Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm phí BOT đã vì lợi ích của dân chưa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm phí BOT đã vì lợi ích của dân chưa?

Lê Anh – Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Nhiều vấn đề nóng của các dự án BOT như xử lý bất cập của các trạm quá gần nhau, việc chỉ định thầu, khi nào côn khai đầu tư BOT, giảm phí BOT đã vì lợi ích của dân chưa…? Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra trong buổi chất vấn sáng 4-6 cho Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Giảm phí BOT đã vì lợi ích của dân chưa?
Vấn đề BOT đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Đề tài này tiếp tục nóng trên nghị trường Quốc hội – Ảnh: Lê Anh

Dân chịu thì thu, không chịu thì đàm phán giảm giá?

Kết thúc phiên chất vấn sáng 4-6, có 30 đại biểu chất vấn và 20 đại biểu tranh luận về các vấn đề liên quan đến quản lý của Bộ GTVT. Phần lớn các câu hỏi và tranh luận của đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề đầu tư các dự án BOT, đầu tư đường sắt.

Ở mảng đầu tư BOT, nhiều đại biểu chất vấn việc thu phí BOT trên quốc lộ 1A sắp tới sẽ xử lý thế nào; có hay không việc dàn xếp đấu thầu và chỉ định thầu ở các dự án BT và BOT; sự chênh lệch giữa tổng mức đầu tư ban đầu và sau khi kiểm toán…

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dựa trên giá trị quyết toán và lưu lượng xe thực tế bộ này đã tính toán lại thời gian thu và đa số thời gian thu các dự án giá đều giảm so với hợp đồng. Một số dự án phải kéo dài thời gian thu do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự báo. Khi kiểm soát doanh thu tài chính của dự án sẽ đảm bảo minh bạch. Người đứng đầu  ngành GTVT cho rằng, việc tuyên truyền và công khai thông tin thời quan qua làm chưa tốt nên dẫn đến phản ứng của người dân.

Liên quan đến vấn đề chênh lệch tổng mức đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng ký với nhà đầu tư và kết quả kiểm toán dự án BOT mà các đại biểu Quốc hội nêu ra, ông Thể cho hay là do hợp đồng  ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư ở thời điểm hiện tại và kinh phí dự phòng lớn do lúc đó lãi suất ngân hàng ở mức cao. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành, Bộ GTVT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả kiểm toán để điều chỉnh lại hợp đồng nhằm  đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chất vấn, nhiều công ty phản ánh rằng có nhiều dự án BOT là chỉ định thầu hoặc dàn xếp đấu thầu, có hay không hiện tượng này? Giải pháp của Bộ GTVT như thế nào? Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Bộ trưởng GTVT nói rằng, vừa qua các dự án BOT đều tổ chức đấu thầu công khai. Nhiều dự án BOT còn kéo dài thời gian nhận hồ sơ. Tuy nhiên, có những dự án chỉ có một nhà đầu tư tham gia nên phải chỉ định thầu. Ông Thể nhấn mạnh, hiện nay các luật về đấu thầu rất chặt chẽ, cộng với sự tăng kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, nếu phát hiện có hiện tượng chạy thầu thì căn cứ luật để xử lý.

Không hài lòng với phần trả lời của ông Thể, đại biểu Hà Quang Hàm (Phú Thọ) giơ biển tranh luận lại. Đại biểu Hàm cho rằng, bức xúc hiện nay là ở 17 dự án đặt trạm thu phí sai. Ông Hàm cho rằng, phương án xử lý các dự án BOT được Bộ GTVT đưa ra là dựa trên lợi ích của người dân, tuy nhiên bản thân ông không thấy như thế.

“Câu trả lời của bộ trưởng vẫn toát lên điệp khúc dân chịu thì thu, dân không chịu thì đàm phán giảm giá. Như vậy đã vì lợi ích của dân chưa?”, ông Hàm đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu Hàm, Bộ trưởng GTVT cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại. Nếu bây giờ muốn di dời trạm thì phải có một khoản vốn rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách rất khó khăn.

“Chúng tôi mong muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội đồng ý thì sẽ lấy tiền mua lại. Quan điểm của Bộ GTVT là sẵn sàng mua lại các dự án nếu có vốn. Còn hiện nay, sẽ thực hiện giảm phí để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Thể nói trước Quốc hội.

Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng GTVT, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc giảm phí BOT nói rằng vì lợi ích của người dân giống như một sự ban phát chứ không phải dựa trên quy luật cung cầu. Ông cho rằng, Bộ GTVT phải đưa ra giải pháp dựa trên quy luật cung cầu có sự đồng thuận giữa người mua và người bán. Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng tranh luận và đặt câu hỏi có phải do nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ GTVT nên bộ chỉ đưa ra các giải pháp chắp vá và ngại xử lý vấn đề này?

Trả lời lại phần tranh luận của các đại biểu, ông Thể vẫn lặp lại rằng việc làm các dự án BOT đã được lấy ý kiến từ các bộ, ngành đến UBND các cấp. Thậm chí, một số địa phương còn lấy ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội. Đối với phần  tranh chấp giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT nếu có xảy ra sẽ  thực hiện theo luật dân sự.

Về giải pháp lâu dài để khắc phục bất cập của dự án BOT, ông Thể cho biết, thời gian tới chỉ thực hiện BOT trên tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn muốn đi nhanh trả tiền, đi chậm trên đường cũ. Chính vì thế, nhiều dự án Bộ GTVT đã tạm dừng không làm theo hình thức BOT.

Đường sắt ít được quan tâm có phải vì ít lợi ích?

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc lại là tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã đồng ý dùng 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 để đầu tư cho giao thông, trong đó có 7.000 tỉ đồng cho đường sắt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GTVT triển khai vốn cho sự phát triển đường sắt.

Bên cạnh vấn đề các dự án BOT, trong buổi chất vấn sáng 4-6, nhiều đại biểu cũng chất vấn việc yếu kém của ngành đường sắt.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM) chất vấn về chất lượng ngành đường sắt hiện nay khi có nhiều tai nạn xảy ra? Còn đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn, cách đây 8 năm Quốc hội đã không đồng tình để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuy nhiên vẫn thống nhất đầu tư phát triển đường sắt. Đến nay, Bộ GTVT quan tâm vấn đề này như thế nào?.

Người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận, sự tham mưu của Bộ GTVT là yếu kém nên chưa đầu tư đúng mức nên chưa có giải pháp phát triển đường sắt Bắc – Nam. Lý giải cho tình trạng tai nạn xảy ra nhiều, ông Thể cho biết, do đường sắt của Việt Nam đã quá lạc hậu và có quá nhiều đường giao cắt với đường bộ dẫn đến xảy ra tai nạn. Và ông cũng nhận trách nhiệm khi chưa khắc phục được những yếu kém này.

Đối với dự án đường sắt mà đại biểu Dương Trung Quốc nêu, ông Thể tiếp tục nhận trách nhiệm khi 8 năm dự án chưa trình được Quốc hội. Ông cho biết, năm 2019 sẽ trình dự án đường sắt tốc độ cao để Quốc hội xem xét.

Bộ trưởng GTVT vừa dứt lời thì đại biểu Tô Thị Bích Châu không hài lòng và tranh luận lại. Bà cho rằng trong báo cáo gửi đại biểu chỉ có 3 dòng nói về đường sắt trong khi những ngày vừa qua đường sắt liên tục xảy ra tai nạn, các giải pháp đưa ra chưa rõ ràng.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng không hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, khi cho rằng sự yếu kém của đường sắt  là do tham mưu kém. Đại biểu này cho rằng đường sắt đang bị bỏ rơi. Đồng thời, ông đặt  câu hỏi phải chăng đường bộ dễ chia sẻ lợi ích nhóm còn đầu tư đường sắt ít mang lại lợi ích cho nhóm lợi ích, nên không được quan tâm?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng tranh luận lại khi cho rằng yếu kém kéo dài của ngành đường sắt bộ trưởng không đủ sức chịu trách nhiệm vì đây là tính mạng của người dân. Bà Tâm đề nghị Bộ GTVT phải có các giải pháp trước mắt để thực hiện ngay và giải pháp lâu dài để phát triển ngành đường sắt.

Phản hồi lại các tranh luận của đại biểu, ông Thể cho biết,  Bộ GTVT rất quan tâm tới đường sắt chứ không quan tâm như đại biểu nói. Tuy nhiên, khó khăn đối với đường sắt là suất đầu tư lớn, để làm được dự án từ Bắc vào Nam mất mấy chục tỉ đô la.

Ông Thể nêu quan điểm là Bộ GTVT luôn quan tâm phát triển hài hòa các phương thức vận tải nên làm đường sắt hay đường bộ đều như nhau chứ không có sự phân biệt.

Phải có biện pháp xử lý các trạm thu phí không đúng vị trí

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra hàng loạt yêu cầu đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xử lý sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT.

“Việc đầu tư các dự án BOT đường bộ nhiều thiếu sót nhưng chưa được xử lý gây ra búc xúc dư luận. Nguyên nhân là do hệ thống chính sách, pháp luật và cách điều hành của Bộ GTVT”, bà Ngân thẳng thắn chỉ ra như vậy khi kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Bà cũng nhận định sau hơn 8 tháng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng GTVT, ông Thể đã trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm nhưng nhiều đại biểu chưa hài lòng.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT phải rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng giao thông, nhất là giao thông đường sắt, khẩn trương nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao để đưa ra Quốc hội cho ý kiến năm 2019. Mặt khác phải đề ra các giải pháp mạnh, kể cả thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án giao thông. Bên cạnh đó phải đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhận làm chậm tiến độ các dự án, làm tăng vốn đầu tư. Đồng thời có biện pháp mạnh giảm tai nạn giao thông.Đối với các trạm thu phí, bà Ngân yêu cầu rà soát tất cả các trạm thu phí đường bộ. Mục tiêu đến năm 2019 sẽ phải lắp đặt hoàn thiện tất cả các trạm thu phí không dừng. “Đối với các trạm đặt không đúng vị trí, không phù hợp phải có biện pháp xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, khi giải trình về các trạm thu phí BOT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề cập việc Chính phủ sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đảm bảo công khai, minh bạch và khắc phục kẽ hở thất thoát  vốn.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới trước mắt tất cả các tuyến đường bộ Bắc- Nam và tuyến đường sắp thi công sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch và cạnh tranh.

Mời xem thêm:

>> Lợi ích đánh đổi ở các dự án BOT

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới