Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giữ môi trường để phát triển bền vững 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giữ môi trường để phát triển bền vững 

Theo Công ty ScanCom Việt Nam, sản phẩm của công ty chế biến từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu hợp pháp, không tác động xấu tới môi trường – Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Bản báo cáo của EIA (Environmental Investigation Agency), một tổ chức môi trường có trụ sở ở Anh, cho rằng Việt Nam đang trở thành trung tâm chế biến gỗ bất hợp pháp ở Đông nam Á, đang bị các nhà chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phản ứng quyết liệt.  

Cũng từ những phản ứng của các nhà xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, cho thấy các nhà máy chế biến đồ gỗ trong nước đã có nhận thức rõ sự quan trọng về nguồn gốc nguyên liệu, không chỉ là chuyện bảo vệ môi sinh mà còn gắn với lợi ích của chính họ. Nếu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp thì sản phẩm của họ sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.  

Chỉ là xuyên tạc

Ông Trịnh Vỹ, Chánh văn phòng Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores), cho biết bản báo cáo của EIA không chỉ xuyên tạc, nhằm làm mất uy tín của công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam mà còn có ý đồ xấu khi chỉ trích các nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ vì họ đã mua đồ gỗ từ Việt Nam.

Thậm chí bản báo cáo còn đề nghị Quốc hội Mỹ cấm nhập khẩu gỗ từ Việt Nam “để cứu những khu rừng nhiệt đới cuối cùng của thế giới khỏi tiếp tục bị phá hoại”. “Ý đồ của họ là nhằm làm Việt Nam mất đi thị trường xuất khẩu đồ gỗ, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam”, ông Vỹ nói.  

Mặc dù bản báo cáo của EIA chưa gây tác động trực tiếp, nhưng theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ ở Việt Nam cho biết, sau khi EIA đăng tải bản báo cáo nói trên lên website www.eia-international.org, đã xuất hiện những dấu hiệu mà lâu dài có thể ảnh hưởng tới đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Một số nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ đã yêu cầu nhà sản xuất Việt Nam giải thích và cam đoan chỉ dùng gỗ hợp pháp.  

“Nếu EIA tiếp tục gây tổn thất cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam, như làm cho các đối tác Mỹ hủy bỏ hợp đồng mua sản phẩm gỗ vì báo cáo nói trên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhờ luật pháp quốc tế can thiệp để bồi thường thiệt hại cho mình”, ông Vỹ cho hay.  

Thực tế, nguồn gốc gỗ hợp pháp

Theo thống kê của Vietfores, hiện nay mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 2 – 2,5 triệu mét khối gỗ từ nhiều nước trên thế giới để đáp ứng 80% nhu cầu gỗ nguyên liệu. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, năm ngoái Việt Nam đã nhập khẩu gỗ nguyên liệu hơn 1 tỉ đô la Mỹ, bằng 41% kim ngạch xuất khẩu gỗ thành phẩm.  

Trong 4 năm qua, Hiệp hội xuất khẩu gỗ cứng của Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu gỗ cứng nguyên liệu của Mỹ và tham gia tài trợ cho các cuộc thi thiết kế đồ gỗ do Hawa tổ chức. Gỗ cứng của Mỹ có nguồn gốc từ những khu rừng được phép khai thác vì không gây tác động xấu tới môi sinh và được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế và luật pháp Mỹ.  

Ngoài Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu gỗ từ Nam Phi, Úc, New Zealand, các nước vùng Nam Mỹ, cả gỗ thông của Nga, gỗ mềm ở Bắc Âu… Và đây là nguồn gỗ hợp pháp và đều có chứng nhận tác động môi trường của các quốc gia này.

Ngoài nguồn gốc hợp pháp của gỗ mua từ nước ngoài, trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu về tới kho và đưa vào sản xuất, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam còn chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan, thuế, kiểm lâm theo các quy định của pháp luật Việt Nam.  

Chứng nhận FSC – điều kiện bắt buộc của doanh nghiệp 

Bãi gỗ tròn nguyên liệu của Công ty Trần Đức ở Bình Dương. Ảnh: Hồng Văn

Cách đây không lâu, các nhà báo nước ngoài cũng đã từng tới bãi gỗ nguyên liệu của Công ty Trần Đức ở Bình Dương, nơi chất đầy những cây gỗ tròn có đường kính gần bằng hoặc hơn một mét. Thoạt nhìn, những cây gỗ tròn này trông như được khai thác từ rừng tự nhiên của Việt Nam; nhưng nhìn kỹ trên mặt cắt của của các cây gỗ đều có kèm theo dấu chứng nhận, số và ký hiệu của FSC (The Forest Stewardship Council – Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới).  

Trần Đức là nhà xuất khẩu đồ gỗ ngoại thất (outdoor) sang thị trường Anh, Pháp, Đức, New Zealand, Úc với năng lực xuất khẩu 180 – 200 container sản phẩm mỗi tháng.

Còn ở kho nguyên liệu của Công ty TNHH Scansia Pacific tại khu công nghiệp Tân Tạo, trên từng lô gỗ xẻ đều có chứng nhận của FSC. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Scansia Pacific cho biết, mỗi năm nhóm ba công ty làm đồ gỗ mang thương hiệu Scansia (gồm Scansia Pacific, Scansia Viet và IFC), sử dụng ít nhất 25.000 mét khối gỗ nguyên liệu hoàn toàn mua của Brazil, Malaysia, New Zealand và Phần Lan; chỉ riêng tiền nhập khẩu gỗ nguyên liệu lên đến cả chục triệu đô la Mỹ.  

“Khách hàng của chúng tôi ở châu Âu là những công ty lớn, có uy tín nên họ đòi hỏi trên từng sản phẩm đều phải có dán tem FSC. Muốn vậy chúng tôi phải sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu 100% có chứng nhận FSC”, ông Thắng nói. 

Ngoài việc chỉ sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp, minh bạch, có chứng nhận bảo vệ môi sinh, Công ty TNHH ScanCom Việt Nam tại khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương còn quan tâm đến bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể. Từ 6 năm trước, ScanCom đã lập hẳn một bộ phận với 8 nhân viên theo dõi môi trường.

Bộ phận này có trách nhiệm giám sát từ môi trường sản xuất trong nhà máy, đến nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập khẩu phải có chứng nhận FSC và quy trình chứng nhận nguồn gốc gỗ CoC (Chain of Custody), kể cả việc giám sát môi trường ở gần 40 doanh nghiệp là nhà thầu phụ của công ty tại Việt Nam với lý lẽ “không thể cung cấp cho khách hàng cuả mình các sản phẩm gỗ không có dán tem FSC”.  

Trong hai năm 2005 và 2006, tạp chí Furniture Today của Mỹ đã sang Việt Nam khảo sát và có hai chuyên đề giới thiệu công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nhắc nhiều đến việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu hợp pháp và có các chứng nhận bảo vệ môi trường. Điều này cũng phần nào nói lên ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.  

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới