Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gian truân nghề lặn tôm giống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gian truân nghề lặn tôm giống

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Tay cầm đèn pin, miệng ngậm ống hơi lặn bám theo các vách đá dưới đáy biển liên tục hơn một giờ liền để săn những con tôm giống nhỏ chỉ bằng đầu chiếc đũa, chỉ trong một buổi sáng họ có thể kiếm được cả triệu đồng. Thế nhưng nghề lặn tôm giống của ngư dân ven biển Bình Thuận luôn tiềm ẩn những hiểm nguy.

Gian truân nghề lặn tôm giống
Anh Đông chuẩn bị đeo đai chì nặng 10 kg cho lần lặn đầu tiên sáng ngày 8-2 – Ảnh: Văn Nam

Từ Tết Nguyên đán đến tháng 4 Âm lịch là mùa biển lặng, và đây cũng chính là mùa tôm hùm, tôm càng xanh giống sinh sản, tập trung nhiều ở đáy biển có các dãy đá lớn như vùng biển tại khu vực Mũi Kê Gà thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là thời điểm thanh niên làng chài khu vực này trổ nghề lặn biển để kiếm tiền.

Xuống làn nước lạnh giá, men theo các vách đá để lặn tìm tôm giống – Ảnh: Văn Nam

6 giờ sáng ngày 8-2, anh Nguyễn Thanh Đông, 25 tuổi, sống tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam đã theo nghề lặn tôm giống được bảy năm rủ thêm ba thanh niên trong làng lập thành đội lặn tôm giống tại khu vực Mũi Kê Gà.

Trang bị chung của cả đội lặn gồm một máy bơm hơi, hệ thống tách hơi vào dây dẫn khí cho mỗi thợ lặn. Mỗi người trang bị một đai chì nặng độ mươi ký đeo quanh bụng, một chiếc đèn pin, một cây sắt nhỏ, kính lặn và một chai nhựa nhỏ giắt chặt trong người để đựng tôm giống bắt được.

Máy bơm khí hoạt động liên tục để bơm khí vào ống dẫn cho các thợ lặn dưới biển – Ảnh: Văn Nam

Anh Đông cho biết, mỗi thợ lặn ngậm ống hơi có thể lặn liên tục hơn một giờ dưới biển, tay rọi đèn, mắt dán vào các vách đá nằm sâu hơn 5 mét nước để bắt những con tôm càng xanh, tôm hùm giống bằng tay không. 

Sau khi hoàn tất buổi lặn kéo dài hơn 3 giờ, mỗi người có thể bắt được 30-40 con tôm giống, đem lên bờ là có người đợi sẵn để mua ngay về các trại tôm nuôi nhân giống. Một con tôm càng xanh có giá bán khoảng 30.000 đồng, còn tôm hùm có giá cao hơn, tầm 300.000 đồng/con.

Vùng biển khu vực Kê Gà với những vách đá lớn nhỏ tạo quang cảnh đẹp, và cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loại tôm giống vào mùa biển lặng hàng năm – Ảnh: Văn Nam

Tuy thu nhập cả triệu đồng mỗi lần lặn, nhưng anh Đông cho biết nghề này cũng khá nguy hiểm, chỉ có trai tráng sức khỏe tốt mới làm được. Nhiều khi đang lặn dưới biển, anh gặp phải dòng nước mạnh đánh đập vào vách đá bị thương, hoặc có khi dây dẫn ống khí bị gấp khúc, không thở được, cố trồi lên mặt nước bơi vào bờ, có khi về nhà tay chân không cử động được, uống thuốc mấy ngày sau mới khỏi.

"Do nghề này khá nguy hiểm nên mình nhắc nhở cả nhóm phải cẩn thận, chuẩn bị kỹ lưỡng đồ lặn để tránh sự cố. Biết là nguy hiểm nhưng phải làm để kiếm sống!" anh Đông nói trước khi đằm mình trong làn nước biển lạnh tháng Giêng.

Xem thêm:

>> Hải đăng Kê Gà ở Bình Thuận

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới