Thứ Hai, 27/03/2023, 04:17
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giảm giá thành cá nuôi: ai giúp nông dân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm giá thành cá nuôi: ai giúp nông dân?

Hồ Hùng

Giá thức ăn đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành cá nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, sản lượng cá da trơn xuất khẩu sẽ đạt trên 0,5 triệu tấn trong năm nay, tương đương kim ngạch khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá thành ngày càng cao đang ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá da trơn Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lâu nay, yếu tố thuận lợi cho việc phát triển thị trường cá da trơn chính là vừa có sản lượng cao, vừa có giá tốt. Nhưng thời gian qua, thị trường nhập khẩu đã phân hóa mạnh do khả năng tài chính, thị phần, mãi lực…

Điều dễ thấy nhất là giá cá xuất khẩu bình quân trong năm 2009 đã giảm khoảng 0,17 đô la Mỹ/ki lô gam so với năm 2008. Áp lực giảm giá là có thật nhưng không nên “đổ” hết cho các doanh nghiệp chế biến bởi doanh nghiệp không thể tăng giá mua cá của nông dân nếu giá xuất khẩu không tăng.

Giá cao vì nhiều thứ!

“Giá thành cá vụ này của tôi phải trên 15.000 đồng/ki lô gam, thậm chí có ao do mua nhầm thức ăn kém chất lượng nên có thể lên tới 15.500 đồng/ki lô gam”, ông Phạm Thành Tín, một người nuôi cá ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, khẳng định.

Trong khi đó, giá mua cá nguyên liệu của nhà máy hiện chỉ ở mức 15.500 đồng/ki lô gam. Tính ra, người nuôi cá chẳng có lãi bao nhiêu.

Trong khoảng năm năm nay, giá thành cá nuôi đã tăng khoảng 50%. Theo một số nông dân, nguyên nhân trước hết do giá thức ăn, chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành cá, đã tăng vọt trong những năm qua. Và khi một số công ty lớn điều chỉnh giá thì lập tức các công ty khác cũng tăng giá đồng loạt. Hiện giá thức ăn thủy sản đang ở mức từ 8.000-9.300 đồng/ki lô gam, cao hơn nhiều so với mức giá dưới 5.000 đồng/ki lô gam cách đây năm năm.

Tuy nhiên, một số công ty cho rằng giá thức ăn thủy sản tăng là do biến động của tỷ giá ngoại tệ khiến giá nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu tăng. Nếu lấy mốc tháng 8-2009, thì hiện nay giá đậu nành đã tăng thêm hơn 40%, bắp tăng 20%, bột cá tăng gần 20%…

Một rủi ro đối với người nuôi cá là nguy cơ mua nhầm thức ăn kém chất lượng, khiến cá không tăng trọng như ý muốn và người nuôi phải tăng thêm chi phí. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng khiến giá thành cá tăng là con giống. Theo Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), căn cứ theo diện tích nuôi cá ở ĐBSCL trong năm 2009 thì nhu cầu giống chỉ vào khoảng 1,3-1,5 tỉ con. Nhưng trên thực tế, số con giống sản xuất và đưa ra thị trường lên đến 2 tỉ con! Nguyên nhân là con giống kém chất lượng, nhiều diện tích nuôi bị thiệt hại nên phải mua thêm.

Giảm được không?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn thủy sản hiện nay khá cao và chất lượng không đảm bảo. Nguyên nhân chủ yếu do việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng còn hạn chế.

Trước đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, đã từng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quy định quản lý cụ thể về chất lượng và giá thức ăn thủy sản, vì khi đó giá bán tại Việt Nam cao hơn 20-30% so với Trung Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động thái gì từ phía cơ quan chức năng.

Về con giống, theo Cục Nuôi trồng thủy sản, chất lượng kém là do đàn cá bố mẹ đã thoái hóa và điều kiện ương dưỡng giống không đảm bảo. Trước đây, cá bố mẹ thường được nuôi từ 2,5-3 năm tuổi, trọng lượng 4-5 ki lô gam mới sử dụng nhưng nay chỉ cần 5-6 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 1 ki lô gam thì đã sử dụng để ương giống. Mặt khác, để giảm chi phí mà vẫn thu được sản lượng cá bột cao, nhiều trại giống đã lạm dụng kích dục tố tăng cường sinh sản khiến chất lượng cá giống xuống thấp.

Hiện trong số hơn 4.000 hộ ương cá giống thì có khoảng 3.000 hộ làm với quy mô nhỏ, không đăng ký! Cục Nuôi trồng thủy sản thừa nhận, hoạt động ương dưỡng cá giống hiện đang bị thả nổi. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thay thế toàn bộ giống cá tra ở ĐBSCL chưa đảm bảo chất lượng bằng giống chất lượng cao, theo kế hoạch, phải đến năm 2015 mới hoàn thành.

Trong khi đó, đối với bệnh trên cá tra, có thể giảm thiểu rủi ro nếu mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước và giám sát dịch bệnh thủy sản vận hành một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đáng tiếc là mạng lưới này vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.

Như vậy, việc giảm giá thành cá nuôi hoàn toàn nằm ngoài khả năng của nông dân mà phụ thuộc vào chính các cơ quan chức năng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới