Gian nan ổn định cuộc sống!
Hoàng Long
(TBKTSG) – Khi đề ra các biện pháp chống lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đồng thời cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm an sinh xã hội cho đại đa số người dân. Nhưng đến nay, mục tiêu này đã trở nên khó khăn hơn trước tốc độ tăng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ, trong khi thu nhập của người làm công ăn lương hầu như không tăng.
Trong bốn tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9,64%, còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì con số này đã lên đến 17,51%. Tuy nhiên, số liệu kể trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ gánh nặng về giá cả mà đại đa số người dân đang phải gồng mình gánh chịu. Nhìn vào giá cả những mặt hàng thiết yếu, ai cũng có thể thấy tỷ lệ thay đổi trong bốn tháng qua vượt rất xa so với con số bình quân 9,64% của Tổng cục Thống kê công bố. Ví dụ, giá điện bình quân tăng 15,28%, xăng gần 30%, còn giá các loại thực phẩm cũng vọt lên 40-50%, một số sản phẩm thậm chí còn tăng giá gấp đôi.
Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là nâng cao mức sống của người dân. Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng thu nhập của người dân Việt Nam vẫn không theo kịp đà lạm phát, các gia đình ngày càng chật vật hơn để lo cho cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, duy trì sự ổn định đã khó, nói chi đến nâng cao mức sống.
Lạm phát cao và kéo dài không chỉ làm cho cuộc sống người dân thêm khó khăn, mà còn để lại những hậu quả tai hại về lâu dài cho nền kinh tế. Bên cạnh những tác động tiêu cực như làm suy giảm sức mua của xã hội, giảm lòng tin của người dân và nhà đầu tư vào chính sách cũng như hiệu quả điều hành của Nhà nước… lạm phát còn ảnh hưởng xấu đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực, trước mắt là sự thành bại của chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, vừa được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký cách đây không lâu.
Các mục tiêu chiến lược đề ra, như người Việt Nam phải có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao… sẽ thực hiện ra sao khi giá cả đang gặm nhấm dần vào bữa ăn của từng gia đình.
Nỗ lực chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang thực hiện là đường hướng cơ bản để bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, những gì Chính phủ đang làm khó có thể đem lại kết quả trong ngắn hạn. Thế nên, Nhà nước cần chia sẻ gánh nặng với người dân, bằng cách giảm bớt chi tiêu thu ngân sách, để giúp họ chống chọi với khó khăn. Trước mắt, việc có thể làm là điều chỉnh mức khởi điểm để tính thuế hoặc giãn thuế thu nhập cá nhân.
Mức khởi điểm từ trên 4 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc đã quá lạc hậu. Hiện nay, sức mua của đồng tiền đã giảm hơn một nửa so với thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua vào năm 2007. Mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người hiện cũng chỉ cao hơn mức nghèo khổ của Liên hiệp quốc một chút. Giảm thuế có thể làm ngân sách bị thất thu một chút, nhưng bù lại cuộc sống của nhiều người dân cũng đỡ áp lực hơn.