Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giao thương biên giới bị tác động ra sao trong thời đại dịch?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giao thương biên giới bị tác động ra sao trong thời đại dịch?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này thông qua việc cắt giảm lãi suất cho vay. Nội các Thái Lan ngày 4-2 dự kiến sẽ thông qua chương trình tổng thể để hỗ trợ khẩn cấp các doanh nghiệp lữ hành (cho vay ưu đãi, hoàn trả vốn và lãi vay trong 6 tháng, tạm hoãn đóng thuế thu nhập…). Việt Nam sẽ làm gì khi kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc có tổng trị giá 7 tỉ đô la Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

Giao thương biên giới bị tác động ra sao trong thời đại dịch?

Ùn tắc xe container chở thanh long tại cửa khẩu biên giới với Trung Quốc bởi Trung Quốc không thông quan nhằm phòng chống dịch corona. Ảnh: VOV

Lo ngại thương mại biên giới bị ảnh hưởng nặng nề

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình dịch  viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng. Thương mại biên giới chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu đất liền vào khoảng 7 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỉ đô la. Xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỉ đô la, chủ yếu là nông, thủy sản.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang gây những diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh hơn nhiều so với dịch SARS trước đây. Tình hình tại Trung Quốc chậm được cải thiện và khó đoán thời điểm có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch. Do đó, tại Việt Nam, nhiều ngành như vận tải hàng không, đường bộ, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, hậu cần (logistics)… bị đình trệ. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng ảnh hưởng ngắn và dài hạn (từ 6-8 tháng).

Bộ Công Thương đánh giá: chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt đóng cửa đến ngày 8-2 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với nông sản Việt Nam, nhất là trái cây. Khách Trung Quốc không được sang Việt Nam mua hàng như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 1-2020 chỉ đạt 8,29 tỉ đô la, giảm 25,8% so với tháng 12-2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách, đang diễn biến thuận lợi nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Ngày 28-1 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo tới Bộ Nông nghiệp, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản. Cơ quan này yêu cầu toàn bộ hệ thống thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cũng đang tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ giáp biên. Bộ Công Thương cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.

Tuy nhiên, kết quả đạt được rất chậm do: xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây, do được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn dù Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua. Với sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại.

Cấp bách tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Các chủ hàng ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… Những gì chuyển được đã chuyển ngay, ví dụ như mặt hàng sợi chuyển từ biên giới về Hải Phòng để xuất qua đường biển nhưng nhìn chung không nhiều.

Mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản (riêng các mặt hàng cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.

Trái cây nói riêng và nông sản nói chung không dễ chuyển hướng thị trường bởi chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức hoặc  không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì…

Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan: tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã làm, yêu cầu các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu. Khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.

Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.

Hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.

Với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại. Khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.

Các bộ đề nghị Bộ Nông nghiệp tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay… để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch viêm phổi do virus corona tác động đến tất cả các ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp sẽ là ngành chịu tổn thương lớn nhất.

Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam; trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như rau quả. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá dịch viêm phổi do virus corona tác động đến tất cả các ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp sẽ là ngành chịu tổn thương lớn nhất.

Thông tin tại Hội nghị “Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam cho biết đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết thì hầu hết các sản phẩm trái cây này là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo trong phòng chống dịch viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía.

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10-2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh do virus corona.

Trong quí 1-2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9-2 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới