Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm lãi suất: không dễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm lãi suất: không dễ

Thủy Triều

Việc giảm lãi suất sẽ không dễ dàng trong năm nay. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Mặc dù tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ cố gắng kéo lãi suất xuống 17%-19% trong tháng 9 nhưng theo các chuyên gia việc giảm lãi suất sẽ khó thành sự thật trong bối cảnh lạm phát vẫn cao và nhất là tổ chức định mức tín nhiệm Fitch vừa cảnh báo sẽ hạ bậc tín dụng của Việt Nam nếu không kiềm chế được lạm phát trong thời gian tới.

>>Doanh nghiệp “chết” liệu có phải do lãi suất cao?

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng rất khó có thể giảm lãi suất khi Fitch đã có lời cảnh báo đó mặc dù tổ chức này vẫn giữ xếp hạng tín dụng dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ của Việt Nam ở mức B+. Nếu bị đánh tụt hạng, Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn từ nước ngoài, và nếu có vay được thì cũng phải trả mức lãi suất cao hơn nhiều. Hiện Chính phủ chủ trương sẽ cẩn trọng trong thời gian tới để Việt Nam không bị tụt hạng.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng việc Fitch cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm nếu lạm phát Việt Nam không được kiềm chế được xem là một lời nhắc nhở đối với Chính phủ. “Họ hiểu áp lực của Chính phủ trong vấn đề tăng trưởng nhưng cũng nhắc nhở liệu Chính phủ Việt Nam có kiên trì thực hiện những gì đã đề ra không hay đã bắt đầu trở nên nao núng… Chính phủ nên có thái độ nhất quán đối với các chính sách đã đưa ra”, ông Thành nói.

Và cũng như trong những lần phát biểu khác, ông Thành vẫn cho rằng việc giảm lãi suất là vô cùng khó trong năm nay.

Trong khi đó, chuyên gia Marc Djandji, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán Bản Việt, trong báo cáo của mình cho rằng NHNN sẽ khó giảm lãi suất cho vay tiền đồng xuống mức 17-19%/năm trong tháng 9 theo như lời Thống đốc do những lo ngại về lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng cùng với rủi ro trên thị trường ngoại hối vẫn tiếp diễn.

Chênh lệch lớn giữa lãi suất huy động tiền đồng và đô la Mỹ đã khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng Việt Nam nhiều hơn trong thời gian qua, và nếu sự chênh lệch này bị rút ngắn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu hướng nắm giữ tiền đồng của người dân, gây ảnh hưởng lên tỷ giá.

“Nới lỏng chính sách tiền tệ trước khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát đã được kiểm soát sẽ đưa đến rủi ro tín nhiệm bị giảm cùng với sự thay đổi trong chính sách”.

– Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch

Trong báo cáo mới đây về Việt Nam, tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch đã cảnh báo việc hạ bậc sẽ được thực hiện nếu nhà chức trách Việt Nam không thực hiện đúng các chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến không kiềm chế được lạm phát, làm gia tăng sự mất lòng tin vào đồng nội tệ và đưa đến các bất ổn kinh tế khác.

Fitch cho rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giúp củng cố niềm tin vào tiền đồng, sự ổn định kinh tế, và hỗ trợ cho xếp hạng tín dụng của Việt Nam. “Nhưng việc tiếp tục thực hiện các cam kết mới là vấn đề cốt yếu”, Fitch nói. Việt Nam đã tăng các mức lãi suất chủ chốt từ 7% lên 15% từ tháng 2 đến tháng 6/2011 nhưng sau đó đã giảm xuống 14% trong tháng 7 như một sự thừa nhận việc thắt chặt tín dụng gây ảnh hưởng lên doanh nghiệp. “Nới lỏng chính sách tiền tệ trước khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát đã được kiểm soát sẽ đưa đến rủi ro tín nhiệm bị giảm cùng với sự thay đổi trong chính sách”, Fitch nói.

Tổ chức này cũng cảnh báo về hệ thống ngân hàng rộng lớn nhưng yếu của Việt Nam. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong số các nền kinh tế mới nổi mà Fitch có xếp hạng về độ lớn trong tương quan giữa tín dụng và GDP với tỷ lệ là 125% vào cuối 2010.

Bên cạnh giá lương thực tăng cao, theo Fitch, tăng trưởng tín dụng quá mạnh và chi tiêu công lớn là những nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao của Việt Nam. Tính đến tháng 7, lạm phát theo năm của Việt Nam đã là 22,2% so với mức 11,8% vào tháng 12 năm 2010.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới