Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giãn cách xã hội: sản xuất thực phẩm vẫn rộng đất sống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giãn cách xã hội: sản xuất thực phẩm vẫn rộng đất sống

Hạnh Tâm

(TBKTSG Online) – Khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, trong nguy có cơ, nhu cầu đối với thị trường thực phẩm không bị sụt giảm như các thị trường khác. Điều cần làm là tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giãn cách xã hội: sản xuất thực phẩm vẫn rộng đất sống
Sản phẩm bún dưa hấu của Duy Anh Foods. Ảnh: Duy Anh Foods

Cuối tháng 2-2020, Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm bánh tráng thanh long, bún dưa hấu. Ý tưởng cho hai sản phẩm mới này đến từ mong muốn giải cứu nông sản cho bà con song cũng là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp này vẫn hoạt động ổn định trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên thị trường gặp khó.

Trong nguy có cơ

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty Duy Anh Foods, chia sẻ số lượng đơn hàng của công ty anh năm nay tăng cao, gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này các năm, nhu cầu của thị trường chưa nhiều, đơn hàng chỉ đều đều chứ không tăng đột biến như năm nay.

Chỉ mới tháng 4 song doanh nghiệp này đã nhận kín đơn hàng đến tận cuối tháng 7. Lý giải điều này, anh Duy Toàn cho rằng, công ty cung cấp thực phẩm khô, bảo quản được hai năm, phù hợp với nhu cầu tích trữ thực phẩm trong thời điểm dịch Covid-19. Tuy vậy, nhu cầu đối với sản phẩm bánh tráng ít hơn sản phẩm bún, phở.

Tuy nhiều quốc gia có biện pháp đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, mặt hàng thực phẩm vẫn được ưu tiên cho nhập khẩu.

Tuy nhu cầu tăng cao là vậy, đơn vị này vẫn gặp khó do phải chịu những giới hạn bởi công tác phòng, chống dịch. Theo đó, các hoạt động tăng ca đều phải tạm ngưng. Không tổ chức tăng ca được như trước, đơn vị này đã tăng năng suất của máy móc nhằm đảm bảo sản lượng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đàm phán lại với đối tác để kéo dài thời hạn giao hàng. “Nếu như trước đây giao hàng trong thời hạn 30 ngày thì nay đối tác đồng ý cho chúng tôi giao hàng trong thời hạn 45 ngày”, anh Duy Toàn chia sẻ.

Khéo léo trong tổ chức sản xuất và đàm phán với đối tác

Doanh nghiệp cũng tổ chức lại các khâu sản xuất, kiểm phẩm, sắp xếp máy móc trong nhà xưởng để đảm bảo công nhân đứng cách xa nhau 2m. “Điều này tạo ra sự bất tiện nhất định song chưa đến mức quá ảnh hưởng như các dây chuyền đòi hỏi tính liên tục như ngành dệt may”, anh Duy Toàn nhận định.

Tuy may mắn hơn các doanh nghiệp khác vì vẫn nhận được đơn hàng, duy trì được việc sản xuất, kinh doanh, công ty Duy Anh Foods vẫn luôn phải ứng biến để đối phó với tác động từ dịch Covid-19. Khi Chính phủ có chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo làm phát sinh tâm lý lo sợ thiếu gạo, tích trữ gạo, giá gạo tăng lên làm chi phí nguyên liệu đầu vào bị đội lên.

Tới nay, giá gạo vẫn đang cao hơn 20% – 30% so với trước và chưa có dấu hiệu giảm. Anh Duy Toàn chia sẻ, điều này đã khiến giá thành sản phẩm tăng lên song do đã ký hợp đồng với đơn giá sản phẩm cam kết cùng đối tác nên không thể thay đổi. Lợi nhuận theo đó cũng giảm xuống.

“So với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn còn rất may mắn, vẫn có đơn hàng. Có khó khăn, thiệt hại một chút nhưng chúng tôi vẫn cố gắng”, anh Duy Toàn chia sẻ.

Với dòng sản phẩm từ rau củ, Duy Anh Foods cũng là đơn vị góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Làm thế nào để giải cứu nông sản luôn là trăn trở của vị giám đốc doanh nghiệp.

Sau khi tham gia giải cứu thành công thanh long và dưa hấu, anh Duy Toàn tiếp tục nhận thấy trái xoài của bà con cũng đang bị mất giá. Tuy vậy, để tạo ra sản phẩm mới từ nông sản nói riêng và quả xoài nói chung đều cần thời gian nghiên cứu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới