Giảm thuế, phí để cứu thua trên mặt trận hàng không và kinh tế
Cả cơ quan quản lý và chuyên gia hàng không đều đề xuất nên giảm các loại thuế, phí để khôi phục ngành hàng không vốn đang bị thiệt hại nặng nề vì dịch Covid-19 và ảnh hưởng dây chuyền đến một số lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Dịch bệnh Covid-19 đã hoành hành tại Việt Nam và khu vực trong 2 tháng gần nhất gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không. Theo ước tính của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2020, các hãng bay trong nước chịu thiệt hại 25.000 tỉ đồng doanh thu.
Chia sẻ với báo chí, các hãng hàng không cho hay Cục Hàng không vào cuộc khá kịp thời. Ngay trong tháng 2-2020, cơ quan này đã đề xuất giảm các loại phí, giảm thuế cho các hãng hàng không, nhằm giảm gánh nặng tài chính, giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay cấp có thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt các biện pháp hỗ trợ khiến thiệt hại của ngành hàng không càng trầm trọng.
![]() |
Máy bay vắng khách trong mùa dịch. |
Kế hoạch đã có nhưng còn chờ duyệt
Hàng loạt các biện pháp hỗ trợ đã được đề xuất, bao gồm miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không, tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020, hay ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không.
Nếu được duyệt, khoản hỗ trợ có giá trị hàng ngàn tỷ đồng nói trên tuy nhỏ so với thiệt hại của hãng hàng không nhưng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi kinh doanh phục vụ khách hàng và đóng góp ngân sách, hỗ trợ cho ngành du lịch, cho nền kinh tế, xã hội.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp đang khai thác 21 trong số 22 sân bay tại Việt Nam, cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ cũng như áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt ở nhà ga.
Bên cạnh đó, để kích cầu dịch vụ hàng không và du lịch trong thời gian tới, các chuyên gia cũng đề nghị giảm 2 loại phí mà hãng bay đang thu hộ qua tổng giá vé máy bay. Đó là phí phục vụ và phí an toàn hàng không cho hành khách. Chỉ riêng phí phục vụ, nếu được miễn, mỗi năm khách hàng không sẽ tiết kiệm được khoảng 10.000 tỉ đồng.
Các chuyên gia cũng cho rằng biện pháp đã có, nhưng thực tế công tác hỗ trợ đang bị tắc ở cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi các hãng hàng không đã gồng mình chịu lỗ 2 tháng vì dịch. Mỗi hãng bay thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi tuần, nhưng chưa hãng nào nhận được hỗ trợ từ các giải pháp trên.
Điển hình theo Reuters, riêng Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỉ đồng/tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19.
"Cần nhận thức rõ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không nói riêng và doanh nghiệp nói chung không phải là xin – cho, mà là nhà nước đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu và để phục hồi, phát triển kinh tế. Cho nên lúc này, nhà nước hy sinh giảm thu ngân sách, tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp", PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.
"Chúng ta đang bên bờ khủng hoảng kinh tế, hậu quả khó lường, cần phải tăng chi viện, tăng nguồn lực và cần có chế tài mạnh như quân luật trên mặt trận hàng không nói riêng và mặt trận kinh tế nói chung. Nếu không, chúng ta không phát huy được thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân và sẽ thua trên mặt trận kinh tế", TS. Thiên nói.
![]() |
Nhà ga vắng bóng người. |
Các nước đã đi trước trong việc giải cứu hàng không
Theo ông Thiên, Việt Nam nên học các quốc gia khác trong việc khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hàng không.
Khi dịch khởi phát, hàng không thiệt hại, Chính phủ Thái Lan đã ngay lập tức giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 6-2/-2020 đến 30-9-2020) cho các đường bay nội địa, để giúp các hãng hàng không Thái Lan ứng phó với dịch. Chính phủ Thái cũng đang xét duyệt giảm 20% – 50% phí bay qua bầu trời, giảm 50% phí cất hạ cánh, sân đỗ, giảm 30% phí sân bay cho khách bay nước này.
Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân sáng 12-3-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ có nguồn lực tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm miễn giảm thuế, phí, lãi suất vay, hoãn nợ…, Trong đó, một số lĩnh vực phải có cơ chế phù hợp, nhất là hàng không, du lịch. Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”… |
Tại Singapore, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lên đến 4 tỉ đô la Mỹ, trong đó bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (25% trên tổng số thuế phải đóng), đồng thời giảm chi phí cất cánh, hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất tại sân bay Changi.
Tại Trung Quốc, các hãng hàng không đã được Chính phủ hỗ trợ bằng tiền với mức cụ thể đối với mỗi ghế bay của từng chặng.
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) vừa nâng mức thiệt hại hàng không toàn cầu lên hơn 110 tỉ đô la Mỹ, so với con số thiệt hại 29 tỉ đô la Mỹ mà tổ chức này đưa ra cách đây không lâu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, có khả năng vượt kiểm soát. Sự suy giảm của hàng không đang góp phần làm kinh tế toàn cầu suy thoái.
Chính vì vai trò quan trọng của ngành hàng không nên nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan coi hàng không là một trong những công cụ chính để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế quốc gia nên đã hỗ trợ kịp thời nhằm giải cứu ngành này…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế đang rất… "đủng đỉnh", trái ngược với khí thế, thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy theo ông Thiên, cần có chế tài mạnh. "Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, ai chậm triển khai hoặc vì lợi ích nhóm mà không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, theo tôi cần xử như quân luật. Thời chiến có thể áp dụng các biện pháp, chế tài phi thông thường, như đã làm với các đại lý đầu cơ khẩu trang", ông Thiên nói.