Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải thể công ty chứng khoán: rối!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải thể công ty chứng khoán: rối!

Các nhà đầu tư trên một sàn giao dịch chứng khoán ở TPHCM -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép quyết định giải thể? Giải quyết ra sao đối với các tài khoản lưu ký của khách hàng? Tiền ký quỹ có được rút ra? Thủ tục ra sao?… Có công ty chứng khoán muốn giải thể nhưng đang gặp phải hàng loạt vướng mắc.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sụt giảm hiện nay, hầu hết các công ty chứng khoán đều lâm vào tình trạng khó khăn. Công ty chứng khoán X cũng vậy, càng hoạt động càng thua lỗ nặng nề. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh liên tục giảm, trong khi theo quy định, công ty vẫn phải mở cửa mỗi ngày. Chi phí để duy trì hoạt động của công ty lên tới 60-70 triệu đồng/ngày.

Một số công ty chứng khoán tìm cách sáp nhập hoặc bán bớt cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng không phải dễ dàng. Khi không còn con đường nào khác cũng như không thể gắng gượng thêm được nữa, giải thể trở thành sự lựa chọn cuối cùng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi công ty X bắt tay vào làm thủ tục thì phát sinh rắc rối vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Điều này có nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật.

Theo Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép thành lập và hoạt động. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Mặc dù vậy, trên thực tế sau khi thực hiện xong thủ tục nói trên thông thường doanh nghiệp vẫn phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh một lần nữa.

Như vậy, giải thể là hủy bỏ giấy phép thành lập và hoạt động của UBCKNN hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư? Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép quyết định giải thể?

Để giải quyết vấn đề này, Luật Chứng khoán một mặt quy định việc giải thể công ty chứng khoán được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mặt khác lại yêu cầu trường hợp công ty chứng khoán tự giải thể trước khi kết thúc thời hạn hoạt động thì phải được UBCKNN chấp thuận.

Câu hỏi được đặt ra là hồ sơ giải thể phải nộp ở đâu trước? Nộp tại sở kế hoạch và đầu tư trước, rồi nơi này tự liên hệ, hỏi ý kiến UBCKNN hay doanh nghiệp phải tự liên hệ, xin phép trước với UBCKNN rồi mới nộp hồ sơ cho sở kế hoạch và đầu tư?

Vì là một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, cũng chưa có một tiền lệ, nên ngay cả khi doanh nghiệp muốn giải thể tìm được địa chỉ giải quyết thì tiếp theo cũng sẽ đụng phải những vướng mắc mới.

Phức tạp nhất có lẽ là việc thanh lý các loại giao dịch với khách hàng, đặc biệt là việc giải quyết hàng trăm, hàng ngàn tài khoản lưu ký của khách hàng. Trong tình hình ảm đạm của thị trường chứng khoán, khi mà phần lớn các công ty chứng khoán không thu phí đối với khách hàng lưu ký nữa thì việc chuyển số khách hàng này về đâu không phải dễ. Công ty phải thương lượng với các đơn vị bạn để nhờ nhận về hoặc khách hàng tự chuyển hay chuyển theo chỉ định của UBCKNN?

Vấn đề khác nữa là giải quyết số chứng khoán do công ty tự doanh. Trong trường hợp công ty không thể bán hết số chứng khoán này thì xử lý ra sao? Ngoài ra, công ty còn trên trăm tỉ đồng tiền ký quỹ nộp vào Kho bạc nhà nước khi làm thủ tục hoạt động trước đây, giờ có được rút ra không? Thủ tục ra sao? Rút ra lúc nào?… Những vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể.

Ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng marketing Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Lạc, cho rằng cách tốt hơn cả là công ty có ý định giải thể nên thông báo thanh lý hợp đồng giao dịch với khách hàng và tự khách hàng sẽ lo việc chuyển tài khoản lưu ký của mình về đâu. “Chuyện này, theo tôi không đến nỗi quá khó. Còn nếu nơi nào từ chối thì khách hàng cứ đến Công ty Âu Lạc, chúng tôi xin sẵn sàng nhận”.

Trao đổi với TBKTSG, một quan chức của UBCKNN thừa nhận việc giải thể công ty chứng khoán quả là vấn đề mới mẻ. Ông cũng cho biết chưa hề nhận được thông tin nào về trường hợp cụ thể nói trên. Tuy nhiên, theo ông, nếu thực tế có chuyện như vậy thì UBCKNN với tư cách cơ quan quản lý chuyên ngành chứng khoán phải có trách nhiệm tham gia giải quyết.

Trước mắt, theo ý kiến của doanh nghiệp, UBCKNN cần kiến nghị Bộ Tài chính ban hành ngay hành lang pháp luật về thủ tục giải thể cho loại hình công ty chứng khoán. Điều này hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp chứng khoán đang rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.

NGUYÊN TẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới