người ta thành lập các công ty quản lý ruộng đất và sắp xếp nông thôn. Các công ty này được hình thành trên cơ sở liên doanh giữa nhà nước và nông dân. Nông dân muốn bán ruộng đất phải thông qua công ty này. Tùy vào nhu cầu thực tế và hợp lý, công ty sẽ bán lại cho từng đối tượng khác nhau.

Nông dân muốn mở rộng ruộng đất, nông dân trẻ đã qua đào tạo muốn thành lập nông trại sẽ được ưu tiên mua. Những đối tượng này còn được ưu tiên hỗ trợ từ nhà nước khi thành lập trang trại. Cụ thể như, Trung Quốc đang xây nhà cao tầng cho nông dân ở trong các thị trấn và thị tứ. Nhà nước mua lại đất thổ cư của nông dân để sử dụng trong nông nghiệp hay công nghiệp.

TBKTSG: Thực tế mặt bằng dân trí ở nông thôn còn thấp, dù vấn đề này đã được bàn thảo từ nhiều năm qua. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

– Trí thức hóa nông thôn là một biện pháp cơ bản để giải quyết các vấn đề phát triển ở khu vực này. Nhưng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã cản trở việc thu hút trí thức về nông thôn. Các trường đại học phải có các khoa đào tạo những nghề có thể làm việc và sống tốt với mức thu nhập ở nông thôn. Ở nhiều nước, họ đã tổ chức các đại học nông dân để đào tạo cán bộ cho nông thôn. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi để tuyển các cán bộ chuyên môn cho các tổ chức ở nông thôn với mức tiền lương thu hút.

TBKTSG: Một trong những giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là đa dạng hóa sinh kế cho nông dân. Với tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam, đa dạng hóa sinh kế như thế nào cho phù hợp, thưa ông?

– Đây là một phong trào của nông dân thế giới được nhiều nước hỗ trợ. Mục tiêu của thương mại nông nghiệp là tăng giá trị gia tăng của nông sản, còn mục tiêu của phát triển nông thôn là tăng sinh kế của nông dân. Đa dạng hóa sinh kế là tạo việc làm cho nông dân ở những lúc nông nhàn, bằng cách đa dạng hóa sản xuất, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thị trường, du lịch, di cư tạm thời, học tập…

Cụ thể hơn, tại sao chúng ta không phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam. Bao gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa (lịch sử, nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, Phật giáo, giải trí, nghỉ ngơi). Du lịch nông thôn cần do cộng đồng nông thôn quản lý để bảo đảm thu nhập cho nông dân. Một hệ thống nhà nghỉ nông thôn giá rẻ để phục vụ nhu cầu du lịch của người thu nhập trung bình.

Hay để nâng cao giá trị của nông sản, cần áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng nông sản để vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, vừa tăng thu nhập cho nông dân. Để làm được điều này, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản. Xây dựng các thể chế cho nông dân tham gia trực tiếp vào thị trường không qua thương nhân, như tổ chức hợp tác xã (HTX), tổ chức các chợ bán buôn nông sản ở thành thị. Ký hợp đồng với siêu thị, lập các hiệp hội bao gồm cả người sản xuất và thương nhân, giới thiệu ẩm thực truyền thống cho khách du lịch… là những cách để đa dạng hóa sinh kế cho nông dân. Điều quan trọng hơn, để thực hiện việc này, cần phải tạo lập một nền “thương mại công bằng” cho nông dân.

TBKTSG: Một nền thương mại công bằng sẽ vận hành như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?

– Tôi lấy ví dụ một HTX của Pháp. HTX này được coi như thuộc khu vực kinh tế mang tính xã hội chứ không phải lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Nhà nước không những không đánh thuế HTX này mà còn xem đó là một công cụ để hỗ trợ nông dân. Cán bộ quản lý HTX là cán bộ có chuyên môn giỏi, được HTX thuê, nếu không làm tốt, cán bộ này sẽ bị sa thải. Để bảo đảm sự cân đối, khi đến mùa thu hoạch nông sản, bán ra thị trường, nông sản do HTX quản lý khoảng 50% và doanh nghiệp quản lý 50%. Buôn bán dựa trên những quy định này, nông dân sẽ không bị thiệt thòi, đó là mô hình của một môi trường thương mại công bằng.

Thương mại công bằng là ở nơi có người tiêu dùng đồng ý mua với giá cao các mặt nông sản và các hộ nông dân đồng ý sản xuất theo các quy trình an toàn và đảm bảo chất lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới