Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết nợ của EVN bằng trái phiếu, tại sao không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải quyết nợ của EVN bằng trái phiếu, tại sao không?

Hái Lý

(TBKTSG) – Tập đoàn Điện lực EVN đang nợ PetroVietnam và tập đoàn Than và Khoáng sản (Vinacomin) hàng chục ngàn tỉ đồng, chưa có khả năng trả. Cả hai chủ nợ đều ráo riết đòi, còn EVN lên tiếng muốn trả chỉ có cách tăng giá điện. Liệu tăng giá điện có phải là cách thức duy nhất để giải quyết nợ? Có một cách thức khác đáng được cân nhắc hơn: phát hành trái phiếu doanh nghiệp với sự bảo lãnh của Chính phủ.

PetroVietnam, EVN và Vinacomin đều là doanh nghiệp nhà nước và do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Khoản nợ của EVN đối với hai tập đoàn kia, vì thế, về bản chất là túi phải nợ túi trái của cùng một chiếc áo. Nếu EVN phát hành trái phiếu doanh nghiệp với sự bảo lãnh của Chính phủ với tổng trị giá bằng số nợ và người mua là PetroVietnam và Vinacomin, thì EVN có thể hạch toán giảm nợ trên sổ sách. Đồng thời những khoản phải thu của Vinacomin, PetroVietnam cũng sẽ được “giải phóng”. Điểm này không phải không có ý nghĩa trong mắt giới đầu tư nước ngoài và các tổ chức xác định tín nhiệm. Họ sẽ nghĩ gì về năng lực tài chính của những tập đoàn kinh tế chủ lực Việt Nam như EVN, PetroVietnam với nợ khó đòi, khó trả?

Với trái phiếu, áp lực trả nợ thời hiện tại của EVN được đẩy về phía tương lai, ở thời điểm trái phiếu đáo hạn.

Đây là một cách dãn nợ cho EVN, chứ không phải khoanh hay xóa nợ. Với kỳ hạn, thí dụ năm năm, trái phiếu tạo điều kiện cho EVN có thời gian để làm ra lợi nhuận, tích lũy trả nợ. Về phía người mua, PetroVietnam và Vinacomin có thể sử dụng trái phiếu giao dịch trên thị trường thứ cấp, tạo thanh khoản ngắn hạn (biến chúng thành tiền) bằng cách tham gia thị trường liên ngân hàng, thị trường mở thông qua các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoặc thế chấp vay vốn ngân hàng.

Phát hành trái phiếu EVN có làm tăng đầu tư công? Ở đây câu hỏi nảy sinh có lẽ không phải từ các tập đoàn – những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi – mà sẽ từ Bộ Tài chính, cơ quan cho phép phát hành trái phiếu.

Với trái phiếu, áp lực trả nợ thời hiện tại của EVN được đẩy về phía tương lai, ở thời điểm trái phiếu đáo hạn. Đây là một cách dãn nợ cho EVN, chứ không phải khoanh hay xóa nợ

Yếu tố gây nên sự liên quan của Bộ Tài chính là sự bảo lãnh của Chính phủ dành cho trái phiếu doanh nghiệp EVN. Chỉ tiêu đầu tư công theo kế hoạch năm nay không tăng so với năm ngoái, bao gồm 180.000 tỉ đồng từ ngân sách và 45.000 trái phiếu chính phủ. Trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh có giá trị như trái phiếu chính phủ và có ý kiến e ngại trái phiếu doanh nghiệp EVN do Chính phủ bảo lãnh sẽ làm gia tăng đầu tư công.

Thực tế không phải vậy.

Trái phiếu EVN bây giờ mới phát hành, nhưng lại là bù đắp cho khoản đầu tư mà Nhà nước đã sử dụng rồi.

Nó đáng ra là khoản chi ngân sách bù lỗ giá điện được bán cho người dân và các hộ tiêu thụ điện dưới giá thành sản xuất. Nó chính là khoản đầu tư công đã được đầu tư (nói một cách khác là đầu tư công trong quá khứ), mà người thụ hưởng là người dân. Do đó, nó không thể làm gia tăng đầu tư công trong hiện tại.

Tuy nhiên, trái phiếu EVN phải được tính vào nợ chính phủ và dù muốn hay không, nó cũng làm tăng nợ chính phủ. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ về số tuyệt đối lớn hơn.

Nhưng bù lại, các khoản nợ đó trở nên minh bạch, công khai và đặc biệt là tình hình tài chính của EVN, PetroVietnam, Vinacomin cũng minh bạch. Cho đến hiện tại, khoản nợ đó không phải không có, nó tồn tại, nhưng lại không được tính đến. Trái phiếu EVN làm cho nó được tính đến, được công khai. Và quan trọng là ngân sách không phải bỏ ra đồng nào. Cần phải hiểu rằng một khi các khoản nợ của EVN đối với PetroVietnam, Vinacomin còn treo lơ lửng, thì người trả nợ cuối cùng không phải là EVN, mà là ngân sách nhà nước vì cho đến nay Nhà nước vẫn là người quyết định giá bán điện, sự tăng giá và nếu tăng thì tăng bao nhiêu. EVN không thể tăng giá điện nếu không có sự chấp thuận của Nhà nước.

Nhìn sâu hơn, vai trò của trái phiếu linh hoạt như nhịp cầu điều tiết giữa Nhà nước – EVN – người sử dụng điện. Phát hành trái phiếu không có nghĩa là không tăng giá điện, mà là giảm áp lực tăng giá tức thời, tạo điều kiện để việc tăng giá thực hiện theo lộ trình, vào những thời điểm thuận lợi. Thay vì tăng giá ngay, với tỷ lệ lớn liền một lúc, việc tăng giá có thể dãn ra, từ từ vì EVN không nhất thiết phải gấp rút có ngay tiền để trả nợ. Ngoài ra, số tiền dùng để trả nợ EVN có thể trích lập một phần, đưa vào tích lũy để trả cho người mua trái phiếu khi đáo hạn, phần còn lại nộp vào ngân sách. Rõ ràng, ngân sách không phải không có lợi.

Trái phiếu cũng sẽ thuận lợi hóa việc tái sản xuất, tái đầu tư của PetroVietnam, Vinacomin. Tổng công ty Khí, Tổng công ty Điện lực dầu khí sẽ không còn phàn nàn bị EVN chiếm dụng vốn, mua điện chậm trả tiền.

Phát hành trái phiếu xét cho cùng là một sự “tạm ứng” doanh thu và lợi nhuận trong tương lai của EVN. Sự tạm ứng đó có tác dụng đáng kể trong việc lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của tập đoàn, song một mình EVN không thể tiến hành. Giả sử Chính phủ không bảo lãnh, liệu EVN có thể phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp? Có lẽ là không. Với số nợ khổng lồ và đang kinh doanh chưa hiệu quả từ hoạt động chính đến đầu tư tài chính, đầu tư ngoài ngành, thiếu bảo lãnh Chính phủ, chắc không có nhiều tổ chức dám bỏ tiền vào trái phiếu EVN. Nó có thể khó giao dịch trên thị trường thứ cấp và khó được xem xét đủ điều kiện thế chấp vay vốn… Suy cho cùng, tuy phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng EVN đang cần sự chấp thuận và trợ giúp trong phát hành từ Bộ Tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới