Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải tỏa… rồi để cho gió đi hoang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải tỏa… rồi để cho gió đi hoang

Đã sáu năm trôi qua nhưng dự án nhà nghỉ Tam Thanh vẫn còn là bãi đất trống không. Ảnh: KP.

(TBKTSG) – Tam Thanh là bãi tắm biển đẹp, duy nhất của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhưng cán bộ từ cấp xã đến thành phố, tỉnh, nhiều người không dám đến. Họ né bãi tắm này vì ngại gặp một số người…

Giữa tháng 8-2008, chúng tôi ghé thăm bãi tắm biển Tam Thanh. Đây là một bãi tắm đẹp nhưng thật bất ngờ khi nghe ông Võ Tấn Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, tiết lộ “nhiều năm rồi tôi không ra biển”. Sao lạ vậy? Ông Dũng ngập ngừng cho biết năm năm trước, ông vẫn hay đến bãi tắm này nhưng do một lần bị hành hung nên ngại không đến nữa.

Ông Dũng kể lại, vào năm 2002-2003, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi (hai lần) gần 10.000 mét vuông đất ở bãi tắm biển Tam Thanh và giao cho Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam làm nhà nghỉ.

Trước đó, từ năm 2001-2002, UBND thành phố Tam Kỳ (lúc đó còn là thị xã) đã tiến hành các bước kiểm kê, đền bù cho 10 gia đình nằm trong khu vực ảnh hưởng của dự án. Cả 10 hộ dân này đều có quyền sử dụng đất hợp pháp và cuộc sống ổn định.

Chủ đầu tư của khu nhà nghỉ – Văn phòng HĐND và UBND tỉnh – cũng là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường đất đai, hoa màu, vật kiến trúc cho dân. Thế nhưng, cơ quan này lại giao việc đền bù giải tỏa cho Ban đền bù thị xã Tam Kỳ.

Điều lạ lùng là trong 10 hộ dân bị ảnh hưởng thì có sáu nhà bị giải tỏa trắng nhưng không một ai biết gì về việc sắp phải ra đi. Đùng một cái họ nhận được quyết định đền bù của thị xã.

Ban đền bù thì nói là trước đó có họp dân hai lần, lần đầu có một người đến dự, lần hai thì có hai người. Trong khi cả 10 hộ dân đều ký xác nhận vào một lá đơn (có xác nhận của Ban nhân dân thôn) nói rằng không có cơ quan nào tổ chức họp với họ trước khi tiến hành thu hồi đất.

Chính ông Võ Tấn Dũng (lúc đó là chủ tịch UBND xã), là người đứng ra đọc quyết định cưỡng chế giải tỏa, đến bây giờ vẫn cảm thấy áy náy: “Mức giá đền bù đất đai, hoa màu, vật kiến trúc cho dân (theo Quyết định 1355 của UBND tỉnh Quảng Nam, ban hành năm 1998) quá thấp, đã thế lại không tính đến chuyện tái định cư”.

Ông Dũng đưa ra những văn bản quyết định đền bù của thị xã, trong đó hầu hết đất ở được đền bù với giá 11.000 đồng/mét vuông; còn đất vườn là 500 đồng – chỉ bằng một que kem.

Ngay sau khi nhận quyết định đền bù của UBND thị xã Tam Kỳ (ngày 3-9-2002), hai hộ dân là ông Tạ Quang Bách và ông Lê Văn Minh đã làm đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng.

Ngày 15-10-2002, Chủ tịch thị xã Tam Kỳ, trong một văn bản trả lời khiếu nại của hai hộ dân nói trên đã hứa: Sau khi các hộ chấp nhận giải tỏa sẽ được bố trí đất tái định cư ở khu Nam Tam Thanh. Thế nhưng, mãi đến ngày 24-3-2008, tức sáu năm sau, khu dân cư Nam Tam Thanh mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết (!?)

Trong thâm tâm ông Dũng, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải ra đi chỉ với số tiền đền bù quá ít ỏi như vậy là thiệt thòi. Vì thế, ngày 4-6-2003, ông Dũng đã có văn bản gửi lên UBND thị xã, trong đó có đoạn: “Được biết địa điểm hiện tại mà hai hộ đang sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao từ thu nhập buôn bán, dịch vụ du lịch biển nên việc họ bị giải tỏa mặt bằng đã ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Vì vậy đề nghị thị xã giải quyết đất tái định cư cho họ”.

Ngày 9-6-2003, ông chủ tịch thị xã có thông báo bố trí đất tái định cư cho hai hộ dân (có thu tiền sử dụng). Thế nhưng cả ông Bách và ông Minh đều không chịu nhận vì đây là đất… đã có chủ. Ông Bách ngao ngán: “Lúc thì cho đất… trên giấy, lúc thì cho đất tranh chấp, ai dám nhận”!

Bà Hạnh và các con trong căn lều tạm bợ che mưa, che nắng. Ảnh: KP.

Vì hai hộ dân không chịu nhận đất tái định cư, không chịu nhận tiền đền bù, không chịu giải tỏa nhà cửa nên bị chính quyền tiến hành cưỡng chế và mất tất cả.

Lần cưỡng chế đầu tiên vào ngày 14-8-2003. Sau khi cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ nhà cửa, thị xã đã dùng dây thép gai rào toàn bộ khu đất lại và cho một đơn vị cảnh sát đến canh giữ suốt cả tháng trời. Theo lời ông Dũng, ngay ngày hôm sau, cả hai gia đình đã phá hàng rào, dựng hai túp lều trên nền nhà cũ để ở. Họ đã bị thị xã phạt mỗi nhà 5 triệu đồng và đuổi ra, nhưng đuổi bữa trước, bữa sau họ lại chui vô.

Một năm sau, ngày 22-12-2004, UBND thị xã Tam Kỳ lại ra quyết định và tiến hành cưỡng chế lần thứ hai, tháo dỡ lều và yêu cầu hai gia đình ra ngoài. Theo ông Dũng kể lại, bà Hạnh vợ ông Minh và bà Hương vợ ông Bách vì cản trở việc giải tỏa nên bị tòa kêu án 24 tháng tù giam cho bà Hương và 9 tháng cho bà Hạnh.

Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác, đói khổ và phải chịu đựng sự giày vò suốt một thời gian dài nên mỗi khi gặp cán bộ từ xã đến thành phố, thậm chí cao hơn, những người trong gia đình hai hộ dân nói trên đã thiếu sự kiềm chế, thậm chí có những hành động, lời nói xúc phạm. Riêng đối với ông Võ Tấn Dũng, lần đó thấy ông xuất hiện ở bãi tắm, bà Hạnh đã xông đến nắm cổ áo ông chửi mắng, lăng mạ. Ông Dũng tâm sự: “Biết là họ hiểu lầm tôi nhưng bây giờ làm sao giải thích. Thôi, tốt nhất là tránh đến đó…”.

Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất của câu chuyện lại ở chỗ khác. Đấy là 10.000 mét vuông đất thu hồi của 10 hộ dân giao cho Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam làm nhà nghỉ đã sáu năm trôi qua mà chẳng thấy hình hài. Vốn đầu tư của dự án là 3,1 tỉ đồng, nhưng chỉ thấy xây cái tường rào, mấy ngôi nhà chẳng cái nào ra cái nào, chung quanh cỏ mọc um tùm, nền nhà cũ phá bỏ tan hoang…

Được biết, văn phòng này đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi bao nhiêu là dự án không thành và chính dự án này của họ cũng để hoang phế bao nhiêu năm nhưng không thấy ai ra quyết định thu hồi.

Vào ngày 15-10-2007, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh có ra quyết định bàn giao dự án nhà nghỉ Tam Thanh từ Văn phòng HĐND và UBND tỉnh về cho Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Nam. Tuy nhiên, cũng đã 10 tháng trôi qua nhưng không thấy đơn vị này làm gì cả. Và cả khu đất được tạo nên bởi hai lần cưỡng chế, với bao nhiêu là nước mắt, tù tội rốt cuộc để cho gió đi hoang…

KHẢI PHONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới