Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giãn cách bệnh nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giãn cách bệnh nhân

Hoàng Sơn

(KTSG) – Con số bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM đã vượt 30.000, và nếu căn cứ vào tốc độ gia tăng ca nhiễm những ngày qua, thì con số này sẽ sớm vượt 40.000, thậm chí tiệm cận mức 50.000 ngay trong tuần này, cho dù thành phố đã áp dụng giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Câu hỏi đặt ra là với tốc độ lây nhiễm này, hạ tầng y tế TPHCM còn chịu đựng nổi đại dịch Covid-19 bao lâu nữa trước khi “vỡ trận”, và còn lựa chọn giải pháp nào khác cho bài toán này hay không.

Giãn cách bệnh nhân
Bên trong một chiếc Airbus A-310, tại Cologne (Đức), được hoán cải để vận chuyển bệnh nhân Covid-19 từ Ý qua Úc vào ngày 28-3-2020. Ảnh: Bundeswehn

Kịch bản xấu nhất và hơn xấu nhất

Thật ra, khách quan nhìn nhận thì hạ tầng y tế tại TPHCM đã quá tải từ vài tuần qua, khi mà chính quyền thành phố và Bộ Y tế phải liên tục thay đổi kịch bản con số lây nhiễm. Trong vòng một tháng qua, ít nhất TPHCM đã ba lần thay đổi “kịch bản xấu nhất” về số ca bệnh, từ 3.000 đưa ra hồi tháng 5 lên 5.000 trong tháng 6, rồi 10.000 và gần đây là 20.000.

Bộ Y tế và TPHCM tuần qua đã đưa ra yêu cầu mới là tất cả mọi bệnh viện lớn, bất kể chuyên ngành gì, đều phải sắp xếp riêng một khu để điều trị bệnh nhân Covid-19, song song với việc thành lập bổ sung hàng loạt bệnh viện dã chiến để có thể tiếp nhận số lượng bệnh nhân đang gia tăng chóng mặt.

Trở ngại lớn nhất có lẽ là từ sự ngần ngại hay phản đối của chính lãnh đạo và người dân các địa phương nơi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, vì chẳng ai muốn “mang bệnh về nhà”.

Các nguồn lực y tế tốt nhất của cả nước cũng đang được tập hợp và dồn sức cho TPHCM.

Đó là việc nhiều đoàn bác sĩ, chuyên gia và nhân viên y tế từ Hà Nội và các địa phương khác được phân công chi viện cho TPHCM, hiện đã có 20 nhóm với gần 4.500 người, và con số có thể lên đến 10.000 người sắp tới.

Đó là việc Bộ Y tế lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TPHCM, cùng với việc chuyển 2.000 máy thở chức năng cao để phục vụ công tác điều trị tại đây.

Đó là việc Thủ tướng Chính phủ ngày 18-7 yêu cầu bảy bộ thành lập ngay tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của từng bộ tại TPHCM, mỗi tổ do một thứ trưởng các bộ phụ trách, đồng thời yêu cầu các địa phương chưa thực hiện Chỉ thị 16 tổng hợp nhân lực y tế để hỗ trợ tổng lực cho miền Nam.

Bên cạnh đó, mô hình điều trị cũng đã được thay đổi.

Cụ thể, Sở Y tế TPHCM đã áp dụng mô hình tháp bốn tầng trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo đó, tầng 1 gồm 30.000 giường bệnh tại các bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ tiếp nhận các ca nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; tầng hai của tháp điều trị các bệnh nhân nhẹ, có triệu chứng, chủ yếu bao gồm các bệnh viện tuyến quận huyện với 2.500 giường; tầng ba dành để chữa trị cho bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền với công suất 3.000 giường; và cuối cùng là tầng 4 điều trị cho bệnh nhân rất nặng, nguy kịch với 1.200 giường.

Số bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 này tại TPHCM đã lên sát 36.000, tính đến sáng ngày 20-7-2021. Nghĩa là với mức tăng ca nhiễm hiện nay, chỉ chưa đầy hai ngày nữa là “lại quá tải” so với tổng cộng 36.700 giường bệnh theo mô hình tháp bốn tầng này. Nghĩa là, với hướng xử lý hiện nay, chỉ còn giải pháp bất đắc dĩ là cho các ca nhiễm triệu chứng nhẹ tự cách ly và điều trị tại nhà, vốn đang có rất nhiều tranh cãi và lo âu trong cộng đồng hiện nay.

Cần có sự liên kết

Rõ ràng, hạ tầng y tế TPHCM đang quá tải nghiêm trọng, nhưng không phải là không có biện pháp giảm tải, bằng cách thay đổi tư duy về chính mô hình điều trị mà TPHCM đang áp dụng và được Bộ Y tế đánh giá cao, theo lời lãnh đạo Sở Y tế TPHCM. Mô hình tháp bốn tầng không nên giới hạn trong phạm vi của thành phố, mà cần tận dụng hạ tầng y tế của các địa phương lân cận, rộng hơn là trong phạm vi cả nước.

Cụ thể, TPHCM với hạ tầng y tế phát triển cao, với đội ngũ bác sĩ-chuyên gia y tế có tay nghề cao, chỉ nên đảm nhận chức năng của tầng 4, chuyên điều trị cho bệnh nhân rất nặng, nguy kịch, hoặc mở rộng thêm tầng 3, chữa trị cho bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền. Như thế, số lượng giường bệnh và phương tiện y khoa sẽ nhiều lên đáng kể cho việc điều trị nhóm bệnh nhân này, giúp giảm nguy cơ tử vong do quá tải.

Việc điều trị tại các tầng 1 và 2 vốn không nguy kịch – và số lượng nhiều – nên chuyển giao cho các địa phương khác, nơi hạ tầng y tế còn cho phép thu dung số lượng lớn bệnh nhân. Dĩ nhiên bệnh nhân nặng hay nguy kịch đòi hỏi mức điều trị tầng 3 hoặc 4 từ các địa phương khác có thể và nên chuyển tới TPHCM để điều trị.

Trở ngại lớn nhất có lẽ là từ sự ngần ngại hay phản đối của chính lãnh đạo và người dân các địa phương nơi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, vì chẳng ai muốn “mang bệnh về nhà”. Tuy nhiên, rủi ro lây lan dịch bệnh từ việc điều chuyển bệnh nhân là rất thấp, gần như bằng 0 nếu được tổ chức tốt.

Các bệnh nhân, do được xác định là đã nhiễm Covid-19, sẽ được quản lý chặt tại các cơ sở y tế để đảm bảo không thể tiếp xúc với cộng đồng, và được áp dụng chế độ điều trị – xét nghiệm nghiêm ngặt cho đến khi hoàn toàn sạch bệnh và an toàn trở về địa phương cư trú của mình.

Thực ra, phương án này còn an toàn hơn rất nhiều so với việc để người dân tự do trở về địa phương cư trú của mình sau khi xét nghiệm nhanh âm tính.

Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương tiếp nhận người dân của mình có nhu cầu từ TPHCM trở về quê, và nhiều tỉnh thành đã có phương án tiếp nhận, thậm chí tổ chức chuyến bay riêng để đón người dân trở về.

Báo chí vài ngay qua đăng tải việc hàng chục ngàn người dân từ TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương trở về Tây Nguyên, với dòng người kéo dài hàng ki lô mét trên quốc lộ chờ làm thủ tục. Có lẽ rất khó tránh việc một thiểu số bệnh nhân nào đó không được phát hiện trong dòng người này, mang theo virus và lây lan cho cộng đồng. Nghĩa là việc đưa bệnh nhân về các địa phương khác thậm chí còn an toàn hơn việc cho phép người khỏe về ồ ạt như hiện nay.

Nếu sức khỏe và tính mạng của người dân là mệnh lệnh cao nhất như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây, và nếu biện pháp luân chuyển bệnh nhân giữa các địa phương theo mô hình tháp bốn tầng có tính khả thi, thì quyết tâm chính trị toàn xã hội với vai trò trọng tâm của Chính phủ là điều cần phải có.

Biện pháp luân chuyển để giảm tải không mới trên thế giới. Báo chí từng đưa tin việc hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 từ Ý và Pháp được chuyển sang điều trị tại Đức và Thụy Sỹ trong đợt bùng phát giữa năm 2020 tại châu Âu, giúp châu Âu đương đầu tốt hơn với dịch bệnh. Không lẽ biện pháp này có thể thực hiện giữa các nước lại không thể thực hiện giữa các địa phương trong cùng một nước? 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới