Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giáo dục: thay đổi… kịp không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giáo dục: thay đổi… kịp không?

Nguyễn Quang Bình (*)

Nghĩ mà tội nghiệp cho Bill Gates. Hình như anh sinh nhầm chỗ. Đáng ra anh nên ra đời tại xứ tôi mới phải.

Số là cách nay không lâu, đồng sự, lính lác, đệ tử yêu cầu anh xuất khỏi vị trí, thậm chí ra khỏi tập đoàn hùng hậu Microsoft sau mấy chục năm do chính tay anh gầy dựng!

Khỏi phải nói, tầm ảnh hưởng toàn cầu của các ý tưởng, kiến thức, sản phẩm, ứng dụng… công nghệ tin học của tập đoàn và của riêng anh trong thời đại này ai dám chối cãi? Anh cũng là người giàu nhất hành tinh này từ nhiều năm nay ai cũng biết. Giàu chưa chắc đã ngon, cái cơ ngơi kiến thức và ứng dụng kỹ thuật máy tính để đời của anh còn to hơn nhiều.

Nói cho vui chứ ra đời chi bên ấy. Vì chưng, nếu anh xuất thân từ một nước châu Á như xứ tôi, bảo đảm anh được tôn thành “ức thế biểu sư” chứ không chỉ “vạn thế” như các nước ở vùng tôi tôn phong đức Thánh Khổng bên Tàu. Vậy mà cả “bộ sậu” tập đoàn anh nói họ mệt với cái bóng của anh. Họ cần thay đổi, với điều kiện ngặt nghèo là anh phải ra đi! Ở nước tôi, chắc chắn người như anh sẽ được bênh vực và người “phe kia” được xem là phản chủ, phản thầy.

Xứ tôi không đối xử kiểu quá Mỹ như thế. Anh chỉ cần bày dạy cho nhân viên ít bữa, là đáng làm thầy rồi. Ở đây chúng tôi rạch ròi lắm: vậy là “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

“Nhất tự, bán tự” các vị thánh hiền ngày xưa không hiểu theo kiểu hiện đại như bây giờ. Vì, đối với các ngài, dạy chữ tức dạy người.

Người thầy của “nhất tự, bán tự” để đáng được kính trọng là người biết thổi hơi thở, tình cảm của mình vào bài học, để chuyển sinh khí của thầy sang học sinh, sai thầy dám chịu trách nhiệm, ít ra với lương tâm của mình. Mà mấy khi thầy sai kia chứ! Kiến thức có thể sai, ngày mai nó có thể lạc hậu, nhưng cái “hồn” của thầy luôn luôn là đà để học trò mình trưởng thành.

Trước đây, chúng tôi cũng học mỗi tuần chừng ấy giờ sử, chừng ấy giờ văn, chẳng bao giờ tổ chức thi học sinh giỏi sử, văn toàn quốc bao giờ. Nay dù tuổi đã luống, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của một lớp người vẫn rất sẵn sàng “hữu trách”.

Ngày xưa, có lớp người đi học đặng “không thành thân, cũng thành nhân”. Cho nên, bằng biếu có thể chỉ là một chọn lựa “tối ưu”. Nay, học sao “tối thiểu” chạy cho được cái bằng càng cao càng tốt, để mong chóng thành thân. Nên, nhiều người thời nay cứ hiểu giáo dục theo kiểu chỉ dạy và học chữ để có bằng kiếm chức kiếm cơm chứ không phải theo cách nghĩ cũ kỹ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”!

Nhưng, này Bill Gates, khi qua đây, có thể một ngày nào đó, anh sẽ là người bị oán nhiều nhất vì anh và đồng sự, bằng cách này hay cách khác, đã mở đường cho các lớp học mở trực tuyến dành cho quần chúng (Mass Online Open Courses – MOOC). Mấy năm gần đây, chính chương trình này đang làm các đại gia đại học lớn ở Mỹ và châu Âu phải hoang mang. Vì sao? Học trò chính quy ngày càng giảm, đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn, ham chơi hơn ham học; trong khi chi phí, thuế má cơ sở trường ốc ngày càng cao.

Đấy là những lớp học thực thụ các chương trình đại học miễn phí, trực tuyến, dành cho quảng đại quần chúng. Ai có chí cứ học.

Tại Mỹ, hầu hết các đại học tên tuổi đã “chạy” chương trình MOOC này từ lâu như Harvard, Princeton, Stanford, MIT và nhiều trường quản trị kinh doanh nổi tiếng nước này đều đã thực hiện. Tại Pháp, nhiều trường gạo cội cũng đã đưa lên mạng dạy không thiếu thứ gì. Từ kinh tế học, quản trị, sinh học, lý hóa, triết học…Thậm chí, các trường Pháp còn đưa lên một số chương trình dạy ôn thi tú tài nữa kia.

Đến nay, bản thân MOOC không phải là một trường đại học. Đó chỉ là những lớp học chuyên ngành đại học và đào tạo thường xuyên (thuộc các trường đại học danh tiếng như đã kể) được các thầy cô có tên tuổi, học vị, học hàm phụ trách. Nghe rằng, muốn lấy tín chỉ một cách chính thức để tiến tới lấy bằng mới phải trả tiền. Đúng là đại học cho mọi người!

Vấn đề đối với người học ở xứ ta là yêu cầu thông thạo ngoại ngữ để kịp theo các lớp mình muốn học nếu muốn tham gia một cách hiệu quả.

Phương thức, phương pháp học tập, cả thế giới đã và đang chuyển mình. Người thầy của “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đang được kỹ thuật tin học máy tính trả lại vị trí, phong độ, đang dần dần được “chính danh”.

Nhiều người cứ lầm tưởng thời đại máy tính, kinh tế thị trường sẽ làm người thầy chỉ dạy chữ hay tệ nữa, thành cái máy. Không, họ phải là người kích thích tính tìm tòi, ham học, khuyến khích học trò tự học, đặc biệt ở các cấp tiểu và trung học.

Chắc chỉ ít năm nữa, nếu không thay đổi, nhiều trường đại học ở ta sẽ vắng học trò nếu như trường không có một nét riêng.

Mấy năm nay, các trường danh tiếng nước ngoài phải đi khắp năm châu chiêu sinh. Còn trường mình, nếu không thay đổi, coi bộ… mệt!

____________________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới