Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giám sát, rồi sau đó?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giám sát, rồi sau đó?

Ngọc Lan

Thảm họa bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo cho các dự án khai thác bauxite của Việt Nam.

(TBKTSG) – “Sẽ làm gì – sau giám sát?” – câu hỏi đó được đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đặt ra khi nhận định về bản báo cáo giám sát việc quản lý và hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Quốc hội thực hiện cách đây nửa năm.

Đúng là bất chấp hoạt động giám sát, sự đổ vỡ của tập đoàn kinh tế Vinashin đã và sẽ để lại những hậu quả cho nền kinh tế nhiều năm. Đây là một trong số các ví dụ cho thấy vấn đề giám sát ở Quốc hội chắc chắn không thể chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo.

Nếu xét theo luật, sẽ có những vấn đề đang nóng trong xã hội nhưng không thể xuất hiện chính thức trên bàn nghị sự. Như việc đầu tư các dự án bauxite ở Tây Nguyên, tổng mức đầu tư từng dự án chưa đến mức phải trình ra Quốc hội phê chuẩn. Nhưng nó sẽ là vấn đề nóng của kỳ họp Quốc hội lần này khi sự cố vỡ đập chứa bùn đỏ là chất phế thải từ khai thác bauxite tại Hungary đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Cũng vì lý do dự án bauxite không phải trình Quốc hội thông qua nên nhiều báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội chỉ mang tính thủ tục. Ông Nguyễn Đình Xuân, thành viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nói với TBKTSG hôm 18-10: “Có một số thành viên ở ủy ban vẫn vào kiểm tra dự án trong Tây Nguyên nhưng ủy ban đến nay chưa có một phiên họp toàn thể chính thức nào về vấn đề này. Tôi cũng có nhận được một số báo cáo từ Chính phủ về dự án nhưng không thường xuyên”.

Và ở những báo cáo đó, kể cả khi sự cố bùn đỏ ở Hungary đã xảy ra, cũng không có dòng nào bổ sung về xác suất sự cố có thể xảy ra với dự án tương tự ở Việt Nam? Kịch bản ứng phó thế nào? “Với tư cách là người dân, chúng tôi đều mong muốn các dự án đầu tư đem lại hiệu quả. Còn với tư cách một đại biểu Quốc hội làm công tác giám sát, kể cả dự án đó vốn không đủ lớn để Quốc hội quyết định những dự báo ảnh hưởng của dự án là việc phải làm và trách nhiệm của chúng tôi là không được bỏ qua”, ông Xuân nói.

Vị đại biểu Tây Ninh này từng yêu cầu thành lập ủy ban giám sát các dự án thủy điện nhưng chưa được chấp nhận. Ông cho biết là sẽ dành thời gian trong kỳ họp đang diễn ra để yêu cầu trả lời về vấn đề xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Nghiêm Vũ Khải có nhắc lại việc đầu năm 2009, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị về bauxite, đã chỉ đạo Bộ Công Thương và tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) phải hoàn thiện thiết kế hồ chứa bùn đỏ để không thấm, ngấm hay vỡ đập khi có mưa lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kể cả thẩm định thiết kế hồ chứa.

Nhưng cho đến nay, những thông tin mà các thành viên ủy ban nhận được chỉ là vài dòng trong báo cáo: “Thiết kế có tốt mấy nhưng thi công, vận hành không nghiêm túc thì chưa thể đảm bảo an toàn”, ông Khải nói.

Còn nhớ vào năm ngoái, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về các dự án khai thác bauxite, trong đó nhấn mạnh: “Riêng dự án Nhân Cơ, cần rà soát toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thật sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường mới tiếp tục triển khai thực hiện”.

Một vị đại biểu khác cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã bị Quốc hội trả về vì các phần quan trọng như đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, đánh giá tác động môi trường sơ sài thì không thể thông qua. “Nếu dự án bauxite mà Quốc hội có quyền biểu quyết như dự án đường sắt cao tốc, thì với những văn bản ít ỏi mà chúng tôi nhận được từ đó đến nay, tôi không chắc nó có được thông qua hay không”.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Vũ Quang Hải lại nhìn nhìn nhận cách thức Quốc hội ứng phó với những vấn đề công luận quan tâm ở một góc độ khác. Ông nói thẳng rằng Quốc hội cũng có trách nhiệm trong sự đổ vỡ ở Vianshin vì buông lỏng hậu giám sát như điều mà ông Kiêm e ngại nói ở trên. “Chuyện hậu giám sát, đôn đốc, kiểm tra còn hạn chế nên mới để vấn đề Vinashin bộc phát trên diện rộng như vậy”. Ông cho rằng nếu Quốc hội kiên quyết hơn với các quyết định đầu tư ngân sách, chi tiêu công từ Chính phủ thì có lẽ hậu quả đã không nghiêm trọng như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới