Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giàu lên nhờ chương trình ‘Giúp nông dân làm nông thông minh’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giàu lên nhờ chương trình ‘Giúp nông dân làm nông thông minh’

Huy Sang

(TBKTSG Online) – Ngày càng nhiều nông dân ở Hậu Giang thấy chuyện làm nông nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhờ được tiếp cận với tư duy làm nông mới, ứng dụng công nghệ, theo ghi nhận của chương trình “Giúp nông dân làm nông thông minh” do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài GònĐài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang (HGTV) khởi xướng từ tháng 3 năm ngoái 2019.

Chung tay cùng nông dân làm nông thông minh

Giúp nông dân làm nông thông minhGiàu lên nhờ chương trình 'Giúp nông dân làm nông thông minh'

Nông dân xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy bên mô hình lúa thông minh trúng mùa. Ảnh: Huy Sang.

Anh Đặng Đàm Minh Hải ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bây giờ không còn phải mất cả ngày để cầm ống nước tưới từng gốc cây như trước. Thay vào đó, chỉ cần một lần chạm (click) vào điện thoại là hệ thống tưới nước tự động sẽ tưới lần lượt cho hết cả khu vườn. Thời gian còn lại, anh Hải có thể làm thêm nhiều công việc khác để tăng thêm thu nhập – điều mà nhiều năm trước anh chỉ dám nghĩ đến vì công việc nhà nông chiếm hết quỹ thời gian trong ngày.

Ai cũng biết Nam bộ đang trong giai đoạn hạn mặn gay gắt chưa từng có, nhưng vườn bưởi của anh Minh Hải lại rất xanh tốt và đang xử lý chuẩn bị cho vụ bưởi Tết. Anh Hải cho biết, những kết quả như bây giờ có một phần rất quan trọng nhờ hệ thống tưới nước tự động được anh áp dụng ngay sau khi tham dự cuộc hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang (HGTV) khởi xướng từ tháng 3 năm ngoái 2019.

“Buổi hội thảo đã giúp tôi có được tư duy mới để làm nông nghiệp. Người nông dân phải tìm cách giải phóng sức lao động để một người mỗi ngày vẫn có thể làm được nhiều việc mà vẫn đạt hiệu quả. Cụ thể như tôi, từ khi lắp hệ thống tưới thông minh kết hợp pha với phân bón thì mỗi ngày chỉ mất khoảng 15 phút, tức chỉ tốn khoảng 1/3 thời gian so với trước để chăm sóc vườn nhà. Hơn nữa, năm nay tôi còn nuôi thêm bầy vịt giống gần 500 con nuôi trên nền lưới. Phía dưới mương kết hợp nuôi cá sặc rằn theo chuỗi hữu cơ. Chuồng vịt cũng được lắp hệ thống nước uống và máng ăn tự động nên không tốn thời gian. Từ cơ sở cửa sắt, vườn bưởi và nuôi vịt, nuôi cá… mỗi năm tôi thu về hàng trăm triệu đồng”, anh Minh Hải cho biết.

Nở rộ các mô hình ứng dụng công nghệ mới

Anh Minh Hải là một trong 400 nông dân tham dự cuộc hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” – nơi các chuyên gia đã giúp trang bị nhiều kiến thức mới bổ ích và những kinh nghiệm ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, hướng tới làm nông thông minh để có thể làm giàu từ ruộng vườn.

“Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã khẳng định tại cuộc hội thảo. Với ý nghĩa đó, ngay sau khi hội thảo kết thúc, những tư duy làm nông thông minh đã ngay lập tức đơm thành mầm xanh trên đồng ruộng.

Những việc như sạ hàng, bón phân… mà các nhà nông ở Vị Thủy, Hậu Giang thường làm nay không còn tốn nhiều công và mất thời gian như trước. Ảnh: Huy Sang

Ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, đây là vụ lúa thứ 3 nông dân áp dụng mô hình trồng lúa thông minh, bón phân một lần cho cả vụ do Công ty Rynan – có trụ sở tại tỉnh Trà Vinh – chuyển giao công nghệ ngay sau cuộc hội thảo. Lúc đó, có 12 héc ta lúa của nông dân tỉnh Hậu Giang ứng dụng mô hình này. Cách làm hữu hiệu này do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty Rynan, giới thiệu và nó đã giúp thay đổi được thói quen canh tác truyền thống bao đời nay của bà con nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn To, nông dân áp dụng mô hình trồng lúa thông minh ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, phấn khởi nói: “So với phương pháp sạ lan truyền thống, chi phí cho phân bón thông minh vào đầu mùa vụ cao hơn. Nhưng bù lại nông dân không phải tốn thêm công bón phân và giảm được số lần phun xịt thuốc. Từ đó, có thể sản xuất lúa giống hoặc làm lúa theo hướng sạch để xuất khẩu với giá bán cao hơn vài trăm đồng một ký so với ngoài thị trường. Vì vậy lợi nhuận nhiều hơn mà công sức bỏ ra ít hơn nên nông dân dễ dàng chấp nhận. Đặc biệt hiện nay, thanh niên ở nông thôn đi làm ăn xa rất nhiều, nên mô hình này "gãi" được đúng chỗ ngứa cho việc thiếu nhân công lao động hiện nay”.

Từ 12 héc ta lúa thông minh thí điểm trong vụ hè thu sau hội thảo đó, tới vụ đông xuân năm nay, diện tích lúa thông minh đã tăng hơn năm lần và lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tiếp tới vụ hè thu năm nay, thấy bà con nông dân nhiều nơi đã hăng hái đăng ký áp dụng.

Hướng tới công nghệ 4.0 

Đồng hành cùng nông dân, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cũng áp dụng công nghệ mới để hỗ trợ cho công việc của mình được hiệu quả hơn. Năm 2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đã tạo group trên Zalo với các thành viên trong toàn ngành thủy lợi. Từ group Zalo này, khi có thông báo hoặc có tình huống thiên tai xảy ra thì thông tin sẽ được đăng lên để các thành viên nhanh chóng được tiếp cận. Nhờ đó ban chỉ đạo tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề kịp thời hơn.

Mặt khác, tỉnh cũng đã đầu tư ba thiết bị đo mặn tự động ở ba điểm chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Thiết bị đã giúp cho địa phương cập nhật được nhanh và thường xuyên về nồng độ mặn ở các thời điểm, từ đó luôn có giải pháp ứng phó kịp thời để không rơi vào tình trạng bị động hay bất ngờ khi nước mặn xâm nhập vào địa bàn.

TS Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu công nghệ tưới thông minh của Công ty Rynan với ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bên ngoài hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” vào tháng 3-2019. Ảnh: Huỳnh Kim.

Vụ lúa Đông xuân năm nay, nông dân tỉnh Hậu Giang được mùa, trúng giá. Niềm vui càng trọn vẹn hơn khi gần như không có bất kỳ diện tích lúa nào bị thiệt hại bởi nắng hạn và xâm nhập mặn, trong khi kịch bản của mùa hạn mặn năm nay phức tạp hơn nhiều so với mùa khô năm 2016. Những hệ thống quan trắc tự động này đã đóng góp một phần tích cực cho thành công này. Đây cũng là những thiết bị và công nghệ được Công ty Rynan chuyển giao từ sau hội thảo.

Đánh giá về việc này, ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, nói: “So với các quan trắc thủ công trước đây thì với hệ thống quan trắc tự động này, số liệu cập nhật liên tục tại mọi thời điểm trên phần mềm liên kết để có được số liệu liên tục và kịp thời phục vụ cho chúng tôi rất nhiều trong việc chỉ đạo và cảnh báo mặn”.

Từ thực tiễn này, tỉnh Hậu Giang đã thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ, với diện tích 5.200 héc ta và áp dụng nhiều cách canh tác thông minh. Tất cả vườn cây ăn trái của khu nông nghiệp đều được áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm và trồng theo hướng hữu cơ rất hiệu quả trong điều kiện hạn mặn ở huyện Long Mỹ. Đây là cơ sở khẳng định hiệu quả của mô hình sản xuất thông minh trước điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay.

Liên quan tới việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Lê Tiến Châu, nhấn mạnh, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp xanh, tiếp tục thúc đẩy mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics.

“Tỉnh tập trung tuyên truyền, chuyển hóa suy nghĩ, cách làm theo thói quen, giúp người nông dân chủ động thích ứng với đổi thay căn bản về phương thức sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Châu nói.

“Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”

Hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”, ngày 8-3-2019 tại Hậu Gianh. Ảnh: Huy Sang

Tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 140.000 héc ta đất nông nghiệp. Lúa đang là loại cây chủ lực của tỉnh với diện tích khoảng 79.000 héc ta, còn lại là mía, khóm, cây ăn trái, rau màu… Các loại trái cây của Hậu Giang khá đa dạng với khóm, xoài, mít, mãng cầu, các loại trái cây có múi… với sản lượng đạt gần 340.000 tấn mỗi năm.

Người nông dân tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung rất ham học hỏi và có nhiều sáng tạo. Nên những tư duy tiên tiến để làm nông nghiệp được chia sẻ trong hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” thực sự là gợi mở giúp họ có thể định hướng để làm giàu trong bối cảnh có nhiều thách thức tác động đến sản xuất nông nghiệp hiện nay như giá cả thị trường, biến đổi khí hậu và thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Công nghệ tưới phun tiết kiệm nước, làm nông nghiệp trong nhà kính theo hướng sạch và áp dụng blockchain gắn sản xuất với tiêu dùng, những thiết bị thông minh nhằm cảnh báo nguy cơ trên đồng ruộng… ngày càng phổ biến trong sản xuất của người nông dân và việc quản lý nông nghiệp của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang hiện nay.

Tuy vậy, phần lớn sản phẩm nông nghiệp từ các mô hình này vẫn chưa có thương hiệu, chưa tạo được điểm nhấn hoặc sự khác biệt trên thị trường nên giá bán còn thấp, hiệu quả kinh tế người nông dân đạt được chưa cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Vì vậy, để các mô hình sản xuất thông minh này ngày càng phổ biến và bền vững thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, các doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân; trong đó, người nông dân đóng vai trò là chủ thể chính.

Đề cập tới chuyện này, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nói. “Người nông dân phải có khát vọng làm giàu, tinh thần khởi nghiệp, sự cầu thị và niềm tin thành công. Do đó, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước. Nông dân phải chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đừng ngại đổi mới. Đồng thời, nông dân cũng phải là người bạn đồng hành, là đối tác tin tưởng của các doanh nghiệp bao tiêu, từ bỏ suy nghĩ ăn xổi, ở thì. Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới