Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giàu, nghèo và… Tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giàu, nghèo và… Tết

(TBKTSG) – Tết đang đến. Mọi người, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị cho những ngày sum họp gia đình và nghỉ ngơi, vui xuân sau cả năm lao động vất vả.

Và, bên cạnh những thông tin về những người được thưởng Tết hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng ở một số ngành nghề, chúng ta cũng được biết có những giáo viên, những công nhân chỉ được thưởng khoản ít ỏi mấy trăm ngàn đồng; có những người lao động không biết lấy gì ăn Tết khi người sử dụng lao động bỏ trốn mà lương cho công nhân không trả.

Tại hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, để minh chứng rằng sau sáu năm triển khai Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, sự chuyển biến vẫn chưa là bao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển lại cho chúng ta thêm một thông tin khác: chỉ riêng tiền quà biếu (lấy từ công quỹ) của 663 đơn vị (nhà nước) đã lên đến trên 4.000 tỉ đồng.

Những thông tin, số liệu trên nhắc chúng ta một điều: khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng, trong khi một lượng không nhỏ công quỹ thay vì được dùng để tạo cơ hội cho người nghèo, người kém may mắn có điều kiện vươn lên thì lại đang bị sử dụng lãng phí hoặc bị biển thủ vào túi riêng của một số người.

Theo bài báo “Thực trạng giàu nghèo và những vấn đề đặt ra” trên website của Bộ Tài chính, các chỉ số thống kê (chỉ mới đến năm 2004) cho thấy, hệ số chênh lệch giữa nhóm giàu và nhóm nghèo qua các năm ở nước ta như sau: năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 là 8,4 lần. Hệ số chênh lệch ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn (năm 2004 là 8,1 lần so với 6,4 lần năm 1990). Theo vùng lãnh thổ chênh lệch cao nhất là ở Đông Nam bộ (8,7 lần), tiếp đến là Tây Nguyên (7,6 lần), Đông Bắc (7 lần)…

So sánh với hệ số chênh lệch tương ứng của 126 nước và vùng lãnh thổ, thì hệ số chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam cao đứng thứ 50, cao hơn 73 nước, trong đó có nhiều nước đã kinh qua mấy trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa.

Còn theo tác giả Trần Hải Hạc trong “Tăng trưởng vì người nghèo: World Bank và câu chuyện thành công của Việt Nam” thì hệ số GINI đo khoảng cách giàu nghèo (có giá trị từ 0-1, càng gần đến 1 thì khoảng cách càng lớn), tính theo thu nhập, đã từ 0,35 năm 1993 tăng lên 0,43 năm 2006.

Không ai đồng tình với chuyện cào bằng trong thu nhập, nhưng khoảng cách giàu nghèo quá lớn trong một xã hội vẫn chưa thể cho rằng mình đã tạo cơ hội đồng đều cho sự phát triển của mọi người, nhắc chúng ta rằng còn những vấn đề về thiết chế, chính sách cần được xem xét để tạo cơ hội hơn nữa cho người nghèo, người kém may mắn, nhằm đạt tới sự phát triển bền vững hơn.

Ngày Tết, trong không khí sum vầy, nhắc nhau về những số phận chưa thoát được cảnh gian nan và về trách nhiệm của xã hội đối với họ, chắc cũng không thừa.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới