Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giới đầu tư bán tháo trái phiếu của các ngân hàng chính sách Trung Quốc 

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà đầu tư quốc tế đang bán tháo trái phiếu của các ngân hàng chính sách thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, vốn đang cho các công ty ở Nga vay những khoản nợ lớn. Hiện tượng này diễn ra khi phương Tây gia tăng trừng phạt các doanh nghiệp Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên đáng kể.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) là một trong ba ngân hàng chính sách của Trung Quốc đang cho vay nhiều tại Nga. Ảnh: Yicai Global

Trong nhiều năm, giới đầu tư nước ngoài rất chuộng trái phiếu định danh bằng đồng nhân dân tệ của các ngân hàng chính sách Trung Quốc, thường tài trợ vốn vay cho các dự án hạ tầng trong và ngoài nước. Loại trái phiếu này được xem là khoản đầu tư có lợi suất cao và an toàn giống như trái phiếu chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh mà Nga phát động ở Ukraine đã khiến các quỹ quản lý tài sản của nước ngoài phải tính toán lại với những khoản đầu tư đó. Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga, làm tăng khả năng bị trừng phạt thứ cấp đối với các nước hoặc tổ chức khác tiếp tục hỗ trợ Moscow.

Hai trong số ba ngân hàng chính sách của Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) đã cho các tổ chức ở Nga vay hàng tỉ đô la để họ đầu tư cho các dự án bao gồm cả dự án năng lượng.

Kể từ tháng 2, các nhà đầu tư toàn cầu đã bán khoảng 27 tỉ đô la Mỹ trái phiếu ngân hàng chính sách của Trung Quốc, tương đương 1/6 tổng giá trị trái phiếu ngân hàng chính sách Trung Quốc mà các nhà đầu tư này nắm giữ. Tốc độ bán tăng mạnh trong tháng 5, theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký và thanh toán bù trừ Trung Quốc.

Làn sóng bán tháo đó là một phần của cuộc tháo chạy 61 tỉ đô la Mỹ khỏi trái phiếu nhân dân tệ kể từ tháng 2. Dữ liệu cũng cho thấy các nhà đầu tư khu vực tư nhân, như các công ty quản lý quỹ, bán trái phiếu của các ngân hàng chính sách Trung Quốc quyết liệt hơn các tổ chức đầu tư nhà nước như ngân hàng trung ương.

Edmund Goh, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định Trung Quốc tại Công ty đầu tư và quản lý tài sản Abrdn (Anh), cho biết kể từ khi chiến sự ở Ukraine xảy ra, nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi các quỹ đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc. Lý do chính là lo rủi ro địa chính trị liên quan đến Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng lo ngại về một số “quy định chống tư bản chủ nghĩa” mà Bắc Kinh giới thiệu trong những tháng gần đây.

Trong khi các tổ chức tài chính của Trung Quốc quan tâm đến việc tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, chính phủ nước này lại cho rằng “các biện pháp trừng phạt về cơ bản không bao giờ là phương tiện hữu hiệu để giải quyết vấn đề”.

Theo một đạo luật vào năm 2017, chính phủ Mỹ có thể phạt các pháp nhân nước ngoài giao dịch với các công ty, quốc gia và cá nhân bị Mỹ trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy có thể gây khó khăn cho nhiều ngân hàng của Trung Quốc bằng cách ngăn cấm họ thực hiện các giao dịch bằng đô la với các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài bị Mỹ trừng phạt.

Quốc Vụ viện Trung Quốc đã thành lập ba ngân hàng chính sách vào những năm của thập niên 1990, gồm CDB, EIBC và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC). Những ngân hàng này thực hiện các đơn đặt hàng kinh tế của Bắc Kinh, tài trợ vốn cho các dự án lớn trong nước và hỗ trợ việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc.

Theo thống kê của AidData, từ năm 2000 đến 2017, CDB và EIBC đã cho các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính của Nga vay hơn 73 tỉ đô la Mỹ.

Trong những năm gần đây, những ngân hàng này tiếp tục giải ngân các khoản vay tại Nga. Trong đó, vào cuối năm ngoái, hai ngân hàng đã cùng nhau cung cấp các khoản tín dụng lên tới 2,5 tỉ euro cho dự án nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 của Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai ở Nga.

Năm 2018, CDB đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 12 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1,79 tỉ đô la Mỹ, với Tập đoàn phát triển nhà nước VEB của Nga. Năm tiếp theo, CDB đã thu xếp và đồng tài trợ khoản vay nhiều bên trị giá 3,4 tỉ euro cho một công ty con của Gazprom, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga.

Trái phiếu ngân hàng chính sách Trung Quốc chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ đầu tư trái phiếu nhân dân tệ của nước ngoài.

Chẳng hạn, quỹ hoán đổi danh mục iShares China CNY Bond của Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, có khoảng một nửa tài sản, (tương đương 3 tỉ đô la) là các trái phiếu do CDB, EIBC và ADBC phát hành.

Một số nhà quan sát thị trường cho rằng, các mối quan hệ giữa các ngân hàng chính sách của Trung Quốc với Nga không phải là lý do chính thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu.

Bo Zhuang, nhà phân tích cấp cao về tài sản chủ quyền tại Công ty Loomis Sayles, cho biết trái phiếu ngân hàng chính sách của Trung Quốc vốn được ưa chuộng nhờ tính thanh khoản cao và có lợi suất cao hơn trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Các yếu tố chính khiến giới đầu tư nước ngoài giảm tỷ lệ nắm giữ với cả hai loại trái phiếu này là đồng nhân dân tệ yếu hơn và chênh lệch lợi suất thu hẹp.

Theo dữ liệu của Tullett Prebon & Wind, lợi suất hiện nay của trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm là 3,10%, nhỉnh hơn một chút so với mức lợi suất lần lượt 2,83% và 3,08% của trái phiếu chính phủ Trung Quốc và trái phiếu của Ngân hàng CDB.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới