Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm sốc do biến đổi khí hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm sốc do biến đổi khí hậu

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – Việt Nam được các chuyên gia môi trường xếp vào nhóm các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Thực tế những đợt hạn hán và bão lũ nhiều năm qua đã minh chứng điều này. Làm sao để thích ứng, giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước tình trạng “khí hậu cực đoan” đang diễn ra với cường độ ngày càng cao là một vấn đề nan giải.

Trong chuyên đề “Phát triển và biến đổi khí hậu” của “Báo cáo phát triển thế giới” do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2010 có nêu ra các biện pháp cơ bản như: quản lý thích ứng – sống chung với sự biến đổi; quản lý các rủi ro vật chất: tránh những gì có thể tránh được (như xây dựng các đô thị thông minh với biến đổi khí hậu, giữ cho con người khỏe mạnh); quản lý rủi ro tài chính với các công cụ dự phòng linh hoạt; quản lý các rủi ro xã hội: trao quyền cho các cộng đồng để họ tự bảo vệ mình (trong điều kiện chế độ bảo hiểm, các hỗ trợ xã hội và an sinh tốt).

Trong bốn gợi ý giải pháp của Ngân hàng Thế giới, có thể thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các chế độ an sinh bền vững cho người dân ở vùng dễ bị tổn thương. Trên thực tế ở nước ta, mọi khả năng xoay trở và ứng phó hiện nay tại các vùng thường xảy ra bão lũ phần lớn dựa trên kinh nghiệm dân gian của cộng đồng người bản địa. Có thể lấy hình ảnh đặc thù nhất để thấy bản chất vấn đề: hệ thống đê bao cũ mà Nhà nước huy động “sức dân” xây dựng để ứng phó qua các mùa lũ hết sức thủ công, đã thất thủ trước những cơn lũ dữ trong khi những phát kiến về công nghệ xây dựng các tuyến đê ứng phó vẫn chưa có gì mới.

Với một khả năng dự phòng thấp, đương nhiên, thiệt hại và rủi ro sẽ cao. Trong khi đó, những thể chế hỗ trợ người dân phục hồi đời sống sau thiên tai vẫn chưa phát huy tác dụng. Những giải pháp nâng cao khả năng chia sẻ khó khăn trong cộng đồng chỉ dừng lại ở tính chất nhất thời của các đợt cứu trợ. “Bảo hiểm thiên tai” là mỹ từ còn quá xa vời đối với người dân trong nước.

Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới, nhìn thấy tầm quan trọng của biến đổi khí hậu tác động đến đời sống của người dân, mô hình an sinh hỗ trợ thiệt hại do biến đổi khí hậu đã được chính phủ nhiều nước đang phát triển, thậm chí các nước nghèo, ứng dụng có hiệu quả. Ví dụ các chính phủ ở vùng Caribe đã xây dựng quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai, bảo hiểm gián đoạn dịch vụ sau thiên tai; chính phủ Ấn Độ xây dựng đạo luật quốc gia đảm bảo việc làm cho nông thôn; Mông Cổ có chế độ chia sẻ rủi ro biến đổi khí hậu bằng bảo hiểm chăn nuôi…

Mỗi năm, sau mùa lũ, Chính phủ Việt Nam vẫn thường đưa ra những con số thiệt hại. Nhưng do cường độ lặp đi lặp lại của thiên tai ngày càng cao, cảm xúc chia sẻ rủi ro sau thiên tai của cộng đồng có nguy cơ bị chai lì, lệch lạc và tiêu cực (mới năm ngoái, đã có trường hợp hàng cứu trợ cho đồng bào bão lũ miền Trung thay vì áo quần thì lại toàn… giẻ rách!), và có thể thấy rõ sức ì trong biện pháp dự phòng, chỉ đạo ứng phó của các nhà chức trách địa phương.

Hình ảnh và con số thiệt hại về thiên tai hàng năm ở nước ta không được nhận thức như những bi kịch, gánh nặng xã hội, tác động tiêu cực tới kinh tế, an ninh, mà đang có nguy cơ trở thành những số liệu thống kê vô hồn.

Cung cấp mạng lưới an sinh cho cư dân vùng dễ bị tổn thương để giúp họ tránh tình trạng suy sụp kinh tế sau thiên tai là vấn đề cần được nhận thức và thực hiện sớm. Sống chung với biến đổi khí hậu không có nghĩa là xem những tác hại của thiên tai đang tàn phá đời sống của đồng bào là điều bình thường, có thể tảng lờ với tư duy “đến hẹn lại lên”, mà phải xây dựng được một chiến lược quản lý rủi ro lâu dài và một khả năng giúp dân có điều kiện để tái thiết cuộc sống sau những tai họa mà thiên nhiên bất định mang lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới