Giảm số lượng, thu hẹp diện tích sân gôn
Ngọc Lan
50/166 sân golf trên cả nước đã bị Bộ Kế hoạch-đầu tư đề nghị loại trong quá trình chuẩn bị và lập quy hoạch .Ảnh:MB |
(TBKTSG Online) - Cuộc trả lời chất vấn của hai bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường và Kế hoạch-Đầu tư ngày 12-6 tập trung nhiều quanh vấn đề giải quyết tình trạng các sân gôn đang phát triển ồ ạt trong thời gian qua, lấn đất trồng lúa. Cả hai bộ trưởng đều cho biết, đã có các kế hoạch cắt giảm số lượng và co hẹp diện tích các sân gôn.
Vấn đề quản lý và quy hoạch sân gôn đã trở thành vấn đề nóng từ kỳ họp thứ ba của Quốc hội diễn ra hồi tháng 5 năm ngoái. Những chất vấn ở thời điểm đó cho thấy trên thực tế không có bộ nào quản lý sân gôn và quy hoạch sân gôn, trong khi các dự án vẫn mọc lên do sự cấp phép của các địa phương.
Tại phiên họp chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên bị đại biểu Nguyễn Minh Hà chất vấn: “Số sân gôn ở nước ta có phải quá nhiều không? Các sân gôn chiếm dụng 80% diện tích đất nông nghiệp nhưng có dự án chỉ sử dụng 30% đất làm sân, còn lại để kinh doanh bất động sản”. Bà Hà đặt câu hỏi: “Bộ trưởng nghĩ gì khi sân gôn chỉ dành cho người giàu, trong khi người nghèo lại mất đất?”.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hiện cả nước chưa có quy hoạch tổng thể về sân gôn nên cũng chưa thể có quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất cho loại hình này. Do phân cấp về quản lý và cấp phép nên thời gian qua các tỉnh đã lấy đất dành cho du lịch, vui chơi thể thao, đất công viên và chuyện lấy đất trồng lúa hay kinh doanh bất động sản làm sân gôn thực chất là các hình thức sân gôn trá hình.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, bộ đã có kết quả rà soát sân gôn và hiện có 166 dự án đang hoạt động, đang triển khai, đang trong quy hoạch. Trong đó, 145 dự án trong số này đã cấp đất, 84 dự án khác đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bình quân hiện nay một sân gôn chiếm diện tích 300 héc ta đất và tính ra có 10.500 héc ta đất nông nghiệp bị chiếm dụng, trong đó có 2.900 héc ta đất lúa.
Theo trả lời của ông Nguyên, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã yêu cầu dừng lại việc xây dựng tất cả các sân gôn để chờ quy hoạch tổng thể, đồng thời kiến nghị dự án nào lấy đất nông nghiệp, nhất là đất lúa sẽ phải chuyển đổi.
Phần Bộ Kế hoạch-Đầu tư, theo ông Phúc, sau khi xem xét mức độ cần thiết của các dự án này, trong đề án quy hoạch tổng thể sân gôn đến năm 2020, bộ đã kiến nghị giữ lại 116 sân, loại 50 sân đang triển khai hoặc đang chuẩn bị. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch-Đầu tư sẽ ban hành tiêu chí sân gôn với diện tích không quá 100 héc ta, những nơi có địa hình khó thì được bổ sung thêm 10 héc ta nữa.
“Mỗi sân gôn cũng chỉ được chiếm 10 héc ta đất lúa xấu”, ông Phúc nói và kể rằng việc loại 50 sân gôn đang là một cuộc đấu tranh gay gắt nhưng bộ kiên quyết loại bỏ, vì "không có lý do nào lại lấy đất ruộng làm đất sân gôn được”.
Trong số 50 sân gôn bị ngưng lại, có 10 dự án trên địa bàn Hà Nội, thực tế là trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) được cấp phép trước khi địa phương này sát nhập về thủ đô. Việc bị loại 10 dự án khiến Hà Nội còn lại tổng số 9 sân gôn. Hai bộ cũng không đồng tình việc các sân gôn lấy đất của các trung tâm khoa học cây trồng và vật nuôi trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) và đề nghị UBND TP Hà Nội xử lý các dự án này.
Ngày 13-6, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn.
Các bộ trưởng: gói kích cầu đang đúng hướng Đề cập đến các gói kích cầu, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng đã giúp ổn định công ăn việc làm cho người lao động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Ông cũng khẳng định Chính phủ đã tiên liệu và có các giải pháp với các “phản ứng phụ” từ gói kích cầu, trong đó có nguy cơ tái lạm phát. "Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán 5 tháng qua là 14,67%, tổng dư nợ tín dụng đến tháng 5-2009 được khống chế ở mức 14,9%”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh bổ sung rằng việc điều hành tiền tệ được thực hiện trên nguyên tắc: “Không làm tăng cung ứng tiền trên lưu thông, không dùng biện pháp in tiền để tăng chi cho ngân sách”. Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói rằng các nước đều nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng đến nay chưa thấy nước nào xuất hiện lạm phát. Theo ý ông Giàu, ngay cả khi Việt Nam điều chỉnh tăng giá xăng theo giá dầu thế giới cũng chưa thấy có ảnh hưởng gì lớn. |