Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giật mình trước dự án thủy điện quá nhiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giật mình trước dự án thủy điện quá nhiều

Nhà máy thủy điện Plei Krông – Ảnh: Báo Xây dựng

(TBKTSG Online) – Sau khi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đăng bài Phát triển thủy điện ồ ạt: hệ quả khó lường, bạn đọc Ngọc Anh đã gửi một bài viết đề cập thêm những lo ngại về môi trường, đời sống dân cư trên lưu vực sông… trước việc đầu tư công trình thủy điện quá nhiều.

Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của bạn Ngọc Anh:   

Theo một bản tin của TTXVN vào tháng 1-2008 thì tỉnh Kon Tum hiện có 80 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy đạt 448 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng, đã được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đăng ký đầu tư xây dựng. Mặc dù bản tin nói rằng đây là kết quả bước đầu của chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực địa phương có thế mạnh đã được tỉnh Kon Tum thực hiện trong thời gian qua nhưng con số 80 dự án thủy điện không thể không khiến cho người đọc giật mình.

Chỉ tính riêng trong năm 2007, toàn tỉnh đã có 62 công trình thủy điện vừa và nhỏ đăng ký đầu tư, trong đó gần 10 công trình đang được xây dựng. Dù cho các thủy điện này chỉ có quy mô vừa và nhỏ, nhưng không thể phủ nhận rằng, việc xây dựng thủy điện hàng loạt tại Kon Tum sẽ làm biến đổi dòng chảy các con sông, suối (dù ít dù nhiều), và sau đó là ảnh hưởng đến nguồn nước và chất lượng phù sa của đất. Những biến đổi trên sẽ kéo theo những ảnh hưởng, bao gồm cả yếu tố bất lợi, đến môi trường sống của con người và sinh vật khu vực chung quanh dự án.

Vào tháng 3 năm ngoái, theo hãng thông tấn AP, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên WWF đã có một báo cáo về việc các con sông lớn trên thế giới hiện đang bị de dọa bởi ảnh hưởng của tình trạng khai thác quá mức, trong đó có mục đích phát triển ngành thủy điện và nông nghiệp. WWF cho rằng con sông Nil dài nhất thế giới được sử dụng làm nguồn nước uống trong hàng nghìn năm qua, sẽ phải đối mặt với sự khan hiếm nước vào năm 2025. 

Trong khi đó, sông Dương tử của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nặng chưa từng có tiền lệ do bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, lòng hồ chứa nước của đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nhiều loại rác thải, như rác thải động vật, rác thải từ các nhà máy, bệnh viện và có thể là rác thải phóng xạ từ các mỏ khai khoáng.

Quay trở lại câu chuyện các dự án thủy điện tại Kon Tum, mới đây thôi, vào khoảng giữa tháng 11-2007, hơn 70 ngôi nhà của người dân sống ven lòng hồ chứa thủy điện Plei Krông ở độ cao 570m đã bị ngập nước, và hàng trăm héc ta cà phê (sắp đến kỳ thu hoạch) và hoa màu của người dân sống ven lòng hồ thuộc các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Sa Thầy và thị xã Kon Tum bị công trình này gây hại, ước tính mất hàng tỉ đồng. Một điều đáng nói là thiệt hại này không do thiên tai gây ra mà bởi chính con người.

Theo quy định của Ban di dân tái định cư thủy điện Plei Krông thuộc Ban Quản lý dự án thủy điện 4 thì tài sản trên đất ở độ cao từ 570m trở lên đều không thuộc diện bị ngập nước của lòng hồ thủy điện này. Do đó đất sản xuất ở độ cao từ 570m trở lên thuộc diện không được đền bù, nhân dân vẫn được sản xuất bình thường. Trong sự cố trên, các hộ gia đình bị thiệt hại đều sống ở độ cao 570m trở lên nhưng nhà cửa, cà phê và đất trồng các loại cây hoa màu đã bị chìm trong nước.

Theo nhận định của lãnh đạo các địa phương trên, nguyên nhân là do việc xác định lại một cách chính xác mốc cao trình mực nước dâng của lòng hồ thủy điện Plei Krông đã không được cơ quan chức năng là Ban Quản lý dự án thủy điện 4 xác định một cách chính xác. Vì thế, khi nước lòng hồ thủy điện Plei Krông dâng cao thì nhà cửa, vườn tược và hoa màu của dân bị ngập nước.

Câu chuyện thủy điện Plei Krông nói riêng và 80 dự án thủy điện tại Kon Tum nói chung chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng loạt câu chuyện về những hệ quả do các công trình thủy điện mang lại.

Phát triển nguồn điện năng là mục tiêu quan trọng và là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, dường như việc thẩm định, đánh giá sự tác động của những dự án thủy điện đến môi trường sinh thái trong thời gian qua vẫn chưa được chú trọng, mà đây lại là vấn đề thiết yếu của phát triển bền vững. 

NGỌC ANH 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới