Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giới đầu tư điện mặt trời lo ngại giá vật liệu thô leo thang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giới đầu tư điện mặt trời lo ngại giá vật liệu thô leo thang

Lê Linh

(KTSG Online) – Đà tăng giá mạnh mẽ của các vật liệu thô đang hạn chế khả năng cắt giảm chi phí ở các dự án năng lượng mặt trời, làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này.

Giới đầu tư điện mặt trời lo ngại giá vật liệu thô leo thang
Một hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà máy của hãng xe máy Yamaha Motor ở Surajpur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời đã giảm 18% trong năm nay, sau khi tăng hơn gấp 3 lần trong năm 2020, theo Chỉ số chứng khoán năng lượng mặt trời toàn cầu MAC. Nguyên nhân chính là các công ty phát triển năng lượng mặt trời phải đối mặt với giá thép, giá tấm quang năng và chi phí vận chuyển cao hơn.

Các áp lực của chuỗi cung ứng đang hạn chế khả năng cắt giảm hơn nữa chi phí lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời đúng vào lúc các chính phủ ở phương Tây cam kết tập trung vào “phục hồi xanh” sau đại dịch. Theo S&P Platts, chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng mặt trời giảm 80% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, nhưng hiện nay, đà giảm đáng kể đó đã kết thúc.

Theo S&P Platts, giá thép mạ kẽm nhúng nóng ở Mỹ, được sử dụng để sản xuất khung và kết cấu của tấm quang năng, đã tăng lên mức kỷ lục, cao gấp đôi so với hồi đầu năm 2020. Trong lúc đó, giá của silicon đơn tinh thể (monocrystalline silicon) và các mô-đun cho phép chuyển hóa ánh sáng thành điện năng đã tăng 25% so với năm ngoái, theo dữ liệu của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg.

Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Trung Quốc cũng đã tăng 41% trong năm nay, theo Chỉ số vận tải hàng hóa đóng gói Thượng Hải, phản ánh giá cước xuất khẩu các container từ Thượng Hải. John Martin, Giám đốc điều hành Quỹ Năng lượng mặt trời Mỹ, cho biết giá các vật liệu thô đang đắt đỏ hơn và điều này có thể sẽ làm tăng chi phí lắp đặt điện mặt trời mới lên 20%, đưa chi phí năng đầu tư năng lượng mặt trời trở lại mức của hai năm trước.

Theo Hiệp hội ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ (USSEIA), chi phí tăng ở tất cả các vật liệu chỉ mới bắt đầu tác động đến các chủ đầu tư dự án năng lượng mặt trời. Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup đã hạ dự báo công suất lắp đặt điện mặt trời toàn cầu xuống 3,3%, về mức  145 GW do mức giá silicon đa tinh thể (polysilicon), một thành phần quan trọng của tế bào quang điện, tăng cao. Dù vậy, mức công suất  lắp đặt này vẫn cao hơn 12% so  với năm trước.

Hôm 16-6, Cơ quan xếp hạng tín dụng Ấn Độ (ICRA) cho biết giá tấm quang năng nhập khẩu tăng 15-20% trong 4 tháng qua, tức khoảng 0,23 đô la/watt. ICRA cho rằng mức tăng này sẽ tác động đến lợi nhuận của các nhà phát triển dự án năng lượng mặt trời. Giá tấm quang năng tăng chủ yếu do giá silicon đa  tinh thể  tăng mạnh. Cổ phiếu của Array Technologies, công ty sản xuất hệ thống điều khiển tự động hướng của tấm quang năng để thu được cường độ ánh sáng lớn nhất, giảm 62% trong năm nay, một phần là do chi phí thép cao hơn.

Max Slee, nhà quản lý danh mục đầu tư ở Công ty tư vấn đầu tư Ecofin, có trụ sở tại London, cho biết: “Chắc chắn áp lực chi phí đang hiện hữu. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ hấp thụ nó và vẫn chưa rõ các bên sẽ chia sẻ chi phí tăng thêm như thế nào. Các yếu tố vĩ mô và vi mô tác động đến lĩnh vực năng lượng tái tạo trong phần lớn thời gian của năm nay, khiến giới đầu tư bất an. Tuy nhiên, triển vọng của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trong trung và dài hạn vẫn hấp dẫn”.

Ông John Martin cũng đồng ý cho rằng chi phí tăng sẽ không ảnh hưởng đến cơn bùng nổ năng lượng mặt trời vì đầu tư cho năng lượng tái tạo này vẫn rẻ hơn so với việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mới.

Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng trong ngành công nghiệp điện mặt trời là sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp silicon đa tinh thể từ Trung Quốc. Ước tính khoảng 40% sản lượng silicon đa tinh thể của Trung Quốc đến từ khu vực Tân Cương, nơi các nhà máy bị phương Tây cáo buộc có liên quan đến tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức.

Slee cho biết, nếu cả Mỹ và châu Âu đều ban hành lệnh cấm mua silicon đa tinh thể từ Tân Cương, thì đó sẽ là một vấn đề lớn đối với chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời vì sẽ làm tăng đáng kể chi phí.

Biểu đồ chỉ số cổ phiếu năng lượng mặt trời toàn cầu MAC cho thấy giá cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời đang giảm sau khi tăng vọt vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Theo Financial Times, India Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới