Thứ ba, 10/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giám sát việc giải quyết thủ tục để tạo cải cách mạnh mẽ

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sốt ruột về thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà gây lãng phí thời gian, nguồn lực và cản trở doanh nghiệp phát triển, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính để tạo cải cách mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương.

 Ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: quochoi.vn

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đang trong tuần làm việc thứ ba. Trong đó, hai ngày đầu tuần này (ngày 4 và 5-11-2024) được dành để thảo luận tại hội trường về các nội dung kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước…

Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên họp là tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà đang gây lãng phí thời gian, nguồn lực và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Gây chú ý là câu chuyện của ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, về các nhà đầu tư hai dự án trọng điểm xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông. Họ mất hơn sáu năm từ khi khởi động dự án và hơn ba năm từ ngày nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, ông Nam cho biết, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các nhà đầu tư quan tâm khởi động dự án từ tháng 9-2018, nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3-2021 và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ vào tháng 8-2022.

Trong quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, đấu nối giao thông, về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan đến dự án. Nhưng, “việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, ông Nam cho biết.

Trong khi Luật Đầu tư quy định tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá ba tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày, thì đến nay hồ sơ dự án trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Nhà đầu tư mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, ông Nam “lẩy Kiều”.

Nhìn tổng thể, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có một số thành tựu nhưng việc giải quyết thủ tục của một số cơ quan còn kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát; nhất là trong quy trình phối hợp trao đổi lấy ý kiến giữa các bộ, ngành - “đối chiếu giữa quy định thời hạn giải quyết trong luật và thực tế còn khoảng cách rất xa”.

Dẫn báo cáo của Chính phủ thống kê từ năm 2021 đến tháng 8-2024, có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa và chiếm 18,9% trong số các thủ tục được rà soát, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhận xét “đây là con số rất lớn”. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn với người dân, doanh nghiệp. Cũng theo đại biểu này, con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Vui vì đây là kết quả của sự rà soát, tích cực, trách nhiệm và khoa học; chưa vui vì con số này cũng là kết quả của những hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.

Tương tự, ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: “Môi trường kinh doanh ở nước ta đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro ngay từ khi khởi nghiệp, đó là những điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi”. Điều này khiến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp chậm lớn trong thời gian qua.

Về giải pháp, ông Tân cho rằng, thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp như ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Hoặc dùng các biện pháp quản lý khác như: quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường; quy định nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh; quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe với các hành vi vi phạm. “Điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc và kiểm soát chủ thể kinh doanh, vì thế chỉ nên sử dụng công cụ này trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động tiêu cực đến trật tự công”, ông Tân nhấn mạnh.

Cũng tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.

Theo ông Tân, đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý nhà nước; vừa khơi thông nguồn lực để phát triển và quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; vừa phòng, chống lãng phí trong xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng của trung ương; đồng thời cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được.

“Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế về các điều kiện kinh doanh. Trong đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định của Chính phủ; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại điều 7 của Luật Đầu tư năm 2020”, ông Tân đề xuất.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về đổi mới, về cải cách từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương theo phương châm: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; cải cách triệt để thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Rõ ràng, khơi thông “điểm nghẽn thể chế”, nói thì tưởng là “xa” nhưng thực chất cần bắt đầu bằng những công việc cụ thể như vậy. Mà thủ tục hành chính là thứ “nhà làm ra” - tức là do bộ máy nhà nước “sinh ra” chứ không phải là khách quan như thiếu tiền bạc, thiếu nguồn lực, do môi trường thế giới… Nhận ra “bệnh rồi”, phương thuốc chữa có lẽ cũng không phải là khó. Vấn đề duy nhất còn lại là bộ máy nhà nước có thực sự xắn tay áo để làm hay không mà thôi. Doanh nghiệp, người dân ở thời điểm này sẽ nhìn vào hành động cụ thể, thay vì chỉ là lời nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới