Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gian nan bao bì tự hủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gian nan bao bì tự hủy

Các bạn trẻ tại Ngày hội Tái chế chất thải thành phố được tổ chức vào trung tuần tháng 4-2008 tại công viên Lê Văn Tám, TPHCM. Ảnh: Như Phú.

(TBKTSG) – Bao bì bằng nhựa tràn ngập và đang gây hại cho môi trường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước đã tính đến việc sản xuất bao bì tự hủy sinh học để đáp ứng nhu cầu mới và thể hiện trách nhiệm đối với môi trường.

Tuy nhiên, việc triển khai sản xuất trên quy mô rộng còn nhiều gian nan.

Đón đầu xu hướng mới

Một số tập đoàn lớn trên thế giới như Wal-Mart, Nestlé… bắt đầu yêu cầu nhà cung cấp sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường, đó là sử dụng máy ghép không dung môi, mực in không có toluen, và sắp tới sẽ yêu cầu sử dụng bao bì tự hủy.

“Trách nhiệm đối với môi trường là một trong bốn xu hướng chính tác động tới việc tiêu thụ thực phẩm tại Liên hiệp châu Âu hiện nay, bên cạnh các yếu tố sức khỏe, tiện ích và sở thích”, ông Pierre Schafelberger, Giám đốc điều hành tập đoàn Nestlé Việt Nam, cho biết.

Gần đây, nhiều đơn vị phân phối trong nước cũng bắt đầu chú ý đến việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa. Từ cuối năm 2007, tập đoàn Metro Cash&Carry đã ngưng việc phát túi nhựa miễn phí cho khách và chuyển sang loại túi có thể sử dụng nhiều lần. Nhiều nhà phân phối chọn các giải pháp giảm thiểu túi ni lông như tính phí trên túi nhựa, sử dụng túi vải, túi giấy, túi sử dụng nhiều lần và túi tự hủy. 

Bao bì tự hủy được chia làm hai loại: tự hủy thông thường và tự hủy sinh học.Tự hủy thông thường (degradable): là quá trình phân rã vỡ vụn bao bì nhựa (có nguồn gốc từ dầu mỏ) từ mảnh lớn thành nhiều mảnh nhỏ không có lợi cho môi trường do khó thu gom và không làm bồi bổ cho đất.Tự hủy sinh học (biodegradable) là quá trình phân hủy triệt để bao bì nhựa (từ nguyên liệu nhựa có nguồn gốc thực vật) do tác động của vi sinh vật và độ ẩm thành phân hữu cơ (compost).

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại của hệ thống siêu thị BigC, cho biết BigC đang tìm kiếm nhà sản xuất các dạng túi tự hủy với số lượng lớn và ổn định để có thể triển khai một cách đồng bộ, lâu dài ở tất cả các siêu thị trong hệ thống. Toàn bộ hệ thống BigC hiện sử dụng khoảng 23.000 ki lô gam bao bì mỗi tháng.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế TPHCM, nhận định: “Ngày hội Tái chế chất thải diễn ra hồi tháng 4-2008 cho thấy người dân thành phố ngày càng có ý thức về tác hại của túi ni lông đối với môi trường sống như làm nghẹt cống rãnh, kênh rạch, ô nhiễm đất, nguồn nước… Vì vậy, người dân sẽ tích cực ủng hộ giải pháp giảm thiểu rác thải cũng như ủng hộ những sản phẩm thân thiện với môi trường”.

Nắm bắt nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành bao bì đã triển khai những bước đầu tiên dựa vào ưu thế về công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị hiện có để sản xuất bao bì tự hủy.

Ông Nguyễn Văn Thường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông, cho biết: “Rạng Đông đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mua sắm thiết bị thí nghiệm, đào tạo nhân lực cho trung tâm nghiên cứu sản phẩm và công nghệ mới. Công ty vừa cử một kỹ sư tham dự khóa học về bao bì tự hủy sinh học ở Nhật, sau đó sẽ tiếp tục đào tạo nhiều kỹ sư khác. Rạng Đông đang chuẩn bị những bước cần thiết để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới”.

Tại Hội chợ Vietfish 2008, diễn ra từ ngày 12 đến 14-6, ông Thường sẽ gặp các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản để tìm hiểu nhu cầu và có chiến lược sản xuất bao bì riêng cho ngành sản xuất có nhiều tiềm năng này.

Ông Bùi Quang Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến, cho biết công ty rất quan tâm và thường xuyên cập nhật thông tin về sản xuất bao bì tự hủy trên thế giới để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Bao bì Nam Việt, cho biết Nam Việt đã sản xuất thử nghiệm bao bì tự hủy sinh học cho ngành thực phẩm và kết quả rất khả quan. “Sản phẩm bao bì mới từ nguyên liệu sinh học này có thể đảm bảo tối đa vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu bao bì trong ngành thực phẩm, dự báo sẽ tăng khoảng 25% trong những năm tới đây”, ông Tùng nói.

Hiện nay, bao bì tự hủy trên thế giới đã đạt chất lượng, mẫu mã không kém bao bì thông thường và người ta đang nghiên cứu triển khai các dạng phức tạp hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ các đơn vị cung cấp thiết bị, cung ứng nguyên liệu, các viện nghiên cứu bao bì ở châu Âu (Đức), châu Á (Nhật, Ấn Độ).

Tại hội chợ chuyên ngành nhựa K 2008 và hội chợ chuyên ngành bao bì Interpack 2008 tổ chức ở CHLB Đức, ban tổ chức đã dành hẳn 1.000 mét vuông cho 30 công ty chuyên về bao bì tự hủy (Bioplastic in packaging) giới thiệu các thành tựu kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ bột bắp, dầu thực vật, bột khoai tây.

Sản phẩm bao bì tự hủy hiện nay khá đa dạng, từ dạng túi siêu thị (shopping bag), muỗng nĩa, hộp đựng thức ăn đến bao bì phức hợp cao cấp. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Lương thực của Đức, công suất sản xuất nhựa tự hủy đạt chưa tới 150.000 tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ  nhựa tự hủy cả thế giới lên đến 250 triệu tấn/năm.

Còn lắm gian nan

Ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty Phúc Lê Gia, cho biết các loại bao bì tự hủy do công ty ông phân phối hiện nay khá đa dạng, đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực cụ thể nhưng giá chỉ chênh lệch 3-4% so với giá bao bì thông thường. Theo ông Lộc, túi tự hủy chỉ phân hủy khi đã qua sử dụng, còn trong điều kiện bảo quản khô ráo, chất lượng túi có thể kiểm soát được. Công ty Phúc Lê Gia đang đàm phán với một số siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý để phân phối sản phẩm rộng rãi ra công chúng. Ngoài ra, công ty còn tính đến việc bán nguyên liệu cho các nhà sản xuất khác và tiến tới chuyển giao công nghệ.

Thực ra, một số nhà sản xuất trong nước đã sản xuất bao bì tự hủy nhưng sản lượng khá khiêm tốn.

Công ty Bao bì Lotus chỉ sản xuất khoảng 100 tấn bao bì tự hủy mỗi năm so với tổng sản lượng 1.500 tấn bao bì/tháng mà công ty xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật. Công ty Bao bì nhựa Tân Tiến có sử dụng màng bao bì tự hủy PVA (Poly Vinyl Alcohol) nhập từ Nhật để in gia công bao đựng áo sơ mi xuất khẩu cho Công ty Dệt Thành Công.

Giá thành của loại bao bì này gấp 3-4 lần so với bao bì nhựa thông thường nên các công ty chỉ sản xuất nếu nhà nhập khẩu có yêu cầu. Vấn đề đau đầu của nhà sản xuất là giá thành một chiếc bao tự hủy cao gấp nhiều lần giá bao bì sản xuất từ dầu mỏ.

Ông Thường cho biết, các nhà cung cấp chào bán tinh bột ngô với giá khoảng 4 đô la Mỹ/ki lô gam, trong khi hạt nhựa PVC compound hoặc PET chỉ khoảng 1,8-2,5 đô la Mỹ/ki lô gam. Trong ngành sản xuất bao bì, chi phí nguyên liệu chiếm đến 70-80% giá thành sản phẩm, phần còn lại là chi phí nhân công, máy móc…

Ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc điều hành Công ty Bao bì Lotus, cho biết: “Nguyên liệu sản xuất bao bì tự hủy sinh học phải nhập hoàn toàn nhưng nguồn cung lại rất hạn hẹp, chỉ tập trung vào một số nhà cung cấp như Biotec, BASF (Đức), Novamout (Ý). Thêm nữa, các nước này không dám đẩy mạnh sản xuất vì liên quan đến an ninh lương thực”.

Hiện nay, thiết bị sản xuất bao bì tự hủy chưa đa dạng và khá đắt tiền. Tại Hội chợ Interpack 2008, một nhà cung cấp Đài Loan chào bán chiếc máy sản xuất tấm nhựa định hình chân không với giá 500.000 đô la Mỹ. Ý tưởng cải tiến các thiết bị truyền thống sao cho tương thích với nguyên liệu mới này đã được nghiên cứu nhưng còn khá rời rạc.

“Có thể sản xuất bao bì tự hủy từ bột bắp bằng thiết bị sản xuất bao bì thông thường nhưng phải có một số điều chỉnh ở bộ phận nhiệt, chế độ làm nguội… Khi đó, công suất thiết bị sẽ giảm khoảng 50% nên giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên thêm”, ông Khuê nhận định.

Chính vì vậy, các công ty sản xuất bao bì trong nước hiện khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường. Thêm nữa, do bao bì nhựa vừa rẻ, vừa tiện lợi nên người tiêu dùng rất khó chấp nhận sản phẩm thay thế có giá thành cao hơn và điều kiện sử dụng ràng buộc.

Theo ông Thường, “các doanh nghiệp có thể chọn con đường xuất khẩu hoặc nhắm đến các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, có chiến lược quan tâm đến môi trường một cách rõ ràng”. Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu từ châu Âu về sản xuất rồi tái xuất sang châu Âu khiến chi phí sản xuất tăng lên nhiều lần và rất ít nhà nhập khẩu chấp nhận trả khoản phí đó.

Hơn nữa, một vấn đề cản trở sự gặp nhau giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước là chất lượng túi tự hủy. Một số siêu thị, trung tâm thương mại tỏ ra ngần ngại về sức bền của túi tự hủy khi đựng vật nặng cũng như thời gian sử dụng của túi. Trong tình hình giá cả bao bì có chiều hướng tăng như hiện nay, nhiều siêu thị có khuynh hướng đặt in bao bì với số lượng nhiều hơn để dự trữ, chứ không chỉ đặt đủ dùng trong tháng như trước.

Việc kiểm soát thời gian sử dụng của bao bì là hết sức phức tạp vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường và đặc điểm của vật chứa. Trong điều kiện bình thường, thời gian này có thể kéo dài khoảng 1-2 năm nhưng trong điều kiện có vi khuẩn và độ ẩm cao, thời gian sử dụng bao tự hủy chỉ khoảng sáu tháng. Chẳng hạn, sản phẩm bao bì của Tân Tiến chủ yếu là bao bì thực phẩm, hóa mỹ phẩm với sản lượng khoảng 28.000 tấn/năm, có thời hạn sử dụng hơn hai năm nên ông Thịnh cho biết việc thuyết phục khách hàng chuyển sang sử dụng bao bì tự hủy là rất khó. Vì vậy, Tân Tiến chỉ dừng lại ở việc đầu tư, cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường như giảm độ dày của sản phẩm, sử dụng dung môi dạng cồn hay nước…

Các nhà sản xuất bao bì tự hủy sinh học còn đang ngần ngại vì các quy định liên quan đến loại sản phẩm mới này. “Bao bì tự hủy và bao bì nhựa không thể phân biệt bằng mắt thường trong khi giá thành sản phẩm lại chênh lệch khá lớn. Do đó cần phải có sự thẩm định chặt chẽ về sản phẩm của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng”, ông Thường đề nghị. 

MỸ HẠNH 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới