Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm khí thải, được trả tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm khí thải, được trả tiền

Các lò gốm thủ công đốt bằng củi thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, nếu chuyển đổi sang khí gas theo cơ chế CDM sẽ được trả tiền – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Một nhà máy ximăng xả khói thải mù mịt vào môi trường, nếu nhà máy bỏ tiền đầu tư xử lý làm giảm lượng khí thải trên không chỉ có lợi cho chính mình mà còn có thể nhận được tiền, từ cơ chế mua bán lượng khí thải trên thị trường thế giới.

Tương tự, các nhà máy gốm sứ ở Bình Dương hiện nay, nếu thay củi, than đá đốt lò nung bằng khí gas, cũng có thể nhận được tiền. Hay một nhà đầu tư, bỏ tiền ta xây dựng một nhà máy phát điện bằng sức gió mà “nguyên liệu” này quá thừa thãi ở Việt Nam, ngoại việc thu được tiền bán điện, cũng có thể nhận được tiền… từ các nước giàu, nhờ dùng sức gió, thay vì dùng nhiên liệu tạo ra các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Giảm khí thải… có tiền

Theo Nghị định thư Kyoto có hiệu lực vào năm 2005 mà Việt Nam tham gia phê chuẩn vào năm 2002, có 6 loại khí gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát là CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Mỗi tấn CO2 tương đương một đơn vị tín chỉ giảm phát thải CER (Certified Emission Reductions), các loại khí còn lại quy đổi ra CO2. Nghị định cũng đưa ra cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển như EU là 8%, Mỹ 7%, Nhật 6%.

Thế nhưng, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường Việt Nam (RCEE), việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở các nước phát triển rất khó khăn và tốn kém hơn các nước đang phát triển như trường hợp của Việt Nam. Và do vậy các nước này mới bỏ tiền đầu tư công nghệ và mua lượng giảm khí thải ở các nước đang phát triển để đạt chỉ tiêu giảm phát thải theo cam kết của Nghị định thư Kyoto.

Nội dung cơ bản cuả CDM theo Nghị định thư Kyoto:

Các nước phát triển, bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân, đưọc phép tự thực hiện các dự án đầu tư cuả mình ở các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, các nước phát triển đầu tư các dự án CDM có thể được tính lượng giảm phát thải cuả dự án cho mình, còn các nước đang phát triển-nơi thực hiện dự án- có thể bán chỉ tiêu giảm phát thải cho các nước phát triển.

Tuy nhiên, nếu muốn bán tín chỉ CER thì các doanh nghiệp phải tham gia cơ chế phát triển sạch CDM (viết tắt của Clean Development Mechanism Projects), phải chứng minh doanh nghiệp của mình giảm được các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chứ không phải doanh nghiệp nào tự giảm khí thải cho mình đều có thể bán.

Ngoài việc doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất-đang được Chính phủ bắt buộc hiện nay- các doanh nghiệp khác nếu đầu tư sản xuất bằng nguồn nhiên liệu hay năng lượng thay thế cho nguyên nhiên liệu phát sinh ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tuân theo quy trình CDM cũng đưọc thu lợi tương tự.

Theo Văn phòng Bảo vệ tầng Ozone và Biến đổi Khí hậu quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, khái niệm đầu tư xử lý giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và tham gia cơ chế CDM đã xuất hiện từ năm 2003, trước khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực. Lúc đó, nhiều doanh nghiệp trong nước, đã đăng ký tham gia CDM và rao bán mỗi đơn vị CER chỉ có 3-5 Euro.  

Còn giờ đây, sau hơn 4 năm, giá mỗi đơn vị CER trên thị trường thế giới đã lên tới 18-20 Euro.

Ai bán, ai mua?

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tạo ra 70% khí gây hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam – Ảnh: HỒNG VĂN

Theo RCEE, hiện nay mỗi năm Việt Nam thải ra bầu khí quyển khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính quy đổi tương đương 103,8 triệu tấn khí CO2, trong đó nông lâm nghiệp chiếm gần 70% (xem bảng). Tuy nhiên lĩnh vực mà nếu đầu tư theo CDM thì giảm nhanh lượng khí thải nhất hiện nay là ximăng, sản xuất gạch ngói, gốm sứ, rác thải tập trung và ngành điện.

Đó là lý do mà hiện nay, đã có 13 dự án về điện và ximăng được xây dựng theo quy trình CDM, như sản xuất điện bằng sức gió ở đảo Phú Quý, Bình Thuận; nhà máy điện bằng sức gió ở Bình Định; điện mặt trời để thay thế nhiên liệu dầu, thay thế dầu bằng khí đốt ở nhà máy nhiệt điện Thủ Đức. Một số nhà máy ximăng đang muốn đầu tư thiết bị xử lý khói thải, dùng chính khí thải ra làm năng lượng phát điện để tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, lại bớt gây ô nhiễm môi trường cho cộng đồng xung quanh nhà máy.

TPHCM hiện được xem là địa phương có nhiều tiềm năng lớn để phát triển sản xuất sạch theo cơ chế CDM và dự kiến có 9 dự án dạng này được triển khai trong năm nay nhưng xoay quanh vẫn là xử lý rác ở các bãi rác chôn lấp tập trung, dự án thu hồi, xử lý khí sinh học tại trại chăn nuôi heo Phước Long, dự án xử lý bùn kênh rạch từ hệ thống thoát nước đô thị thành phố, dự án xử lý phân hầm cầu Hòa Bình, dự án thu hồi và xử lý khí sinh học tại khu công nghiệp Tây Bắc – Củ Chi…

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam

Lĩnh vực

Quy đổi thành triệu tấn CO2

(%)

Tổng lượng khí thải

Trong đó năng lượng

Công nghiệp

Nông nghiệp

Lâm nghiệp

Rác thải

103,845

25,637

3,807

52,444

19,380

2,576

100,0

24,7

3,7

50,5

18,6

2,5

Nguồn: RCEE

Còn người mua? Theo RCEE, một số nước phát triển như Hà Lan, Nhật, Đức và một số tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ngỏ ý đầu tư, chuyển giao công nghệ CDM cho một số dự án ở Việt Nam, để mua lại lượng giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và một số dự án đã thành hiện thức.

Thậm chí Hà Lan đã đồng ý đầu tư công nghệ và mua lại lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cuả dự án 10.000 bể khí sinh học do Tổng công ty điện lực Việt Nam thực hiện ở 10 tỉnh, thành; Ngân hàng Thế giới (WB) cũng muốn đầu tư và mua lại lượng giảm khí thải từ các bãi rác của Việt Nam nếu được xử lý theo CDM.  

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, điều phối viên Văn phòng Bảo vệ tầng Ozone và Biến đổi Khí hậu quốc gia, cho biết các tổ chức tài chính quốc tế sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam để mua và sau đó bán lượng giảm khí thải cho các nước giàu.

CDM là cơ hội lớn để chuyển giao công nghệ sản xuất sạch từ các nước giàu sang các nước nghèo, ngoài yếu tố kinh tế, CDM còn tạo nên môi trường sinh thái bền vững là điều mà các nước nghèo như Việt Nam đang cố gắng xây dựng. Tuy vậy nhưng ông Hiếu còn cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu nhiều về CDM, họ không biết rằng nếu ứng dụng CDM, họ không chỉ được lợi nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ được môi trường và cộng đồng dân cư hoan nghênh, mà còn thu được lợi ích từ bán lượng giảm khí thải cho nước giàu.

Hiện nay RCEE đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số dự án CDM mang tính trình diễn cho các doanh nghiệp và tích cực tiếp thị đến các nước giàu để đầu tư và mua lại lượng giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam. Trước mắt, RCEE đang tư vấn cho điện lực Việt Nam xây dựng các nhà máy điện dùng sức gió ở các tỉnh phía nam; dự án dùng khí biogas chạy lò hơi ở nhà máy sản xuất cồn Lam Sơn; dự án thay thế chất đốt gỗ củi ở các lò gạch thủ công cuả tỉnh Hải Dương bằng khí gas.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới