Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giao thừa… lạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giao thừa… lạnh

Giao thừa còn lạnh quá đối với những người không nhà. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Sài Gòn đêm giao thừa, tiết trời dịu nhẹ với những ngọn gió chỉ đủ se se lạnh. Nhưng có những người đang cảm nhận cái lạnh thấm sâu trong lòng, khi năm dài nối tiếp, họ vẫn đón xuân bên vệ đường…

Những chiếc xe đẩy tồi tàn đã nằm gọn sát lề. Một vài cái giường xếp được đặt bên kia đường. Những người già, người trẻ đang hướng về nhau nói chuyện vãn. Đêm nay là giao thừa.

Thì sao chứ, giao thừa có khác gì ngày thường đâu!

Bà Hai đang bắc chiếc ghế ngồi ăn mì tôm, những sợi mì đã nở to nhưng dường như bà cũng không tha thiết lắm. Mái tóc màu vàng hoe ôm lấy khuôn mặt khắc khổ đang ngồi thừ ra, như nghĩ ngợi một điều gì…

Giao thừa này cũng là giao thừa thứ mấy chục gì đó, bà nhớ không rõ, bà sống tại các lề đường như thế này.

Rồi ngày mai là mùng một. Rồi hết tết. Bà lại trở về với công việc hằng ngày của mình, lại đẩy chiếc xe khoai mì rong ruổi trên khắp ngả đường đi bán mong kiếm chút gì nuôi sống mình. Những ngày tết, bà và những người cùng sống trên con đường này được nghỉ ngơi, có lẽ là điều khác nhất so với ngày thường thì phải. Mà không nghỉ cũng có ai mua hàng đâu! Tết rồi, có còn ai thích cái món quá dân dã này chứ?

Bà Liễu năm nay đã ngoài sáu mươi, còm cõi, già nua trong bộ đồ bộ cũ. Bà cũng như bà Hai, đã sống hơn ba mươi năm trên những con đường. Thực ra thì cũng có lúc bà có một căn hộ, lúc những năm 1970. Nhưng giải tỏa rồi thì không còn gì, từ đó bà sống lang thang. Và cô con gái của bà, năm nay đã hơn 30 tuổi cũng sống cùng bà trên một chiếc… giường gần đó.

Những chiếc xe đầy – phương tiện làm ăn của những người coi lề đường là nhà nằm im đón tết…lạnh. Ảnh: Thanh Thương

Cả con đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, có 7 hộ gia đình sinh sống lề đường. Họ chuyển đến đây được hai năm, khi khu chợ Đũi, gần đường Võ Văn Tần bị giải tỏa. Lúc còn ở xóm cũ, họ cũng không có nhà, dựng tạm vài tấm bạt che. Giờ thì họ ở “đường lớn”, ngủ nhờ những mái hiên di động của các cửa hàng. Nấu nướng thì nấu trên cái xe đẩy bán mì, còn tắm giặt thì đi nhờ nhà vệ sinh công cộng… “Rồi cũng đâu vào đấy”, bà Hai tự an ủi.

Cả nhóm ai cũng mắc nợ. Người ít cũng đã trên một triệu đồng, một tháng trả lãi đến 20%, mỗi ngày đi bán về đều góp tiền cho chủ nợ. Số tiền được vay cao nhất cũng chỉ trong vòng vài triệu bạc. Vậy mà nợ cứ kéo dài từ năm này sang tháng khác không trả nổi.

Thực tình thì họ cũng thích… tết. Không phải tết để sum họp gia đình vì thế hệ của họ và con cái họ đều ở đây. Họ thích tết vì đó là lúc có nhiều người nhớ đến họ, thăm họ và cho họ chút gì đó làm quà, hay ít tiền, họ sẽ gom góp lại để trả tiền góp cho những chủ nợ.

Khi được hỏi năm mới ước điều gì? Bà Liễu cười. Sự chua xót ở đâu bỗng làm cái cười già nua của bà như mếu. “Tui có ước gì đâu cô, mà có ước cũng đâu có gì khác được. Năm ngoái cũng có người hỏi tui câu này. Tui chỉ mong có ít tiền trả hết nợ nần, thuê được cái phòng nhỏ, che nắng che mưa. Ở vậy hoài cũng tội mấy đứa cháu, nó không dám kể cho ai nghe về hoàn cảnh của mình. Vậy mà năm nay tui cũng có làm được gì, nghèo vẫn hoàn nghèo thôi cô ơi!”. 

Bà không khóc, có lẽ già rồi nên nước mắt đã khô. “Đừng đưa hình tui lên báo nha cô, tui sợ cháu tui nó biết lại xấu hổ với bạn bè”.

Lại suy ngẫm chuyện con cá, cần câu. Ngày trước khi có dịp ghé thăm xóm rác Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cũng có những gia đình như thế, những con người sống bằng nghề nhặt rác, thiếu áo, đói cơm, suốt ngày đen đúa, rách rưới tìm từng mảnh phế liệu để nuôi sống bản thân và gia đình, cũng nợ chồng chất nợ. Bao nhiêu thế hệ đã đi qua ven bãi rác ấy. Nhưng năm nay, những người dân nơi ấy đã có thể đón những cái tết bớt lạnh hơn bởi những dự án phát triển cộng đồng. Con cái họ đã có trường học, họ đã được xây nhà liên kế, đã được cho vay vốn đề đổi nghề…

Nói đến đây, lại mong có những chiếc cần câu, kéo những người không nhà trong cái thành phố hoa lệ này ra khỏi cái nghèo nối tiếp để đến với cuộc sống thực sự là cuộc sống hơn…

Thời điểm giao thừa đã đến, pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, đón mừng năm mới. Nơi đây, những con người lầm lũi ấy cũng đón xuân. Nhưng mùa xuân ở đây “không bánh cũng không hoa”, mùa xuân ở đây hiện ra trên những đôi mắt chan chứa niềm hy vọng năm sau sẽ trả hết nợ của bà Liễu, sẽ cho con đi học đàng hoàng của chị Năm, có một chỗ chui  ra chui vào của bà Hai…

Thôi thì cũng đã một năm trôi qua. Cùng nhau đón mừng năm mới với nhiều niềm tin về một ngày mai tốt đẹp. Xin gửi trong lời nguyện đầu năm sự may mắn, hạnh phúc sẽ mỉm cười với những con người còn bất hạnh trên khắp đất nước trong năm Kỷ Sửu này.

THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới