Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giao diện cảm ứng trên da người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giao diện cảm ứng trên da người

Minh Huy

Thiết bị Skinput và khả năng của nó.

(TBVTSG) – Khác với các công nghệ tạo ra giao diện màn hình cảm ứng, thiết bị Skinput được phát triển dựa trên sự kết hợp giữa một máy chiếu tí hon và một bộ cảm biến tinh vi. Các nhà nghiên cứu cho rằng tuy vẫn đang ở giai đoạn hoàn chỉnh, nhưng Skinput sẽ có một thị trường đầy tiềm năng.

Những ai cảm thấy khó chịu khi thấy kích thước màn hình cảm ứng ngày càng bị thu nhỏ theo thiết bị công nghệ sẽ rất vui mừng khi biết rằng các nhà khoa học đang phát triển một giao diện cảm ứng mới trên chính cánh tay của chúng ta.

Phương pháp mới

Các nhà phát triển tại phòng nghiên cứu của Microsoft và Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đang hợp tác để chế tạo một thiết bị đeo trên cánh tay có khả năng chiếu giao diện trực tiếp lên da của bạn. Thiết bị Skinput nói trên được phát triển dựa trên sự kết hợp giữa một máy chiếu tí hon và một bộ cảm biến tinh vi. Hình ảnh một trình đơn hoặc bàn phím được chiếu lên cẳng tay hoặc bàn tay người sử dụng. Sau đó, bộ cảm biến tính toán xem họ muốn kích hoạt phần nào của màn hình hiển thị. Nếu Skinput không nằm trên cánh tay, nó sẽ dùng công nghệ không dây, như Bluetooth, để truyền mệnh lệnh đến thiết bị đang được kiểm soát, như điện thoại, iPod hoặc máy tính.

Trước đây, những nỗ lực tạo ra một giao diện cảm ứng đều sử dụng công nghệ theo dõi chuyển động để xác định nơi người sử dụng gõ ngón tay vào. Tuy nhiên, Skinput được dựa trên một phương pháp hoàn toàn mới và khác biệt: “lắng nghe” sự rung động trong cơ thể người sử dụng.

Để Skinput nhận biết biểu tượng, nút hoặc ngón tay người sử dụng gõ lên da mình, nhóm nghiên cứu đã khai thác cách mà da, hệ thống cơ và bộ xương phối hợp với nhau để tạo ra âm thanh đặc trưng khi người ta gõ lên các phần khác nhau của cánh tay, lòng bàn tay, ngón tay… Một phần mềm được sử dụng để xác định vị trí ngón tay gõ trên da bằng cách nhận biết những âm thanh đặc trưng này.

Hiện thiết bị dò âm thanh có thể nhận biết được năm vị trí khác nhau trên da với tỷ lệ chính xác lên đến 95,5%. Tỷ lệ này đủ cao cho những ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ông Chris Harrison thuộc Đại học Carnegie Mellon, nhà nghiên cứu chính của dự án, nói: “Chúng tôi đạt tỷ lệ chính xác rất cao. Trong hai mươi lần bấm phím mới có một lần bị lỗi. Tỷ lệ này tương đương với những gì bạn gặp phải đối với bàn phím điện thoại iPhone”.

Mới đây, 20 người tình nguyện đã thử nghiệm hệ thống và cho biết việc điều khiển nó khá dễ dàng. Hệ thống hoạt động tốt với hàng loạt điệu bộ, thậm chí vẫn tốt khi người sử dụng đang di chuyển. Một số khả năng của Skinput đã được họ trình diễn, như điều khiển thiết bị âm thanh, chơi những trò chơi điện tử đơn giản, gọi điện thoại và thực hiện những thao tác đơn giản.

Nhiều ứng dụng tiềm năng

Ông Harrison thừa nhận rằng nguyên mẫu của Skinput hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Ngoài kích thước khá cồng kềnh, khả năng nhận biết chính xác động tác gõ của thiết bị có thể giảm sút theo thời gian. Bên cạnh đó, ông Pranav Mistry, làm việc tại Phòng thí nghiệm phương tiện của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), lưu ý rằng có một điểm hạn chế khác là người sử dụng phải đeo thiết bị ở một vị trí thật chính xác để hình chiếu luôn xuất hiện đúng chỗ.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều thị trường tiềm năng cho công nghệ này. Ông Harrison cho biết: “Đây là công nghệ rất mới mẻ nhưng chúng tôi đã nhìn thấy ứng dụng của nó trong thời gian tới. Dự án đang tiến triển tốt đẹp và tôi cho rằng chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến những giao diện như thế xuất hiện trong vòng năm năm tới”.

Ông Harrison nói: “Một ví dụ là loại máy nghe nhạc gắn trên cánh tay. Có lẽ nó không có nút bấm, chỉ được điều khiển thông qua giao diện cảm ứng trên da. Bạn có thể gõ vào những vị trí khác nhau trên da để điều khiển thiết bị, như chuyển sang bài hát kế tiếp hoặc tạm dừng bài hát đang nghe”. Ông cũng hy vọng rằng thế hệ tiếp theo của máy chiếu có thể đủ nhỏ để tích hợp vào bên trong chiếc đồng hồ đeo tay, từ đó biến Skinput trở thành một hệ thống hoàn thiện và di động để có thể được gắn với bất kỳ thiết bị điện tử tương thích nào và ở bất kỳ đâu.

Từng nghiên cứu công nghệ truyền dẫn âm thanh dựa vào xương để truyền tín hiệu giữa các thiết bị, ông Michael Liebschner, Giám đốc Phòng thí nghiệm cải tiến sinh học của Đại học Y Baylor (Mỹ), nhận định rằng Skinput là một ý tưởng có nhiều hứa hẹn. Ông nói: “Đây là một phương pháp rất khả thi để sử dụng chính cơ thể như là một thiết bị đầu vào. Khi đang đắm chìm trong trò chơi ảo sử dụng màn hình 3D gắn trên đầu, bạn không thể bỏ nó ra để lần mò nút điều khiển. Skinput sẽ khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.

(Daily Mail, New Scientist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới