Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm thuế, giãn thuế để cứu thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm thuế, giãn thuế để cứu thị trường

Ngọc Lan

Giảm thuế, giãn thuế để cứu thị trường
Ngoài việc giảm thuế, giãn thuế, doanh nghiệp cũng cần ngành thuế giảm bớt khó khăn cho họ bằng cách đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Năm 2009, khi tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã có những quyết định kịp thời về việc miễn, giãn và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nay tình hình cũng khó khăn không kém. Liệu Chính phủ có nghĩ đến một giải pháp cứu doanh nghiệp thông qua một số chính sách thuế?

>>> Doanh nghiệp đang chết, Nhà nước làm gì?

Sức mua trên thị trường ba tháng đầu năm chỉ tăng 5% (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) là mức tăng rất thấp so với cùng kỳ hàng năm đều tăng trên 10%. Thêm vào đó là con số 12.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hoặc dừng nộp thuế. Tình hình khó khăn đòi hỏi Bộ Tài chính phải có những đề xuất miễn, giảm thuế linh hoạt như yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ để hồi phục sức khỏe cho thị trường.

Doanh nghiệp khó nhưng Nhà nước vẫn tăng thu

Ngân sách nhà nước được hình thành chủ yếu từ nguồn thu nội địa. Trong số này hai khoản thu chủ lực là thu từ dầu thô (khoảng 21% GDP), thu nội địa trừ dầu, trong đó có thu từ thuế và phí (khoảng 22% GDP). Theo Bộ Tài chính, tính từ năm 2007-2010, cho dù nền kinh tế có những năm đối mặt với khó khăn thì các nguồn thu từ thuế đều vượt trên dự toán (bình quân tăng 25,8%/năm).

Đối tượng khó khăn nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lợi nhuận để chịu thuế nên việc giãn thuế cũng không có tác dụng gì.

Trong cơ cấu thuế hiện hành, thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu có vai trò chủ lực. Đây cũng là các khoản phải nộp lớn nhất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn một số sắc thuế khác.

Tính bình quân thuế TNDN chiếm 30-33% tổng thu từ thuế và khoảng hơn 20% tổng thu ngân sách. Thuế GTGT chiếm 20-25% và thuế xuất nhập khẩu chiếm trên 10% tổng thu từ thuế. Điều đó nói lên rằng bất cứ một thay đổi nào trong chính sách thuế nói trên đều có sự tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời việc tăng, giảm hay miễn thuế cũng sẽ làm phình to hoặc thu hẹp ngân sách của Nhà nước.

Nghị quyết 01 của Chính phủ hồi đầu năm có nêu ra vấn đề “tăng thu để giảm bội chi” song đồng thời cũng yêu cầu Bộ Tài chính linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ thuế để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2009, khi tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã có những quyết định kịp thời về việc miễn, giãn và giảm thuế GTGT, thuế TNDN. Nhờ đó, sản xuất kinh doanh được phục hồi, có tác dụng tích cực đến việc làm và đời sống của người dân. Hay nói khác đi là việc kích cầu thông qua một số chính sách thuế linh hoạt đã có ảnh hưởng tốt đến sự hồi phục của thị trường.

Nay tình hình cũng khó khăn không kém. GDP quí 1 chỉ tăng 4%, sức mua trên thị trường tăng 5% so với cùng kỳ. Lãi suất cao, hàng tồn kho tăng mạnh và tăng trưởng tín dụng quí 1 là con số âm.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây đã tính toán rằng do tác động của lãi suất, chi phí tài chính khiến giá cả hàng hóa của Việt Nam cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực khoảng 2-2,8%. Như vậy không chỉ sức mua trên thị trường nội địa gặp khó mà xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng theo. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước quí 1 năm nay “giậm chân tại chỗ” với khoảng 9 tỉ đô la, không tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài tăng đến 43,1% cũng so với cùng kỳ.

Mặc dù gặp khó trăm bề nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ được giãn các khoản thuế TNDN phải nộp trong quí 1 đến hết tháng 7. Song, các phân tích cho thấy đối tượng khó khăn nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lợi nhuận để chịu thuế nên việc giãn thuế cũng không có tác dụng gì. Còn với các doanh nghiệp có lợi nhuận chịu thuế, biện pháp hỗ trợ này có thể giúp doanh nghiệp có thêm vốn lưu động.

Vì vậy, mới đây Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bằng cách giảm thuế. Nếu đề xuất này chậm được chấp thuận thì sức sản xuất kinh doanh càng khó được phục hồi khiến cho nguồn thu thuế càng bị ảnh hưởng.

Tại sao là giảm thuế?

Tất cả quá trình nhập khẩu, sản xuất hay vận chuyển hàng hóa đều phát sinh chi phí và phải chịu cả ba loại thuế chính gồm thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu. Nếu một trong ba loại thuế này được giãn, giảm sẽ đẩy nhanh quá trình chu chuyển vốn của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận, kích thích cung và cầu, tăng sức mua của thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế ở dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 2 (nhóm các chuyên gia như Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Võ Trí Thành…), chính sách giảm thuế vận hành thế nào sẽ quyết định đến phúc lợi của hộ gia đình/doanh nghiệp một nước.

Ví dụ giá thế giới của một mặt hàng nhập khẩu, mức thuế quan của mặt hàng đó, tỷ giá hối đoái là cơ sở để xác định giá cửa khẩu sau thuế (gọi khác đi là giá nhập khẩu). Nếu cộng thêm thuế trong nước và chi phí vận tải từ cảng đến trung tâm phân phối chính sẽ có giá bán buôn. Từ trung tâm phân phối, hàng hóa được chuyển đến các điểm phân phối nhỏ hơn và có thể phải chịu thêm các loại thuế khác. Kết quả là ra giá bán lẻ hàng hóa. Cuối cùng từ điểm bán lẻ, hàng hóa được phân phối đến hộ gia đình và cá nhân.

Tất cả quá trình nhập khẩu, sản xuất hay vận chuyển hàng hóa đều phát sinh chi phí và phải chịu cả ba loại thuế chính gồm thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu. Nếu một trong ba loại thuế này được giãn, giảm sẽ đẩy nhanh quá trình chu chuyển vốn của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận, kích thích cung và cầu, tăng sức mua của thị trường. Như vậy Nhà nước mới có điều kiện tăng thu.

Hiệp hội Tư vấn thuế đã nhiều lần đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% hiện nay xuống còn 20% trong giai đoạn 2012-2015. Nay tình hình kinh tế khó khăn, Bộ Tài chính nên kiến nghị đẩy nhanh tiến trình thực hiện, chẳng hạn ngay trong năm nay có thể giảm thuế suất xuống 23% để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là các biện pháp cải cách hệ thống thuế, thủ tục hải quan để đẩy nhanh quá trình chu chuyển vốn. Một dẫn chứng nhỏ thôi, ví dụ chỉ cần hai bộ Công Thương và Tài chính thống nhất về mã số hàng hóa nhập khẩu (10 số chuyển sang 8 số) trong việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động cũng đã giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hoàn thuế. Hoặc việc giãn thuế hay ân hạn thuế cũng phải được thực hiện công bằng hơn, chẳng hạn như cho nợ thuế nhập khẩu từ 15-275 ngày. Những quy định kiểu như vậy, trong bối cảnh hiện nay, đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu (được nợ thuế) và hàng hóa sản xuất trong nước (không được nợ thuế), trong khi Nhà nước đang khuyến khích sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa.

Và trong bất cứ thời điểm nào, doanh nghiệp cũng cần ngành thuế giảm bớt khó khăn cho họ bằng cách đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Với 330 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế và phí, chỉ cần gây khó ở một công đoạn, doanh nghiệp đã bị “hành” rất nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới