Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giàu nghèo do số hay chính sách chưa đủ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giàu nghèo do số hay chính sách chưa đủ?

Tư Giang

Giàu nghèo do số hay chính sách chưa đủ?
Ông Nguyễn Tiên Phong.

(TBKTSG) – Trao đổi của TBKTSG với chuyên gia về đói nghèo của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam Nguyễn Tiên Phong về thực trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay và những tác động từ chính sách.

Theo ông Phong, bất bình đẳng ở Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất. Chính sự gia tăng khoảng cách về thu nhập trung bình của hộ gia đình giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất (từ 8,34 lần năm 2006 lên 9,24 lần năm 2010) là nguyên nhân gia tăng của hệ số Gini (chỉ số đo sự bất bình đẳng về thu nhập của xã hội) từ 0,42 năm 2004 lên 0,43 năm 2010.

TBKTSG: Sự gia tăng bất bình đẳng hiện nay ở Việt Nam có gì đáng chú ý so với trước đây và với các quốc gia khác ở cùng giai đoạn phát triển?

– Trước đây, trong nền kinh tế tập trung mọi người tương đối bình đẳng, mặc dù mức sống trung bình lúc đó không cao. Ngày nay, sự bất bình đẳng đã ở mức cao và vẫn đang gia tăng, theo nhiều thước đo khác nhau như tôi đã nói.

Còn nếu so với các nước khác, trong giai đoạn 2005-2008, Việt Nam là nước có khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất  cao thứ nhì châu Á (8,9 lần), chỉ sau Philippines, cao hơn cả Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Campuchia. Đáng lưu ý là hệ số Gini của Việt Nam ngang bằng hoặc cao hơn so với hệ số Gini của nhiều nước có GDP/đầu người cao hơn nhiều so với của Việt Nam. Và trong khi hệ số Gini của một số nước trong khu vực (như Thái Lan và Malaysia) giảm thì của Việt Nam lại tiếp tục tăng (hệ số Gini bằng 1 là mức bất bình đẳng cao nhất).

TBKTSG: Ông liên hệ điều này như thế nào với thực tế?

– Có thể lấy giáo dục và y tế làm ví dụ. Song song với chính sách chủ đạo dựa trên nền tảng Nhà nước đầu tư và chi trả, tức là cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc phân phối lại và tạo sự bình đẳng, Việt Nam lại cũng thực hiện chính sách “xã hội hóa”, mà thực tế là “tư nhân hóa” và “thương mại hóa”. Cơ chế này làm gia tăng tình trạng người dân phải tự trả tiền túi nếu muốn dùng dịch vụ. Với những người nghèo không có khả năng tự chi trả, cơ hội tiếp cận dịch vụ của họ bị giảm sút, làm cho sự bất bình đẳng gia tăng.

Hiện nay, tỷ lệ chi tiêu của người dân Việt Nam cho dịch vụ y tế và giáo dục trên tổng chi tiêu của xã hội (bao gồm cả chi tiêu của Chính phủ) cao hơn so với các nước trong khu vực. Đó là lý do khiến nhiều người nghĩ yếu tố “kinh tế thị trường” đang lấn át yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.


TBKTSG: Người Việt Nam có câu “giàu nghèo do số”. Liệu chính sách có thể làm gì để khắc phục tình trạng này.

– Có một đặc điểm chung của mọi quốc gia là mỗi người sinh ra có tiềm năng tự nhiên khác nhau như yếu tố gia đình, địa lý, thừa kế tài sản hay “gen”… Trong điều kiện kinh tế thị trường, có những người có khả năng hơn nắm bắt cơ hội tốt hơn để vượt lên và giàu có hơn những người khác. Điều đó cũng bình thường.

Thế nhưng cái đáng nói ở đây là Nhà nước/Chính phủ, thông qua luật lệ và chính sách, có tạo ra được cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội hay không? Không thể nói là “do số”, nếu một số người giàu lên nhờ trục lợi kẽ hở của chính sách, mà nạn tham nhũng, thông đồng là biểu hiện rõ nhất. Không thể nói là “do số” nếu người nghèo không thể tiếp cận các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, vệ sinh… Tên đúng của những “lý do” bất bình đẳng đó là thất bại chính sách.

TBKTSG: Nhưng Nhà nước cũng có những chính sách dành cho người nghèo, như xây nhà cho người thu nhập thấp, miễn giảm học phí cho trẻ em nghèo, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ bù giá điện cho hộ nghèo?


– Có thể nhận thấy rằng Nhà nước luôn có hai dòng chính sách: chính và phụ. Dòng chính nhằm phục vụ tăng trưởng theo kinh tế thị trường và dòng thứ hai (các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, yếu thế, thu nhập thấp) được áp dụng với mong muốn bù đắp lại sự bất công, thiếu hụt nảy sinh trong quá trình phát triển. Câu hỏi là liệu những chính sách dòng chính có thể làm tốt hơn việc giảm sự bất bình đẳng hay không? Dòng chính sách phụ có đủ để “trám, vá” những “lỗ hổng” mà dòng chính chưa xử lý được (hoặc trong vài trường hợp là gây ra) hay không? Tôi phải nói, nếu cứ làm như hiện nay thì không đủ.

TBKTSG: Ông có thể cho ví dụ?

– Chẳng hạn như việc bù giá điện. Nhà nước điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, theo đó giá điện gần đây được tăng không theo cơ chế lũy tiến (người nào càng sử dụng ít, càng phải chi trả nhiều hơn). Nhưng bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách bù 30.000 đồng/tháng cho những hộ nghèo sử dụng dưới 50 số điện một tháng. Trong khi chính sách dòng chính là lâu dài, thì chính sách dòng phụ, tức là biện pháp hỗ trợ nói trên, lại ngắn hạn và chưa chắc đã bù đắp được sự thiếu hụt của dòng chính gây ra.

Một số nghiên cứu của UNDP đã chỉ ra rằng: những khoản hỗ trợ người nghèo qua các chính sách, chương trình trợ giúp không đủ dể bù đắp những khoản phí mà họ phải chi trả để tiếp cận các dịch vụ xã hội. 

TBKTSG: Hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước được chỉ đạo thực hiện các chương trình xã hội giúp đỡ người nghèo. Liên hiệp quốc đánh giá như thế nào về động thái này?

– Trong khi khu vực kinh tế nhà nước được rót nguồn lực tài chính, đất đai vô cùng lớn và thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi thì họ lại tạo ra ít công ăn việc làm, thu được ít lợi nhuận hơn so với khu vực kinh tế tư nhân. Nguồn lực của đất nước có giới hạn nhưng không được phân bổ hợp lý thì không thể giúp làm lan tỏa lợi ích cho toàn xã hội. Gần đây, một số nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu do UNDP hỗ trợ và nhóm Harvard thực hiện, đã chỉ ra rằng ngay cả việc các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước có thể đóng góp vào việc bình ổn giá và đóng góp ngân sách (để thực hiện công việc phát triển dịch vụ xã hội – là những việc góp phần cho việc giảm sự bất bình đẳng) cũng đã thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

TBKTSG: Phải chăng khi đã theo đuổi mô hình kinh tế thị trường thì cũng phải chấp nhận thực tế giàu nghèo? Quan điểm của ông như thế nào?

– Trước đây, khi tôi phát biểu là bất bình đẳng đang gia tăng ở Việt Nam thì có một số người phản đối. Họ cho rằng trong nền kinh tế thị trường phải chấp nhận những người giàu có bởi chính những người này sẽ là động lực để những người khác phấn đấu. Tôi không phản đối điều này. Nhưng cần chú ý thực tế là có người giàu lên nhanh chóng từ kẽ hở chính sách, trong khi chính sách không đưa ra được cơ hội bình đẳng cho những người bị tụt hậu. Hệ quả là sự bất bình đẳng gia tăng có thể triệt tiêu động lực phát triển. Câu chuyện đó rất rõ ở Argentina và Philippines và là bài học cần thiết cho Việt Nam.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới