Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giao dịch đường qua sàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giao dịch đường qua sàn

Thái Hằng

Nhân viên khớp lệnh trong phiên giao dịch đường thử nghiệm ngày 30-3. Ảnh: T.Hằng

(TBKTSG Online) – Ngày 30-3, Công ty giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín Sacom – STE đã tiến hành giao dịch thử nghiệm mặt hàng đường ăn trên sàn giao dịch tại TPHCM. Nhưng vẫn còn những băn khoăn trước phiên khớp lệnh đầu tiên dự kiến vào ngày 6-4.

>>Tháng 4: sàn giao dịch đường hoạt động

>>Mở sàn giao dịch điều đầu tiên tại Việt Nam

>>Giao dịch “chứng khoán” cà phê

Phương thức giao dịch như chứng khoán

Ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sacom – STE cho biết, đường là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng nhiều năm qua nguồn cung luôn ở trong tình trạng thiếu hụt, gây ra biến động về giá và dẫn đến nhiều cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp và nhà máy đường. Việc đưa mặt hàng đường vào giao dịch trên sàn sẽ giúp minh bạch hóa việc mua bán, tạo nguồn hàng cho các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.

Phương thức giao dịch qua sàn cũng tương tự trên sàn chứng khoán, với đường là hàng hóa. Khách hàng mở tài khoản giao dịch tại Sacom-STE và tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Sacombank. Sau khi có tài khoản sẽ lựa chọn phương thức giao dịch qua điện thoại hoặc giao dịch trực tuyến tại sàn 25 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.

Việc khớp lệnh và ký quỹ cũng tương tự như chứng khoán, chỉ khác có thể ký quỹ bằng tiền hoặc bằng hàng hóa và tiến hành đặt lệng mua/bán/hủy và giao nhận hàng ngay đối với hợp đồng giao ngay hoặc sau 1,2 tháng đối với hợp đồng tương lai.

Đối với hợp đồng giao ngay (T+0, với T là ngày giao dịch), tỷ lệ ký quỹ bằng toàn bộ giá trị hợp đồng, tức là bên bán sẽ ký quỹ bằng chính hàng hóa giao dịch. Khi khớp lệnh, bên bán sẽ chuyển hàng vào hệ thống kho do sàn chỉ định. Bên mua sẽ chuyển tiền vào tài khoản ký quỹ và nhận hàng.

Còn với hợp đồng tương lai T+1 hay T+2 (tính theo tháng), cả bên bán và bên mua phải ký quỹ với tỷ lệ quy định lần lượt ứng với T+1 và T+2 là 5.000 đồng và 2.000 đồng/kg và tiền sẽ được chuyển vào ngân hàng thanh toán là Sacombank. Người mua sẽ nhận hàng hóa được lưu tại hệ thống các kho tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương, hệ thống kho SBA và ở khu công nghiệp Tân Bình, hoặc tại kho của nhà máy.

Việc kiểm định hàng hóa sẽ do Công ty kiểm định quốc tế SGS thực hiện.

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam nói, từ trước giờ, đường vẫn được mua bán qua hình thức hợp đồng miệng, từ thương lái thu mua nông dân, bán cho nhà máy, công ty kinh doanh, phân phối. Có nơi thậm chí còn quen với việc giao hàng trước rồi mới chốt giá sau, rất rủi ro khi có biến động giá ngược chiều. Việc chào giá bán giá mua công khai sẽ giúp làm tăng tính minh bạch và tính thanh khoản cho thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, ép giá.

Người giao dịch còn băn khoăn

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất, kinh doanh bánh kẹo sử dụng đường như một nguyên liệu sản xuất chính trong phiên giao dịch thử nghiệm đã tỏ ra nghi ngại về nhiều điều, trong đó có chất lượng hàng hóa.

Theo một doanh nghiệp, muốn sản xuất sữa, bánh kẹo cao cấp thì cần loại đường đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật cao về độ màu, độ ẩm, thậm chí cả kích cỡ hạt đường, vì thế công ty chỉ mua đường ở một vài nhà máy nhất định, và giá thành nhiều khi chênh lệch đến 10-15% so với cùng loại của nhà máy khác.

Trong khi đó, sản phẩm của nhiều nhà máy chỉ cần đạt một số chỉ tiêu chung chung của sàn giao dịch là sẽ được lên sàn và người mua thì hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc sản phẩm cho đến khi khớp lệnh và hàng đã được giao.

“Dù biết đã qua kiểm định và chứng nhận đạt chuẩn, rất khó để mua đường có nguồn gốc lẫn lộn như vậy để sản xuất”, doanh nghiệp nói trên nhận định.

Hệ thống kho còn cục bộ cũng là một hạn chế khác. Thực tế cả nước có gần 40 nhà máy đường, chưa tính đến số công ty sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thì chỉ với 3 kho, lại nằm ở TPHCM và Bình Dương, sẽ gây nhiều khó khăn và phát sinh chi phí cao cho việc giao nhận, vận chuyển hàng hóa. Và nếu thế, doanh nghiệp lại trở về với chuyện mua bán thỏa thuận, giao đường trước, chốt giá sau, như trước giờ.

Theo ông Phan Vũ Hùng, sản phẩm giao dịch chủ yếu là 4 loại đường gồm đường RE 1, RE 2 tức đường tinh luyện, và đường trắng RS 1, RS 2 mua từ các nhà máy trong nước. Đường RE tốt hơn, trắng hơn, hàm lượng tạp chất ít hơn so với đường RS và được dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm cao cấp như: sữa, nước giải khát… nên trị giá cũng cao hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới