Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc là những ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc là những ai?

Phúc Minh

Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc là những ai?
Có tới 2/3 các nhà đầu tư mới trong năm ngoái ở TTCK Trung Quốc chưa học hết cấp 3. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán Trung Quốc có quy mô lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, nhưng ít được chú ý. Sau những biến động dữ dội gần đây, giới phân tích thị trường mới bắt đầu tìm hiểu kỹ chân dung giới đầu tư trên thị trường này.

Sophie Wang, 32 tuổi, giáo viên bộ môn Nghệ thuật tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo Wall Street Journal cho biết hai tuần trước, cô đã mở một tài khoản giao dịch chứng khoán đầu tiên trong đời và mua một số cổ phiếu mà nhà tạo mẫu tóc của cô kiến nghị.

Cô nói cô không quá quan tâm đến những tin tức về thị trường chứng khoán. Nhà tạo mẫu tóc của cô cho rằng thị trường vẫn còn tăng và khuyên cô nên mua vào. Hiện, số cổ phiếu của cô đã mất 32% giá trị. Cô nói khi thị trường bắt đầu giảm, cô không biết phải làm như thế nào, hiện cô vẫn còn giữ số cổ phiếu này.

Đó là hình ảnh của một nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Thế nhưng, sau những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán nước này thời gian gần đây, với các chỉ số chứng khoán có thể dao động tới 10% trong vài giờ, thế giới mới bắt đầu chú ý đến thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây tiết lộ nhiều phương diện về thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới này.

Cứ 13 người thì có 1 người chơi chứng khoán

Hãng tin Reuters ngày 4-7 dẫn số liệu của Trung tâm thanh toán Trung Quốc cho biết số người chơi chứng khoán tại Trung Quốc hiện lên đến 100 triệu người. Số liệu này đồng nghĩa cứ 13 người Trung Quốc thì có 1 người chơi chứng khoán.

Còn theo thống kê của Bloomberg, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục mới vào nửa đầu tháng 6-2015, lên đến hơn 10.000 tỉ đô la Mỹ. Các chỉ số chứng khoán chính đều tăng mạnh với mức sinh lời cao hơn bất cứ thị trường nào trên thế giới.

Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc là ai?

Bloomberg cho biết các nhà đầu tư cá nhân chiếm từ 80 – 90% giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Từ nông dân đến doanh nhân, từ sinh viên đến các cụ già đều muốn có một tài khoản chứng khoán. Lu Tingbo, sinh viên Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Để có tiền chơi chứng khoán, em đã vay tiền từ ba mẹ, người thân và bạn bè. Đến giờ, nó đã sinh lời 650%”.

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đều rất mới mẻ với hoạt động đầu tư. Chỉ riêng tháng 5-2015 đã có trên 14 triệu tài khoản giao dịch được lập mới – điều này đồng nghĩa hàng triệu người giao dịch cổ phiếu Trung Quốc hiện nay có rất ít hoặc không có ý niệm trực tiếp về bong bóng chứng khoán và đổ vỡ thị trường hồi giai đoạn năm 2007-2008.

Điều đáng lo ngại là theo một khảo sát của Đại học Kinh tế và Tài chính Tây Nam, Trung Quốc, có tới 2/3 các nhà đầu tư mới trong năm ngoái là những người chưa tốt nghiệp cấp 3. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu thị trường giảm điểm trở lại, các nhà đầu tư này sẽ gánh chịu hậu quả đầu tiên.

Ngay cả các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp tại Trung Quốc cũng thường hành động với tầm nhìn ngắn hạn, nhiều người trong số họ thường chỉ đánh giá tình hình dựa trên dữ liệu hàng tháng và hàng quí.

Theo Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC), giới đầu tư chứng khoán nước này đã bị lỗ khoảng 50% khi các thị trường chứng khoán tuột dốc lần thứ ba kể từ giữa tháng 6-2015. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục niềm tin từ giới đầu tư, tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Hầu hết người chịu lỗ là các nhà đầu tư nhỏ.

Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 3% tổng số cổ phiếu tại Trung Quốc.

Mua vào ngay cả khi giá cao

Ngay cả khi thị trường chứng khoán chạm mức cao, hàng triệu nhà đầu tư mới vẫn mở tài khoản chứng khoán để theo đuổi mức giá cao hơn – theo báo Wall Street Journal.

Nghệ sĩ Frank Zhuang, 43 tuổi, tại thành phố Nam Kinh cho biết ông nghĩ thị trường chứng khoán ngày 2-7 giảm là một cơ hội mua vào. Theo đó, ông đã mua 20.000 cổ phiếu của Công ty năng lượng Guanghui, Tân Cương, với giá 12 nhân dân tệ/cổ phiếu. Ông cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời vì chính phủ nhiều lần nói rằng sẽ tiếp tục phát triển khu vực Tân Cương và rất rõ ràng, năng lượng là điều cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc.

Ngày hôm sau 3-7, chỉ số Shanghai Composite (chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc) tiếp tục giảm 6,4% và mức giảm tích lũy trong tuần lên đến 13,3% – biểu hiện hàng tuần tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong hơn 7 năm qua. Khi cổ phiếu Guanghui giảm xuống còn 8,44 nhân dân tệ/cổ phiếu, nghệ sĩ Zhuang cho biết đã thất vọng với thị trường chứng khoán. Ông nói ông vừa bán một bức tranh và có được một khoản tiền nhưng ông cho rằng tốt nhất ông nên để dành tiền nâng cấp phòng tranh, chứ không phải lại cho vào thị trường chứng khoán.

Cũng như nghệ sĩ Zhuang, một số người khác cũng bắt đầu cảm thấy phản cảm với thị trường chứng khoán sau khi thị trường giảm sâu. Anita Lu, một nữ giám đốc quan hệ công chúng tại Thượng Hải, sử dụng hầu hết tiền tiết kiệm để đầu tư vào cổ phiếu GEM. Đầu tháng 5-2015, cô mua vào cổ phiếu này với giá 140 nhân dân tệ/cổ phiếu. Tuần trước, cô bán ra với giá 44 nhân dân tệ/cổ phiếu. Sau việc này, cô cho biết cô sẽ cố gắng tránh xa thị trường chứng khoán.

Bán tống bán tháo

Sự lên xuống thất thường của thị trường khiến giới đầu tư Trung Quốc bất an và “bán tống bán tháo” mỗi khi cổ phiếu lên cao hoặc xuống quá thấp.

Cổ đông mới Henry Luo, sinh viên 24 tuổi ở Hồ Nam, nói thị trường đi xuống vì nhiều người mất niềm tin, nếu có thể thu hồi vốn đầu tư, anh sẽ bán cổ phiếu.

Khi thị trường chứng khoán giảm, các nhà đầu tư vay tiền mua cổ phiếu cũng nhận được hướng dẫn bán chứng khoán để tránh bị tổn thất lớn hơn. Vì vậy, một số người đã bán ra các cổ phiếu. Nhà đầu tư Wu Yunfeng nói Ngân hàng trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách để hỗ trợ thị trường chứng khoán nhằm tạo ấn tượng rằng chính phủ bắt đầu hoảng sợ, điều này khiến nhiều người hoảng sợ theo, nó là một vòng tròn luẩn quẩn.

Tiền tỉ trong túi các đại gia bốc hơi

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, chỉ số Shanghai Composite giảm mạnh đã khiến hơn 35 tỉ phú Trung Quốc mất hơn 34 tỉ đô la Mỹ trong tháng 6-2015. Chuyên gia phân tích Zhang Lu của Công ty chứng khoán Capital Securities nhận định tài sản của các tỉ phú Trung Quốc gắn chặt với đà tăng và giảm của thị trường chứng khoán. Khi thị trường bấp bênh như hiện nay, tài sản của họ giảm xuống là điều đương nhiên.

Điển hình là bà Zhou Qunfei, Chủ tịch Lens Technology, nữ tỉ phú giàu nhất Trung Quốc hiện nay. Bà Zhou là người có tài sản giảm mạnh nhất với 4,8 tỉ đô la Mỹ “bốc hơi” cùng đà sụt giảm 36% của cổ phiếu Lens Technology (niêm yết trên sàn Thâm Quyến).

Tiếp đến là khối tài sản của Wang Jing, Chủ tịch tập đoàn viễn thông Beijing Xinwei Telecom Technology, giảm từ mức 9,5 tỉ đô la Mỹ (vào cuối tháng 5-2015) xuống còn 6,9 tỉ đô la Mỹ.

Bốc hơi 19 tỉ đô la Mỹ trong vòng 24 phút, cái tên công ty Hanergy cùng của phiếu của nó đã trở thành nỗi ám ảnh với các nhà đầu tư. Ngày 19-5, chỉ trong vòng 24 phút, cổ phiếu Hanergy lao đốc không phanh, mất đến 47%. Trước đó, giá cổ phiếu này tăng gấp 6 lần trong vòng 8 tháng, giúp Chủ tịch công ty trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cho biết công ty này hiện đang ngập trong nợ nần.

Điều đáng lo ngại hơn là trường hợp của Hanergy được coi là khởi đầu cho sự đổ vỡ dây chuyền. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng "bong bóng".

Chứng khoán tăng trở lại nhưng không bền

Bloomberg cho biết chứng khoán Trung Quốc tuột dốc thê thảm đã làm mất 3.200 tỉ đô la Mỹ trong vòng 3 tuần, tính đến ngày 4-7 – tương đương 1 triệu đô la Mỹ/phút. Riêng sàn chứng khoán Thượng Hải đã “bốc hơi” 314 triệu đô la Mỹ trong một ngày (4-7) – gần 0,03% tổng số vốn trên sàn chứng khoán Trung Quốc.

Nhà chức trách đưa ra một loạt biện pháp như việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc cấp quỹ “bảo vệ sự ổn định của thị trường chứng khoán” và hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị tạm ngưng. Ngoài ra, 21 công ty môi giới chứng khoán lớn của Trung Quốc cũng cam kết sẽ chi 120 tỉ nhân dân tệ (19,3 tỉ đô la Mỹ) mua cổ phiếu để ổn định thị trường.

Mở cửa sáng ngày 6-7, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt tăng 7,82% và 7,3% nhưng đóng cửa giao dịch cùng ngày, chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng 2,41%, trong khi chỉ số Shenzhen Component giảm 1,39%. Reuters dẫn lời giới quan sát đánh giá kết quả này cho thấy hàng loạt biện pháp bình ổn chưa có tiền lệ của chính quyền đã mang lại kết quả phần nào nhưng chưa cho thấy tính bền vững.

Một số chuyên gia cho rằng tình trạng tuột dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu để thu hồi vốn hoặc trả tiền vay ngân hàng, cũng như ảnh hưởng từ dấu hiệu chững lại của nền kinh tế nước này. Tính từ đầu năm đến nay, số tiền vay mua chứng khoán đã tăng thêm 300% so với năm trước. Do các nguyên nhân nội tại trên, giới phân tích cho rằng gói giải pháp của chính phủ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Đọc thêm:

>> Trung Quốc ra sức cứu thị trường chứng khoán

>> Chứng khoán TQ tiếp tục giảm, bốc hơi gần 2.400 tỉ đô la trong 3 tuần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới