Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Giàu chiều hôm, khó sớm mai”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Giàu chiều hôm, khó sớm mai”

Thư Hoài

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Tôi có anh bạn chuyên nghiên cứu văn học dân gian. Biết tôi viết báo kinh tế, có lần anh ấy bảo: “Ông bà mình ngày trước nói về chuyện tiền bạc của cải hay lắm. Cậu thử đọc lại ca dao, tục ngữ xem”. Và anh chìa ra mấy trang giấy đặc chữ, dễ có đến cả trăm câu ca dao, tục ngữ và thành ngữ nói về chủ đề này.

Đồng tiền liền khúc ruột, tiền bạc, của cải quá thiết thân, gắn bó máu thịt với cuộc sống con người nên chi người ta nói nhiều về nó, bàn về nó dưới đủ góc cạnh – có lẽ chỉ kém chủ đề về nghề nông, chuyện gia đình và tình yêu nam nữ. Nhưng cái hay là ở xứ sở nông nghiệp, thời mà thương nghiệp, kinh doanh tiền tệ còn ít phát triển mà sao các cụ hiểu sâu sắc về đồng tiền đến vậy.

Từ xa xưa, các cụ đã nhấn mạnh các đặc tính của đồng tiền bằng cách nói hình tượng sống động; chẳng hạn tính chất lưu thông rộng khắp của nó: Đồng tiền không chân xa gần chạy khắp; khả năng sinh lợi: Đồng mẹ đẻ đồng con; Đồng tiền trong nhà là đồng tiền chửa, đồng tiền ra cửa là đồng tiền đẻ; Tiền nằm, lãi chạy… Trong việc trao đổi, mua bán thì cần phải rõ ràng, sòng phẳng: Tiền có đồng, cá có con; Tiền trao cháo múc; giá trị trao đổi tương xứng: Tiền nào của ấy…

Đặc biệt, các cụ rất hiểu thế lực “đen” lớn lao của đồng tiền. Nó có thể phá vỡ sự kiềm chế của luật lệ, đạo lý để lũng đoạn mọi hoạt động xã hội, làm méo mó mọi quan hệ, đè bẹp các giá trị văn hóa, đạo đức: Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Đồng tiền đi trước, mực thước đi sau; Kim ngân phá luật lệ, thậm chí là thế lực vô song: Có tiền mua tiên cũng được! Hình như đã thành quy luật, ở những giai đoạn lịch sử xáo trộn, nhiễu nhương thường là lúc đồng tiền “lên ngôi”, được sùng bái như thần như thánh. 

Bởi vậy, các cụ đã cảnh báo từ rất lâu: đồng tiền là con dao hai lưỡi nguy hiểm; nó có thể làm nảy sinh bao thói tật xấu xa: tham lam vô độ, keo bẩn, hợm của, thị tiền, gian dối, ăn chơi sa đọa… từ đó hủy hoại tình nghĩa, biến con người thành nô lệ cho thị dục, thậm chí thành kẻ gian ác, tội đồ. Nó là nguồn gốc của mọi tranh giành, xung đột đẫm máu: Tiền làm tối mắt; Đồng tiền lận (gian lận, lường gạt), nhân nghĩa diệt… Ví như có những kẻ buôn hàng lậu xuyên quốc gia hoặc phá rừng buôn gỗ lậu… phất lên thành trọc phú, chuyên sưu tầm “chân dài”, hoa hậu, xử sự như xã hội đen, nghênh ngang coi thường luật pháp. Lại có nữ đại gia nợ nông dân như chúa chổm nhưng lại tổ chức đám cưới cho con với cả dàn siêu xe đi rước dâu. Hoặc như nhà giàu nọ, thị thế thị tiền, chuyện chẳng đáng gì cũng xé ra cho to, thưa kiện ầm ĩ, tưởng mình là cái đinh, cái đỉnh… của xã hội. Thật đúng như các cụ đã nói: Mạnh về gạo, bạo về tiền.

Xem ra “Tiền rừng bạc bể” nhiều khi chỉ mang lại tai họa. Mà nghĩ cho cùng, tiền của cũng chỉ là phương tiện, hay dở tốt xấu do người sử dụng; nó không tạo ra phẩm giá đích thực của con người: Người làm nên của, của không làm nên người. Vả lại, tiền của chẳng bao giờ là vĩnh cửu: Người sống của còn; người chết của hết; Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Hơn nữa, khi tiền của dễ đến thì cũng dễ đi, tụ đó rồi tán đó: Giàu chiều hôm, khó sớm mai nhiều khi như giấc chiêm bao. Nhất là với thứ tiền của bất chính, phi nghĩa: Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ…

Vì thế các cụ đã khuyên: biết đủ là đủ (tri túc, tiện túc), hãy kiềm chế bớt lòng tham không đáy (tiết dục), đừng tự biến mình thành tôi tớ cho đồng tiền sai khiến; có vậy mới mong tìm thấy sự yên vui, hạnh phúc. Ở xứ ta, nhiều người giàu có sẵn sàng ủng hộ tiền của giúp đỡ người nghèo, cứu trợ bão lụt, tài trợ hoạt động văn hóa. Trên thế giới thì những người thuộc tốp giàu nhất như Bill Gates, Warren Buffett… chỉ dành một phần nhỏ tài sản để lại cho con cái, khối tiền khổng lồ còn lại được đưa hết vào các quỹ xã hội, từ thiện. Tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại Roger Federer, với thu nhập hàng trăm triệu đô la, được cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng không chỉ về tài năng xuất chúng, phong cách lịch lãm mà còn bởi hoạt động từ thiện mà anh đã làm cho trẻ em nghèo khổ ở Nam Phi… Họ không chỉ là những kẻ lắm tiền mà là những người giàu có đích thực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới