(KTSG) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây cho rằng trong xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế lần này Chính phủ cân nhắc để đưa ra giải pháp, phấn đấu để hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm thêm 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất cho vay trong hai năm. Liệu mục tiêu này có khả thi?
Những thách thức
Theo NHNN, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh ba lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các TCTD và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là 1 điểm phần trăm và năm 2021 tiếp tục giảm 0,8 điểm phần trăm. Với việc mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong hai năm qua, đặc biệt từ giữa tháng 7-2021 việc giảm lãi suất đã thực chất hơn, có thể nói mong muốn giảm thêm lãi suất cho vay của NHNN là rất đáng hoan nghênh, nhất là đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.
Với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, số tiền lên đến 40.000 tỉ đồng trong hai năm 2022-2023, có thể thấy mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng được hỗ trợ, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng hiện nay. Nhưng phần dư nợ hiện hữu còn lại lên đến 90%, chưa nói đến các khoản vay mới sẽ tiếp tục phát sinh, việc giảm thêm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ này để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn cũng rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu NHNN, theo quy định của pháp luật, NHNN không thể bắt buộc các TCTD phải giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Một số TCTD có cổ đông là cá nhân/tổ chức nước ngoài. Chính vì vậy, trong quá trình điều hành, cơ quan này đã linh hoạt sử dụng các công cụ đồng thời động viên và kêu gọi các ngân hàng và nhận được sự đồng thuận cao. Nhưng bước sang năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, cầu vay vốn gia tăng, việc đồng thuận để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng.
Ngoài ra, trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước đang dần trung hòa chính sách tiền tệ, một số dự báo cho rằng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung, với lãi suất có thể dần tăng trở lại trong năm 2022, nhất là đặt trong bối cảnh lạm phát cao có thể sớm quay trở lại.
Trong bối cảnh các công cụ tiền tệ dường như đã tới hạn và dư địa không còn nhiều, dễ hiểu vì sao NHNN đề xuất Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp các TCTD có điều kiện phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.
Hơn nữa, hoạt động huy động vốn ngân hàng trong hai năm vừa qua phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản, khiến lãi suất tiền gửi có thể chịu áp lực tăng dần từ năm 2022, nên mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay sẽ gặp thêm nhiều thách thức.
Một yếu tố khác cũng có thể cản trở động lực giảm thêm lãi suất cho vay của các ngân hàng là nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ các khoản vay đã tái cơ cấu thời gian qua, trong khi chính sách tái cơ cấu nợ chỉ kéo dài đến tháng 6-2022. Từ trước đến nay, “cục máu đông” nợ xấu và các tài sản không sinh lời lớn luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên chính sách lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Giải pháp đồng bộ tài khóa và tiền tệ
Trong bối cảnh các công cụ tiền tệ dường như đã tới hạn và dư địa không còn nhiều, dễ hiểu vì sao NHNN đề xuất Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp các TCTD có điều kiện phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay. Để làm được điều này, rõ ràng cần phải có sự phối hợp linh hoạt và những giải pháp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Đó có thể là việc xác định một mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi hơn áp dụng trong 1-2 năm cho các ngân hàng đã hy sinh lợi nhuận lớn để hỗ trợ khách hàng thông qua việc giảm lãi suất cho vay, hoặc nhanh chóng cho phép cho các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh tăng thêm vốn điều lệ để gia tăng nội lực tài chính.
Đáng lưu ý là gần đây có đề xuất NHNN có thể trực tiếp mua trái phiếu chính phủ (TPCP) trong thời gian tới, khi đó các ngân hàng thương mại có thể giảm mua mới TPCP trong khi lượng TPCP đầu tư trước đây tiếp tục đáo hạn dần. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp không phải chịu hiệu ứng chèn lấn vốn, còn ngân hàng có thanh khoản nhiều hơn, tạo điều kiện thúc đẩy ngân hàng giảm lãi suất cho vay để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.
Phía NHNN có thể xem xét đến các công cụ tiền tệ đã không sử dụng trong nhiều năm qua, đơn cử như cân nhắc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngoài ra, cơ quan này cũng có thể tiếp tục hoãn việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cho các ngân hàng, vốn đã phải giảm từ 40% xuống còn 37% từ đầu tháng 10-2021 và sẽ phải tiếp tục giảm về còn 30% từ tháng 10-2023.
Về phần mình, để có thể giảm thêm lãi suất cho vay, các ngân hàng buộc phải tiếp tục tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, điều không dễ gì trong xu hướng lãi suất tiền gửi sẽ chịu áp lực đi lên trở lại như đã nói. Dù vậy, mục tiêu này không phải hoàn toàn bất khả thi, khi các ngân hàng có thể tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có lãi suất thấp, kéo chi phí vốn bình quân xuống.
Với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng theo định hướng của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng cũng đã phát triển các dịch vụ ngân hàng số khá thành công trong thời gian qua, xu hướng tăng tỷ lệ tiền gửi CASA được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì. Đáng lưu ý là từ đầu năm 2022, một số ngân hàng đã miễn giảm phí dịch vụ giao dịch trên nền tảng ngân hàng số, tạo điều kiện thu hút thêm khách hàng mở tài khoản và tăng lượng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn.
Ngoài ra, các ngân hàng có thể tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn tài trợ giá rẻ từ các định chế tài chính quốc tế, các nguồn vốn ủy thác cho vay theo các chương trình ưu đãi, tận dụng thị trường chứng khoán thuận lợi để tăng thêm vốn điều lệ, phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với chi phí thấp để gia tăng nguồn vốn kinh doanh bền vững như đã làm trong năm vừa qua.
Trong khi đó, Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15-1 với nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng, các ngân hàng khó có thể tiếp tục mạnh tay mua TPDN như những năm qua. Điều này sẽ góp phần khiến các ngân hàng thêm thừa vốn và có thể phải giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh ở hoạt động tín dụng nhiều hơn.
Cuối cùng, với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây giúp các ngân hàng tích lũy được nguồn lực tài chính khá lớn, lợi nhuận ngày càng giảm dần sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng khi nhiều mảng dịch vụ khác như bán bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, đầu tư ngày càng đóng vai trò quan trọng, quá trình chuyển đổi số thời gian qua giúp giảm chi phí hoạt động đáng kể, cũng là những điều kiện quan trọng hỗ trợ ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay trong giai đoạn tới.