Thứ Bảy, 19/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giao lưu cùng nữ thi sĩ trẻ đến từ Nhật Bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giao lưu cùng nữ thi sĩ trẻ đến từ Nhật Bản

Thu Hà

(TBKTSG Online) - Nữ thi sĩ trẻ Hachikai Mimi sẽ đến Việt Nam và chủ trì các buổi nói chuyện về “Văn học đương đại Nhật Bản – Nhìn từ thơ” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hợp tác cùng Viện Văn học, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế và trường Đại học KHXH & NV TPHCM tổ chức từ ngày 20 đến 24-3 tại Hà Nội, Huế và TPHCM.

Tại Hà Nội, buổi nói chuyện được tổ chức tại hội trường tầng 2 của Viện Văn học (20 Lý Thái Tổ), từ 9 giờ đến 10 giờ 30 ngày 20-3, Hachikai Mimi sẽ trao đổi thông tin và những hiểu biết của mình về những vấn đề nổi cộm trong văn thơ đương đại của Nhật Bản cũng như bối cảnh lịch sử xung quanh những vấn đề đó.

Giao lưu cùng nữ thi sĩ trẻ đến từ Nhật Bản
Bìa những tài liệu tham khảo về tập thơ, truyện và tùy bút bằng tiếng Việt của Hachikai Mimi, sẽ phát cho những độc giả tham dự buổi giao lưu - ảnh do Trung tâm cung cấp.

Sau đó, Mimi sẽ tiếp tục thực hiện các buổi nói chuyện của mình tại Huế (Trung tâm văn hóa Phương Nam, 15 Lê Lợi) vào ngày 22-3 lúc 9 giờ và tại TPHCM (Hội trường D201, trường Đại học KHXB & NV TPHCM, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) vào ngày 24-3 từ 14 giờ đến 15 giờ 30.

Hachikai Mimi sinh năm 1974, tốt nghiệp Thạc sĩ Văn học Nhật Bản tại Đại học Waseda. Cô tham gia nhiều hoạt động sáng tác khác nhau như sáng tác thơ, viết tiểu thuyết, viết nội dung cho sách tranh, và cũng tham gia dịch thuật một số sách tranh của nước ngoài, phê bình văn thơ và tham gia thuyết trình tại một số địa điểm công cộng.

Tập thơ đầu tay của cô có tên gọi “Ima nimo uruotteiku jinchi” (tạm dịch: Nơi trận địa ẩm ướt lên), được xuất bản năm 1999, và đã giành được giải thưởng Nakahara Chuya prize, một trong những giải thưởng danh giá nhất về thơ của Nhật Bản.

Tập thơ thứ hai có tên gọi “Ku mono wa kuwareru yoru” (tạm dịch: Đêm loài ăn thịt bị ăn), được xuất bản vào năm 2004, và đã giành được giải Geijutsu Sensho Shinjin prize, một giải thưởng dành cho thơ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật.

Ngoài ra, một số tác phẩm tiêu biểu thuộc thể loại khác của Mimi cũng đã được xuất bản như: tuyển tập tùy bút “Kujaku no hane no me ga miteru” (tạm dịch: Đôi mắt trên lông của một con công đang dõi nhìn, 2004), tiểu thuyết “Beni suisho” (tạm dịch: Hoa hồng thạch anh, 2007), “Tenshin” (tạm dịch: Biến thể, 2008), “Sora wo hikiyoseru ishi” (tạm dịch: Hòn đá quyến rũ bầu trời, 2007), “Esukarugo no yoake” (tạm dịch: Bình minh của chú ốc sên, 2006), “Ukiwa neko” (tạm dịch: Con mèo với chiếc phao, 2011)…

Ba buổi thuyết trình tại Việt Nam sẽ được Mimi trực tiếp thực hiện bằng tiếng Nhật (có phiên dịch tiếng Việt).

Chuỗi sự kiện về “Phụ nữ và Truyện tranh”

Chuỗi sự kiện về truyện tranh với tựa đề “Phụ nữ và Truyện tranh: Kết nối những nền văn hóa ngoài Nhật Bản” do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản – Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Dự án nghiên cứu truyện tranh của phái nữ, chương trình asianbeat của chính quyền tỉnh Fukuoka, hợp tác với Dự án Shojo Manga Power tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội từ trung tuần tháng 3 đến giữa tháng 4 tới.

Mở đầu là hoạt động triển lãm tranh của hai họa sĩ gạo cội chuyên vẽ shojo manga (truyện tranh dành cho thiếu nữ) sẽ khai mạc vào ngày 21-3 lúc 10 giờ tại 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triển lãm mang tên “Truyền thống và lịch sử: Hideko Mizuno & Moto Hagio” sẽ trưng bày 60 bức họa truyện tranh của các tác giả Hideko Mizuno, Moto Hagio, Mutsumi Hagiiwa và FSc, dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 15-4.

Song song với hoạt động triển lãm, ban tổ chức sẽ thực hiện chuỗi tọa đàm trong hai ngày 24 và 25-3 từ 10 giờ đến 11 giờ 30 tại cùng địa điểm tổ chức triển lãm, với phần thuyết trình của các họa sĩ Mutsumi Hagiiwa (Nhật Bản) và FSc (Singapore) cùng một số họa sĩ truyện tranh Việt Nam.

Ngoài ra, trong ba ngày từ 23 đến 25-3 tại hội trường tầng 2 của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), ban tổ chức sẽ thực hiện chuỗi hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ Nhật Bản và Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới