Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giọt nước đã tràn ly Eximbank?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giọt nước đã tràn ly Eximbank?

Thảo Nguyên

Giọt nước đã tràn ly Eximbank?
Chủ tọa đại hội Eximbank liên tục phải trả lời các chất vấn của cổ đông. Ảnh: MT

(TBKTSG Online) – Hiếm có cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên nào kéo dài từ 8 giờ sáng đến gần 5 giờ chiều như đại hội Ngân hàng Eximbank hôm qua 21-7. Trong phần lớn thời gian đại hội, cổ đông đã chất vấn tận đường tơ kẽ tóc các vấn đề về quản trị, tài chính, con người của ngân hàng, gay gắt tới mức yêu cầu trả lại thù lao HĐQT, thay hết ban lãnh đạo ngân hàng và chất vấn cổ đông chiến lược "anh ngồi đó mà không biết gì sao"!

Đại hội đồng cổ đông của Eximbank và DongA Bank cùng diễn ra một ngày (hôm qua, 21-7), cùng một nơi (Trung tâm hội nghị White Palace, TPHCM) và nỗi buồn của cổ đông hai ngân hàng dường như cũng không khác nhau là mấy khi ngân hàng làm ăn đi xuống, không có cổ tức cho cổ đông.

Nhưng nỗi buồn đó được biểu hiện ở những cung bậc khác nhau. Với DongA Bank cổ đông hầu như chỉ bức xúc chuyện chia cổ tức, và biết rằng không thể chia được thì buồn, nhưng ít có biểu hiện mãnh liệt. Trong khi đó, tại đại hội Eximbank, mọi ngóc ngách các vấn đề đều được các cổ đông mổ xẻ với tâm trạng tức giận cao độ.

Những vấn đề ít thấy trong các đại hội khác nay được bày ra, nào là vì sao lợi nhuận sau thuế chỉ 56 tỉ đồng, mà thù lao hội đồng quản trị lên đến 33 tỉ đồng, trong khi quy định chỉ vào khoảng 1,5% lợi nhuận, tức chỉ khoảng trên 840 triệu đồng. Rồi chuyện vì sao chi cho bóng đá vài trăm triệu đồng/năm mà không tập trung tìm kiếm lợi nhuận cho ngân hàng, chuyện trụ sở công bố xây dựng cách nay mấy năm vẫn đang bỏ trống, chuyện nợ xấu vì sao tăng vọt và vì sao một ngân hàng nằm trong top 5 công ty cổ phần nhưng lại làm ăn thất bát, tiền chi để thuê các chuyên gia tư vấn là bao nhiêu, nên chăng thay luôn ban lãnh đạo…

Đây là những câu hỏi “mới” vì trong các đại hội trước của Eximbank không có tình cảnh này, những lời hứa hẹn về lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước đã khiến cổ đông tin tưởng. Nhưng cho đến hiện tại, chỉ cần nhìn vào con số lợi nhuận hằng năm của Eximbank thì cổ đông cũng phải giật mình: năm 2011 lãi sau thuế của Eximbank vào khoảng 3.000 tỉ đồng, thì năm 2012 chỉ còn hơn 2.000 tỉ và 658,7 tỉ cho năm 2013, còn 2014, ngân hàng lãi vỏn vẹn 57 tỉ đồng.

Chính giọt nước đã tràn ly đó khiến cho sự tôn trọng, nể nang với những người được bầu làm đại diện cho cổ đông trong hội đồng quản trị đã không còn nữa.

Không khí đại hội càng về cuối càng căng thẳng khi những thắc mắc của cổ đông đã không được trả lời thỏa đáng. Cổ đông đã thực sự giận dữ khi tiền thù lao của Hội đồng quản trị đã được tạm ứng và chia trước đó, cho dù chưa có kết quả lợi nhuận, trong khi đã hai năm nay cổ đông không được chia cổ tức. Những vấn đề về quản trị rủi ro như phân quyền cho giám đốc chi nhánh quá lớn khiến cho nợ xấu tăng cũng không phải là câu trả lời được mong đợi, bởi Eximbank luôn khẳng định là không để phát sinh nợ dưới chuẩn, và (Sumitomo Mitsui Banking Corporation) SMBC, cổ đông Nhật Bản đã áp dụng chặt các quy định về rủi ro cho ngân hàng….

Và sự bất lực của cổ đông này là thấy rõ khi ông Naoki Nishizawa, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank thừa nhận nếu nghe theo SMBC nợ xấu của Eximbank đã không lớn như vậy. Với 20% vốn điều lệ tại Eximbank, thật lạ khi nhìn thấy sự bất lực này của vị đại diện SMBC.

Không dễ để ban lãnh đạo Eximbank làm cổ đông hài lòng, khi nhiều ngân hàng hiện đã cải tổ bộ máy, thực hiện nghiêm các quy trình quản trị rủi ro và đang phát triển tốt trở lại thì tại nơi này mọi thứ vẫn còn lỏng lẻo. Sự tranh giành quyền kiểm soát vẫn đang diễn ra, bằng chứng là đến giờ Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chấp nhận phương án nhân sự mới mà Eximbank đưa ra, khi trong đó, những nghi ngờ về nguồn tiền mua cổ phiếu để tranh vị là có cơ sở.

Tuy thế, như một cổ phiếu đã dò đáy, việc hiện trạng của Eximbank phơi bày ra trước cổ đông và tạo ra sự tức giận cực độ thì cũng là lúc mọi chuyện ở Eximbank bắt đầu rõ ràng hơn. Đó cũng là lúc ngân hàng buộc phải nhìn lại để thay đổi, nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa với các đối thủ cùng phân khúc.

Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank đã thừa nhận trong những năm qua, Eximbank phát triển tín dụng quá nóng, và giao cho giám đốc các chi nhánh thẩm quyền lớn quá. Dù vậy, ông Phú cho rằng điểm tích cực chính là mọi chuyện giờ đã rõ ràng và minh bạch hơn, chỉ còn cần thời gian để giải quyết mà thôi. Nhưng có lẽ “tư duy tích cực” của ông Phú chỉ đúng được một phần vì những vấn đề “bày” ra trước đại hội đồng cổ đông cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng.

Hiện trạng của Eximbank theo một lãnh đạo NHNN là còn rất nhiều vấn đề phải xử lý, tình hình nợ xấu cũng không thấp ở mức 2,82% tổng dư nợ như báo cáo của ban giám đốc tại đại hội đồng cổ đông. Việc Hội đồng quản trị chưa có tiếng nói chung như hiện tại, sắp tới lại có nhiều sự thay đổi với sự tham gia của các cổ đông lớn mới sẽ khiến Eximbank mất nhiều thời gian để củng cố và thực hiện sự đổi mới, trong đó có đường hướng chiến lược cho cải tổ và phát triển.

Sự bức xúc của cổ đông Eximbank cuối cùng cũng chỉ có thể được phản hồi bằng những lời hứa. Và những lời hứa đó cần nhiều thời gian để kiểm chứng về hiệu quả thực tế. Còn với tình hình tài chính như hiện tại, trong những đại hội sắp tới, mà gần nhất là đại hội bất thường bầu nhân sự mới, và đại hội thường niên năm sau, cổ đông có lẽ cũng khó vui khi tình hình chưa thể khả quan hơn được.

Cổ đông có bức xúc đến mấy mà nếu ban lãnh đạo không sẵn sàng thay đổi thì cục diện của ngân hàng không dễ cải thiện. Do vậy, sau những gì diễn ra hôm qua, hẳn nhiên, Eximbank sẽ có sự biến động về mặt cổ đông, không loại trừ với những cổ đông lớn.

Xem thêm:

Ông Lê Hùng Dũng rút khỏi HĐQT Eximbank

Eximbank: Dự phòng "ăn" gần hết lợi nhuận 2014

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới