Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giáo dục Hàn Quốc không theo kịp thị trường lao động hiện đại

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc, động lực chính tạo ra câu chuyện thành công kinh tế của đất nước, đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng từ việc không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện đại đến việc góp phần làm sa sút sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Chịu áp lực lớn về việc thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, học sinh Hàn Quốc phải dành nhiều thời gian ở các lò luyện thi. Ảnh: The Star

Hàn Quốc có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trong số thanh niên cao nhất ở thế giới phát triển và tinh thần hiếu học của người nước này từng được Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi. Hệ thống giáo dục hiện tại đã giúp Hàn Quốc vươn lên từ đống tro tàn của chiến tranh vào đầu thập niên 1950 để trở thành một cường quốc sản xuất.

Nhưng khi xem xét kỹ hơn lĩnh vực giáo dục của Hàn Quốc, sẽ thấy nỗi ám ảnh về việc bằng mọi giá phải đỗ các trường đại học “hào nhoáng” đã dẫn đến các hậu quả như sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng trong thế giới thực, thiếu học hành liên tục để duy trì tính cạnh tranh và một ngành công nghiệp luyện thi được cho là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các vụ tự tử ở thanh thiếu niên.

Trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc có năng suất lao động thấp nhất từ ​​chi tiêu cho giáo dục. Xét theo tỷ lệ GDP, nước này chi tiêu nhiều hơn 40% cho một học sinh (tính từ tiểu học đến phổ thông trung học) so với Ireland nhưng thu về GDP trên mỗi lao động của Hàn Quốc lại ít hơn 60% so với Ireland.

Phần lớn chi tiêu của hộ gia đình Hàn Quốc cho giáo dục là chảy vào các lò luyện thi, trung tâm gia sư (hay còn gọi là hagwon), nơi hướng dẫn học sinh chuẩn bị cho các bài kiểm tra và kỳ thi thông qua huấn luyện chuyên sâu. Các hagwon này đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá 23,4 nghìn tỉ won (17 tỉ đô la Mỹ) bằng cách hứa hẹn với các bậc phụ huynh về kết quả thi cử tốt hơn cho con em của họ.

Các trung tâm luyên thi đại học thường tính phí hàng trăm đô la Mỹ một tháng. Theo nghị sĩ Hàn Quốc Min Hyung-bae, hoạt động chiêu sinh của các trung tâm gia sư nhắm vào các lứa tuổi rất nhỏ, với một trung tâm dạy kèm tiếng Anh cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và thu phí đến 25.000 đô la Mỹ/ năm, gấp năm lần mức học phí trung bình của một trường đại học.

Sinh viên Hàn Quốc thường xuyên được xếp hạng trong nhóm sinh viên giỏi nhất thế giới, nhưng ngay sau khi họ gia nhập lực lượng lao động, khả năng tư duy của họ bắt đầu giảm với tốc độ nhanh nhất trong số các nước thành viên OECD.

Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng thiếu đào tạo liên tục, cũng như thiếu cạnh tranh và tính tự chủ là một trong những lý do khiến người lao động Hàn Quốc không thể duy trì sự sắc bén trong tư duy của họ.

Trong thế giới phát triển, Hàn Quốc là nước có sự chênh lệch nghiêm trọng nhất giữa nhu cầu thị trường lao động và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp. Khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học của Hàn Quốc rốt cục đảm nhận những công việc không liên quan nhiều đến bằng cấp chuyên môn của họ.

Một phần nguyên nhân là do “hội chứng tấm vé vàng” của người Hàn Quốc, khiến thanh niên ưu tiên theo học một trường đại học danh tiếng hơn là theo học một trường có thể giúp phát triển niềm đam mê và sự nghiệp suốt đời của họ, một báo cáo gần đây của OECD nhận định.

Theo Day1Company, một công ty dịch vụ nghề nghiệp và giáo dục trực tuyến, gần 2/3 các công ty Hàn Quốc nói rằng các kỹ năng mà họ tìm kiếm thực sự không liên quan nhiều đến việc liệu ứng viên có cần phải có bằng tốt nghiệp đại học hay không.

Hàn Quốc là nước thành viên duy nhất của OECD có mối tương quan giữa khóa học ở bậc đại học và việc làm về cơ bản là bằng không.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sinh viên trường nghề Hàn Quốc tin rằng bước đi tiếp theo của họ là phải vào một trường đại học, thay vì tham gia lực lượng lao động. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa kiến thức đào tạo và kỹ năng thực tế mà công việc đòi hỏi và làm xói mòn năng suất lao động. Các sinh viên trường nghề đổ lỗi cho một nền văn hóa xem trọng và dành sự ưu đãi bất công cho sinh viên tốt nghiệp đại học cả về cả khía cạnh thăng tiến chức vụ lẫn mức lương.

Kim Tai-gi, một nhà kinh tế lao động của Hàn Quốc cho biết sinh viên trường nghề chỉ chiếm 18% tổng số sinh viên của Hàn Quốc, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình 44% ở các nước OECD.

Tuy nhiên, giờ đây, việc học đại học cũng không đảm bảo cho thanh niên thăng tiến nhanh về địa vị trong xã hội. Các cuộc khảo sát cho thấy cơ hội tiến lên các nấc thang xã hội đang giảm dần khi tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc tăng lên.

Nỗi ám ảnh về tấm vé vàng vào đại học danh tiếng đã làm tăng chi phí luyện thi và học thêm, khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn có con nếu họ nhận thấy họ không thể cung cấp những cơ hội giáo dục tốt nhất cho con.

Năm ngoái, Hàn Quốc đã phá vỡ kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số của xứ sở kim chi được dự đoán giảm một nửa vào cuối thế kỷ này.

Căng thẳng do học hành để chuẩn bị kỳ thi đại học là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên. Điều này có liên quan đến số giờ học thêm tăng lên ở các trung tâm luyện thi.

Năm ngoái, số trẻ vị thành niên tự tử ở Hàn Quốc tăng 10,1% so với năm trước đó, mức tăng lớn nhất trong tất cả nhóm tuổi.

Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc nhận thức được các vấn đề trong hệ thống giáo dục, nhưng cho đến nay, các cải cách đã không mang lại nhiều hiệu quả.

Ban Ga-Woon, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp Hàn Quốc, nhận định: “Hàn Quốc đang mắc kẹt trong cái bẫy thành công của chính mình. Giáo dục đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Hàn Quốc tiến xa vượt bậc, nhưng giờ đây, nó có thể cản trở tương lai kinh tế của đất nước”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới