Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giơ cao bàn tay hữu hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giơ cao bàn tay hữu hình

Tư Giang

(TBKTSG) – Chỉ 20 ngày sau khi nhậm chức, ngày 26-8, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã ký Thông báo số 225 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu giảm giá bán 500 đồng/lít xăng. Tương tự, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng ngay lập tức ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay. Đây là những động thái đầu tiên đầy cương quyết và có tác động mạnh tới nền kinh tế của hai vị tân bộ trưởng.

Hai văn bản trên, tuy vậy, chỉ là những nỗ lực kéo dài suốt từ năm 2008 của Nhà nước nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Danh sách những biện pháp hành chính ngày càng nhiều hơn với hy vọng giúp ghìm cương giá cả và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn…

Ở một góc độ nào đó, những biện pháp như vậy đã phát huy tác dụng. Song ở góc độ khác, chúng lại làm giới doanh nghiệp lo ngại, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Họ lo lắng liệu Việt Nam có còn theo đuổi mô hình kinh tế thị trường hay không khi áp dụng nhiều biện pháp hành chính như vậy.

Đầu tuần này, tại hội thảo về quản lý giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã có dịp để thể hiện rõ quan điểm của mình về việc sử dụng “bàn tay hữu hình”. Ông nói: “Sự sụp đổ của các định chế tài chính ở Mỹ gây hệ lụy đến giờ là thất bại thảm hại của (mô hình) kinh tế hoàn toàn tự do theo trường phái Anglo Saxon. Một tổng thống nước Tây Âu còn nói, đó là sự phá sản của mô hình kinh tế tự do. Các chính phủ bây giờ phải tăng cường kiểm soát… chứ không phải chỉ có Việt Nam là có bàn tay hữu hình lên thị trường”.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ, người từng là lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong hơn 10 năm qua, và biết tường tận mọi ngõ ngách của doanh nghiệp nhà nước, đang nắm trong tay hai con át chủ bài cho những quyết định hành chính kiểu như Thông báo số 225. Thứ nhất, ông được hậu thuẫn vững chắc về mặt chính sách. Giải thích với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang kêu trời vì bị “yêu cầu” giảm giá, ông nói: “Trong tình huống cấp bách, Nhà nước có quyền dùng mọi biện pháp. Nếu không giảm giá xăng dầu, làm sao chúng ta giữ được mức CPI, và có điều  kiện để giảm lãi suất nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Mà Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp là phải làm việc này, Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc này. Tôi gặp Thủ tướng, Phó thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội để tham khảo. Và tôi nói là giảm được”.

Con át chủ bài còn lại của Bộ trưởng còn sắc hơn. Nó giúp làm sáng tỏ những góc khuất mà các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thường dùng để gây sức ép lên xã hội và cả cơ quan quản lý. Ông Huệ cho biết vào thời điểm mà ông ký Thông báo 225, theo tính toán các doanh nghiệp nhập khẩu đang lãi tới 780 đồng/lít xăng, ngoài định mức 300 đồng/lít mà họ đương nhiên được hưởng. Cẩn thận hơn, ông còn mời ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex, doanh nghiệp đang nắm tới gần 60% thị phần xăng dầu toàn quốc lên hỏi ý kiến. Ông Huệ kể lại: “Tôi đã mời anh Bảo đến hỏi có giảm được không? Anh Bảo nói giảm được”.

Tất nhiên, ông Bảo chối đây đẩy: “Không bao giờ tôi nói thế”. Những lời kêu ca – dù thuyết  phục hay không – của vị giám đốc này, cũng như các doanh nghiệp khác tại hội thảo, về tình trạng kinh doanh xăng dầu thua lỗ kinh niên càng làm rõ hơn một thực tế là họ đang độc chiếm thị trường. Chỉ riêng ba doanh nghiệp nhà nước là Petrolimex, PV Oil và Petro Sài Gòn đã chiếm tới 90% thị phần.

"Chúng ta không có quyền lựa chọn mua của người này, không mua của người kia. Muốn có cơ chế thị trường, phải có thị trường cạnh tranh đã. Tóm lại, chúng ta chưa thể thả hoàn toàn giá xăng dầu theo thị trường".

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

Cấu trúc thị trường méo mó như trên sẽ có nguy cơ dị dạng hơn nếu Nhà nước để doanh nghiệp quyết định hoàn toàn giá xăng dầu theo mô hình kinh tế thị trường tự do. Bộ trưởng Huệ kiên quyết: “Chúng ta không có quyền lựa chọn mua của người này, không mua của người kia. Muốn có cơ chế thị trường, phải có thị trường cạnh tranh đã. Tóm lại, chúng ta chưa thể thả hoàn toàn giá xăng dầu theo thị trường”.

Tuy nhiên, về tầm nhìn trung hạn, Bộ trưởng Huệ, cũng như các bộ trưởng kinh tế khác, cũng thừa nhận việc can thiệp thị trường chỉ là giải pháp tình thế. Ông Huệ bộc bạch: “Chúng ta neo giá quá lâu rồi, giá điện, giá viện phí, giáo dục, dịch vụ công, giao thông… Đến lúc chúng ta thấy cần phải trả chúng về theo nguyên tắc thị trường để bù đắp chi phí đầu vào hợp lý của doanh nghiệp, để họ có thể kinh doanh có lãi, và thu hút được đầu tư trong và ngoài nước”.

Bộ trưởng Huệ nói rằng, ông yêu cầu giảm giá xăng dầu “là vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng trên lãnh thổ này”. Động thái này là cần thiết tuy nhiên vẫn còn đó tình trạng các cây xăng ở nhiều địa phương găm hàng không bán – đó là những thách thức không hề nhỏ, dù Nhà nước có bàn tay hữu hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới