Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm

Minh Đức

Giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị ngành ngân hàng ngày 7.7. Ảnh: SBV

(TBKTSG Online) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình hôm 7-7 đã yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương rà soát các hợp đồng tín dụng cũ và giảm lãi suất của các hợp đồng này xuống dưới 15%/năm kể từ 15-7.

Không trì hoãn

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng thương mại có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho.

“Ngân hàng phải có trách nhiệm với xã hội. Dư luận cho rằng, ngân hàng đang hưởng lợi nhuận “dày” khi lãi suất huy động và cho vay chênh lệch quá lớn và chẳng chia sẻ gì với doanh nghiệp cả”, ông Bình nói.

Ông dẫn chứng rằng, có vài doanh nghiệp cho ông xem tận mắt hợp đồng cho vay còn “tươi dấu đỏ” với lãi sất 21-22%, 18-19%. Họ đặt câu hỏi: “Ông nói giảm lãi suất, nhưng lãi suất có giảm đâu?”.

Ông nhấn mạnh: các doanh nghiệp đã khó khăn, mà ngân hàng vẫn để lãi suất cao, thì lại càng khó khăn. Mà doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn. Vì vậy, kể từ sau hội nghị này, đến ngày 15-7, các ngân hàng thương mại phải rà soát lại khách hàng của mình để giảm lãi suất các hợp đồng cho vay cũ xuống dưới 15%.

Về phía NHNN, ngay đầu tuần sẽ có văn bản hướng dẫn để các ngân hàng thương mại có cơ sở triển khai thực hiện. Sau ngày 15-7, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp triển khai ngay việc rà soát các hợp động tín dụng này đến từng doanh nghiệp để đánh giá đúng tình hình và có giải pháp xử lý phù hợp.

Đáp lại yêu cầu của Thống đốc NHNN, một số lãnh đạo các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Agribank… cam kết sẽ nhanh chóng thực hiện việc giảm lãi suất. “Mình phải cứu mình trước, không thì mình cũng chết”, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank nói.

Ông Thanh cho biết, hiện Vietcombank chỉ có 25% khối lượng tín dụng có lãi suất trên 15%/năm nên ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được chỉ đạo của NHNN.

Trong khi đó, bà Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cam kết sẽ nhanh chóng giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 20%. Thống đốc Nguyễn Văn Bình phản ứng ngay: “Tôi yêu cầu phải thực hiện ngay việc giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15% từ ngày 15.7”

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, ngân hàng của ông đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 100 tỉ đồng. Ông kêu gọi 10 ngân hàng hàng đầu, mỗi ngân hàng miễn giảm 100 tỉ đồng cho doanh nghiệp thì tổng cộng sẽ được 1.000 tỉ đồng.

“Nếu mình không giảm cho doanh nghiệp, họ không trả được mình cũng chết. Cần phải thu được nợ đã. Nền kinh tế có khởi sắc thì ngân hàng mới quan hệ lâu dài với doanh gnhiệp được”, ông Dũng nói.

Tín dụng giảm, nợ xấu tăng

Theo báo cáo của NHNN được Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến trình bày tại hội nghị, tính đến ngày 30-6, tổng phương tiện thanh toán chưa loại trừ giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng phát hành lẫn nhau tăng 5,57% so với cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán 14-16% trong năm 2012. Nhưng tổng nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 5-2012 chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%).

“Nợ xấu tăng lên so với đầu năm phát sinh từ các khoản nợ trước đây, thời gian qua do điều kiện thị trường không thuận lợi, hàng tồn kho tăng cao, tình hình tài chính của bên vay ngày một yếu đi, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng”, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến giải thích.

Bà Mai Sương than: “Chưa năm nào tỷ lệ nợ xấu cao như năm nay". Bà cho hay, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội chiếm 5,12% trên tổng dư nợ, cao hơn mức nợ xấu chung của cả nước.

Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến dẫn số liệu của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp bằng 135% giá trị nợ xấu.

Nhưng theo một số lãnh đạo ngân hàng, như ông Hàn Ngọc Vũ – Chủ tịch HĐQT VIB Bank, việc xử lý nợ quá hạn rất phức tạp. Chẳng hạn để xử lý tài sản thế chấp là bất động sản phải mất tới 3 năm, gây khó khăn cho ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeaBank cũng thừa nhận, ngân hàng không muốn xử lý tài sản thế chấp vì “vướng nhiều thứ”.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 30-6, tín dụng chỉ tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%). Tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 13,69% (tính đên hết tháng 3-2012).

Theo đánh giá của NHNN, tín dụng giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có cầu tín dụng ở mức thấp do cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng….

Trong 6 tháng cuối năm, theo Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, khả năng mở rộng tín dụng vẫn rất khó khăn. “Khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản, bởi vậy các tổ chức tín dụng cớ xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng”, ông Tiến giải thích.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngân hàng chỉ tăng trưởng 3-4%, nhưng 3 tháng đầu năm gần như không tăng được. Những tháng gần đây tình hình có xu hướng cải thiện.

Ông Thanh đặt mục tiêu tăng trưởng cho ngân hàng mình là 10-12% năm nay. Bà Mai Sương cũng phấn đấu tăng trưởng đạt 9-12% năm 2012 trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% thì tín dụng cả năm nay phải tăng 15-17%.

Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, kỳ vọng của Chính phủ là ở mức hợp lý, nhưng thực tế cho thấy khả năng thực hiện quá thấp so với yêu cầu. Ông Thanh đề nghị phải có các giải pháp kích cầu mới giải quyết được nguyên nhân căn cơ của tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp.

Ông Thanh cũng cho rằng, cần xem xét sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. “Tín dụng yêu cầu phải tăng, nhưng thực hiện kế hoạch đầu tư của nhà nước, đầu tư ngân sách chỉ đạt 30% thì làm sao kích cầu?”, ông nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới