Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giao hàng đã sẵn sàng chờ nhu cầu đột biến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giao hàng đã sẵn sàng chờ nhu cầu đột biến

Hạnh Tâm – Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều cửa hàng đã chuyển hẳn sang kinh doanh trực tuyến, các ứng dụng đi chợ hộ đã ra đời. Nhu cầu mua sắm trực tuyến cho đến hôm nay 1-4 tại TPHCM vẫn chưa có biến động lớn nào làm thay đổi cơ cấu bộ phận giao hàng tại các siêu thị hay có sự gia tăng lượng đơn hàng đối với dịch vụ giao hàng.

Giao hàng đã sẵn sàng chờ nhu cầu đột biến
Trong gần một tuần qua, số lượng đơn đặt giao hàng chỉ mới tăng nhẹ chứ chưa bước đến mức đột biến như nhiều người nghĩ, trong khi đó số lượng tài xế giao hàng lại tăng nhanh. Ảnh: Thành Hoa.

Quyết định của Thủ Tướng Chính phủ 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội đã bắt đầu được thực thi từ hôm nay 1-4. Theo đó, người dân chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men… Lúc này, đội ngũ giao hàng sẽ góp phần quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Các dịch vụ chở khách bằng xe máy, giao hàng, đi chợ giùm như GrabBike, GrabExpress, GrabFood, Be đi chợ đến thời điểm trưa 1-4 vẫn hoạt động bình thường. Chỉ riêng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ôtô thông qua các ứng dụng công nghệ, như GrabCar, BeCar, GrabTaxi… mới phải ngừng hoạt động.

Các nền tảng phản ứng nhanh, nhưng vội…

Trung tuần tháng Ba, ứng dụng gọi xe Be đã cho ra mắt dịch vụ đi chợ nhằm hỗ trợ người dân mua thực phẩm và trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn. Để mua hàng với Be, khách hàng chọn siêu thị mong muốn rồi ghi chi tiết món hàng cần mua, sau đó thanh toán bằng thẻ.

Còn với GrabMart của ứng dụng Grab, một khi người dùng đã chọn siêu thị cần mua, giao diện sẽ có những lựa chọn về ngành hàng như tươi sống, lương thực, yogurt… để người dùng dễ dàng chọn lựa hàng hóa.

Người dùng có những phương thức thanh toán như thẻ, tiền mặt hoặc ví Moca. Grab đưa ra các phương pháp hạn chế tiếp xúc như thanh toán bằng ví điện tử, trò chuyện với tài xế qua hình thức chat trực tuyến.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên TBKTSG Online cho thấy các nền tảng trên còn khá sơ sài, chưa đa dạng về mặt hàng để người tiêu dùng chọn lựa và có nhiều mặt hàng báo hết hàng. Qua đó, cho thấy phần nào sự chuẩn bị có phần vội vã của nhà cung cấp dịch vụ.

Nghịch lý người giao hàng nhiều, đơn hàng ít 

Anh Phan Văn Tài – 43 tuổi, nhân viên giao hàng của hãng Ahamove – chia sẻ, thực tế, tình hình kinh doanh mùa dịch Covid-19 của người giao hàng như anh khá khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên đến từ đội ngũ nhân viên giao hàng ngày càng đông.

Nguyên nhân thứ hai là do nhiều hộ kinh doanh đã ngừng hoạt động, nhiều quán ăn đóng cửa, không triển khai được việc bán hàng trực tuyến dẫn đến tình trạng ít người đặt mua, nhu cầu giao hàng theo đó suy giảm. Anh Phạm Anh Tuấn – 26 tuổi, cũng là nhân viên giao hàng Lalamove – chia sẻ, đa số đơn hàng mà anh nhận giao  hiện nay là những mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm tươi sống do các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cung cấp. Những đơn hàng giao thức ăn đã qua chế biến thì đã giảm nhiều do quán ăn đóng cửa. Việc thông báo quán duy trì dịch vụ "chỉ bán mang về" của những nơi này cũng có nhiều điểm hạn chế, vì chỉ dán bản trước cửa hàng nơi chỉ ai đi ngang qua mới nhìn thấy, mới biết. 

Lực lượng giao hàng gia tăng cũng là lời khẳng định của anh Phạm Hữu Ngôn, Giám đốc AhaMove. Cụ thể, anh Hữu Ngôn cho hay hệ thống của AhaMove ghi nhận một lượng tài xế mới tham gia. Theo anh Hữu Ngôn, những tài xế này là người lao động đến từ các ngành đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn và gần đây là một số nhân viên văn phòng.

Ứng dụng giao hàng Lalamove trong tình huống đơn hàng cần gia ít đi cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Ngồi nghỉ mát dưới bóng cây trên vỉa hè, anh Phạm Anh Tuấn cho hay, những người bị thất nghiệp, giảm giờ làm từ các ngành khác chuyển qua làm nhân viên giao hàng ngày càng nhiều lên, số lượng đơn hàng dành cho từng người giao hàng bị giảm xuống.

Quảng bá chưa hiệu quả, khách hàng còn e dè

Dịch bệnh Covid trên thực tế khiến người dân có tâm lý hạn chế việc tiếp xúc, kể cả đối với đội ngũ giao hàng. Tuy nhiều hãng giao hàng đã nhanh chóng đưa ra các chính sách giao hàng không tiếp xúc như GrabFood với tính năng tùy chọn điểm giao món hàng ở trước cửa nhà, quầy tiếp tân tòa nhà…, khuyến khích người mua dùng phương thức thanh toán trực tuyến song nhiều người mua vẫn có tâm lý e ngại khi nhận hàng, đặt thức ăn.

Anh Văn Tài kể lại, có khách hàng thậm chí chuẩn bị sẵn một chiếc cây dài để nhận hàng từ xa và trả tiền cho nhân viên giao hàng. Chị Hạnh An (quận Phú Nhuận) nói rằng chị hạn chế đặt thức ăn bên ngoài bởi không chắc chắn về vấn đề vệ sinh. “Lỡ có ai cho vào thức ăn hoặc chưa rửa tay kỹ dù chỉ chạm vào phần hộp bên ngoài thì thật đáng lo”, chị Hạnh An e ngại.

Đội giao hàng riêng vẫn thừa đủ công suất hoạt động

Anh Phạm Hữu Ngôn, Giám đốc Ahamove, nhận định trong tuần qua, sau khi UBND TPHCM có những biện pháp quyết liệt để chống dịch, AhaMove nhận thấy có sự tăng trưởng nhẹ từ phía nhu cầu giao hàng. Tuy nhiều cửa hàng buộc phải chuyển sang hình thức "chỉ bán mang về" hoặc bán trực tuyến, nhưng đơn hàng không có sự tăng trưởng đột biến. 

“Có khả năng một số cửa hàng tận dụng nguồn nhân viên của quán để làm nhân viên giao hàng cho khách, chỉ khi không phục vụ kịp họ mới đặt hàng tại các bên vận chuyển ngoài như AhaMove”, anh Hữu Ngôn nhận định.

Tại các siêu thị như Co.opmart, Bách hóa XANH hay Aeon, việc giao hàng cho khách hàng vẫn do đội giao hàng của riêng siêu thị đảm nhận 100%, chưa xuất hiện nhu cầu thuê thêm một bên giao hàng thứ ba. Một nhân viên phụ trách đội giao hàng tại siêu thị Co.opmart (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho hay nhu cầu giao hàng về nhà chưa có nhiều biến động. Trong tuần qua, đa phần người dân vẫn đến siêu thị để trực tiếp mua sắm. Theo thói quen, nhiều người mua hàng đủ dùng cho cả tuần lễ hoặc hơn nhưng cũng có nhiều người mua nhiều hàng vì không muốn ra ngoài, góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid -19 theo lời kêu gọi của thành phố.  

Vị đại diện hệ thống siêu thị Bách hóa XANH cho hay, dù hiện tại bộ phận giao hàng vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Bách hóa XANH cũng đã xây dựng phương án dùng nhân viên tại hệ thống cửa hàng Bách hóa XANH, Điện máy XANH hay Thegioididong để giao hàng cho khách ở gần với điểm bán hàng theo các gói nhu cầu đơn giản nếu như có phát sinh tình trạng lượng đơn hàng tăng quá cao theo tình hình thực tế.  

– Tối 31-3, Grab Việt Nam cho biết dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood tại Đà Nẵng cũng sẽ dừng hoạt động từ 0:00 giờ ngày 2-4 đến hết ngày 15-4-2020.

– Tại Hà Nội, các công ty gọi xe công nghệ chỉ dừng cung cấp dịch vụ gọi xe ô tô. Còn dịch vụ giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn vẫn được các doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Tại đây, các hãng gọi xe công nghệ như Grab chỉ dừng cung cấp dịch vụ gọi xe ô tô (taxi, car), nhưng vẫn cung cấp dịch vụ giao hàng, gọi đồ ăn…

– Cũng giống như Grab, GoViet cũng cung cấp hai dịch vụ này giữa tâm dịch. Còn hãng Be thì dừng tất cả các dịch vụ gọi xe chở người (BeCar, BeBike) nhưng vẫn cung cấp dịch vụ giao hàng hoặc đi chợ (mua giúp khách hàng các sản phẩm thường ngày như thực phẩm, ăn uống…). Với hãng Now, tại Hà Nội dịch vụ gọi đồ ăn, giao hàng, mua thực phẩm, đi siêu thị hộ vẫn hoạt động bình thường.

Vân Ly

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới