Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giới đầu tư mất niềm tin vào sản phẩm quản lý tài sản của các ngân hàng Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mảng kinh doanh sản phẩm quản lý tài sản (WMP – wealth management products) của các ngân hàng Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin khi giới đầu tư nhỏ lẻ bán tháo khoản đầu tư WMP từng được xem là không có rủi ro.

Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc thua lỗ sau khi rót tiền vào các sản phẩm WMP do các ngân hàng phát hành. Ảnh: Reuters

WMP là chương trình đầu tư thuộc phân khúc tài sản có thu nhập cố định gây sốt ở Trung Quốc trong những năm trước đây. Các ngân hàng phát hành WMP và chủ yếu sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp, chính phủ và các chính quyền địa phương, được xem là cực kỳ an toàn. WMP có mức lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng, vì vậy, trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, thường là khách gửi tiền của các ngân hàng.

Tuy nhiên, năm ngoái, tổng tài sản ở mảng WMP của các ngân hàng Trung Quốc giảm hơn 1.360 tỉ nhân dân tệ (200 tỉ đô la Mỹ) do cơn biến động thị trường và làn sóng bán tháo của giới đầu tư. Điều này làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong tương lai ở một mảng kinh doanh tạo ra nguồn doanh thu phí ổn định cho các ngân hàng cũng như cung cấp lượng vốn quan trọng cho các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Giới đầu tư trong lĩnh vực WMP đã hoảng loạn do lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt và giá trái phiếu giảm sau khi Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách “zero Covid” hồi cuối năm ngoái.

Thị trường WMP trị giá 24 nghìn tỉ nhân dân tệ của Trung Quốc, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu và các khoản đầu tư có thu nhập cố định khác, từ lâu được xem là không có rủi ro và mang lại lợi nhuận tương đối cao. Trong năm 2022, Trung Quốc có 97,61 triệu cá nhân đầu tư vào các sản phẩm WMP.

Khi Li Ming đầu tư 10.000 nhân dân tệ (1.450 đô la) vào một sản phẩm WMP hồi tháng 11, anh xem đây là khoản đầu tư đáng tin cậy. Nhưng vài ngày sau đó, cơn biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc làm suy giảm giá trị của các sản phẩm WMP, khiến giới nhà đầu tư nhỏ lẻ bao gồm cả Li hoảng sợ.

“Sản phẩm WMP mà tôi đầu tư có rủi ro thấp và tôi chưa bao giờ bị lỗ từ những sản phẩm như vậy trước đây. Đáng lẽ ra tôi nên gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng”, Li nói.

Cuối năm ngoái, giới chức trách Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng báo cáo khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn sau khi giá trái phiếu chính phủ giảm, khiến giới đầu tư rút tiền khỏi các sản phẩm WMP. Theo yêu cầu của giới chức trách, trong những năm tới, các ngân hàng Trung Quốc phải báo cáo mức lỗ sổ sách của các sản phẩm WMP so với giá thị trường để cải thiện tính minh bạch.

“Đây là lần đầu tiên nhiều hộ gia đình Trung Quốc nhận ra rằng sản phẩm WMP không đảm bảo lợi nhuận thực sự và có thể thua lỗ. Điều này khiến họ rút tiền khỏi các sản phẩm WMP để gửi vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng”, Zhang Xiaoxi, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, có trụ sở ở Bắc Kinh, viết trong một báo cáo công bố trong tháng này.

Giới đầu tư hiện thận trọng hơn, chỉ rót tiền vào các sản phẩm WMP có rủi ro và biến động thấp hơn và rút khỏi các sản phẩm có lợi suất cao hơn nhưng rủi ro lớn hơn. Zhang Xiaoxi cảnh báo xu hướng này sẽ tác động đáng kể đến khả năng tiếp cận tài chính của các công ty tư nhân.

Gần một nửa tài sản của thị trường WMP của Trung Quốc phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến tháng 12 năm ngoái, hơn 20% sản phẩm WMP có giá trị thấp hơn mệnh giá của chúng. Hồi tháng 2, ngân hàng Standard Chartered cảnh báo những tổn thất “chưa từng có” đối với các sản phẩm WMP sẽ làm suy yếu nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong năm nay.

Việc giới đầu tư chuyển tiền từ các tài sản tạo ra nguồn thu phí sang các khoản tiết kiệm có lãi suất sẽ khiến các ngân hàng căng thẳng tài chính hơn.

Đối với Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc (CMB), chi phí trả lãi cho các tài khoản tiết kiệm tăng vọt sau khi lượng tiền gửi tăng kỷ lục 18,7% lên 7,54 nghìn tỉ nhân dân tệ.

Trong khi đó, đơn vị WMP của CMB, có quy mô lớn nhất trong số các ngân hàng Trung Quốc, chứng kiến tài sản giảm 3,96% trong một năm, xuống còn 2,67 nghìn tỉ nhân dân tệ. Nguồn thu phí và hoa hồng từ đơn vị này giảm 16%, xuống còn 30,9 tỉ nhân dân tệ.

Theo Nikkei, Caixin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới