Thứ Ba, 28/03/2023, 12:16
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giữa đại dịch, Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn cho giới đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giữa đại dịch, Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn cho giới đầu tư

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, gây tê liệt nền kinh tế của nhiều nước, Trung Quốc đang nổi lên như là nơi trú ẩn tốt nhất cho giới đầu tư, khi dịch bệnh đang lắng xuống ở nước này cho phép các hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ dần hồi phục.

Doanh nghiệp ứng phó ra sao trước ba kịch bản của chuỗi cung ứng toàn cầu?

Hiệu ứng domino và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng công nghiệp

Giữa đại dịch, Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn cho giới đầu tư
Tượng bò tót bằng đồng, biểu tượng của khu tài chính Ngoại Than, quận Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục bắt đầu từ quí 2

Hôm 19-3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết hôm trước đó, có thêm 34 ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này nhưng tất cả đều là “ca nhiễm nhập khẩu”, tức từ những người nhập cảnh vào Trung Quốc. Như vậy, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc ghi nhận không có bất cứ ca nhiễm mới nào kể từ khi Covid-19 bùng phát ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Giờ đây, Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch Covid-19, bất ngờ trở thành nơi tốt nhất để giới đầu tư nương náu trong thời kỳ kinh tế toàn cầu lao đao.

Có nhiều lý do để tin rằng triển vọng của các thị trường ở Trung Quốc hấp dẫn hơn so với hầu như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, dù xét theo khía cạnh chính sách, yếu tố vĩ mô hay sức mạnh của một số ngành kinh doanh riêng lẻ.

Trong tuần này, các nhà kinh tế ở Ngân hàng JPMorgan dự báo GDP quí 1 của Trung Quốc sẽ suy giảm 40% so với quí trước, mức suy giảm mạnh nhất trong 50 năm qua. Nhưng bước sang quí 2, GDP sẽ phục hồi nhanh với giá trị tăng trưởng 57%. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong quí 3 và quí 4, giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,1% trong năm nay.

Theo Ngân hàng JPMorgan, nền kinh tế Mỹ và khu vực sử dụng đồng tiền euro (eurozone) trong quí 1 cũng sẽ hứng cú sốc lớn với mức suy giảm lần lượt 4% và 15%. Bước sang quí 2, đà sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế này càng tăng tốc lần lượt giảm 14% và 22% khi các hoạt động kinh tế tê liệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan chóng mặt. 

Các nhà kinh tế của JPMorgan nhận định dù tăng trưởng của Mỹ và eurozone phục hồi trong nửa cuối năm nay nhưng tính tổng thể cả năm, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy giảm 1,9% và mức suy giảm của nền kinh tế eurozone sẽ là 0,1%.

Một trong những lý do để giới phân tích lạc quan hơn với triển vọng kinh tế Trung Quốc là phản ứng khá thận trọng của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh so với phương Tây. Tuần trước, người sáng lập của một quỹ phòng hộ ở Hồng Kông dự báo các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển sẽ sớm cạn kiệt công cụ bình ổn thị trường, khi mà hầu hết họ đã đưa lãi suất về sát mức 0% và tất cả chương trình nới lỏng định lượng đã được triển khai. Trái lại, Trung Quốc còn nhiều phương án để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng DBS tại Singapore, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Trung Quốc dường như khôn ngoan khi giữ lập trường thận trọng và không vội vã tung ra các chương trình kích thích khổng lồ.

Baig lưu ý rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đáng lẽ ra có thể ồ ạt bơm thanh khoản vào thị trường để giải tỏa tất cả căng thẳng về dòng tiền. Nhưng hành động như vậy sẽ không phù hợp với chiến dịch giảm phụ thuộc vào nợ vay để thúc đẩy tăng trưởng mà Bắc Kinh kiên trì thực hiện trong những năm qua.

Thay vào đó, PBoC chọn cách tiếp cận có trọng điểm hơn, chẳng hạn khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để bình ổn thị trường lao động.

Dù cho phép các ngân hàng thương mại hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đẩy mạnh cho vay đồng thời giảm lãi suất cho vay, PBoC vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi. Điều này cho phép các hộ gia đình Trung Quốc vẫn kiếm được thu nhập từ các khoản tiết kiệm, chứ không giống như các hộ gia đình ở Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ.

“Nếu nhận định của chúng tôi đúng, Trung Quốc là nước đầu tiên hứng chịu tổn thất do dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng sẽ là nước đầu tiên thoát khỏi tác động của nó”, các nhà kinh tế của Ngân hàng JPMorgan cho biết khi lưu ý rằng, các chỉ số hoạt động kinh tế, mà ngân hàng này theo dõi hàng ngày, đang phục hồi ở Trung Quốc.

Các thị trường ổn định hơn so với bên ngoài

Thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu ngân hàng chính sách của Trung Quốc đang trở thành nơi trú ẩn cho giới đầu tư nước ngoài với giá trị nắm giữ tăng lên mức kỷ lục 2.270 tỉ nhân dân tệ trong tháng trước. Ảnh: Financial Times

Sự lạc quan của giới phân tích về triển vọng kinh tế Trung Quốc một phần là dựa vào thực tế giá cả tài sản ở nước này đang ổn định hơn nhiều thị trường khác. Chỉ số CSI 300, đại diện cho 300 cổ phiếu hạng A có vốn hóa lớn nhất trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, chỉ giảm 12% kể từ đầu năm.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500, đại diện cho 500 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất ở Sàn giao dịch chứng khoán New York và sàn Nasdaq, giảm mạnh gấp đôi ở mức 25,5%.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn đang duy trì mức biến động hợp lý so với đồng đô la và thị trường trái phiếu Trung Quốc đang nhận được dòng tiền đầu tư kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong tháng 2, thông qua chương trình kết nối trái phiếu ở Hồng Kông, các nhà đầu tư nước ngoái đã chi 75 tỉ nhân dân tệ (10,8 tỉ đô la) để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các ngân hàng chính sách Trung Quốc.

Tổng giá trị nắm giữ trái phiếu chủ quyền được định danh nhân dân tệ của nhà đầu tư nước ngoài đã lên đến mức kỷ lục là 2.270 tỉ nhân dân tệ dù Trung Quốc phong tỏa phần lớn đất nước để kìm hãm đà lây lan của Covid-19 trong tháng trước.

Trong khi đó, hoạt động đi lại đang dần trở về bình thường trên những đường phố từng vắng tanh ở các thành phố trong tháng trước và đầu tháng này.

Zhang Yichen, Giám đốc Công ty tư vấn và quản lý đầu tư Citic Capital, một nhà đầu tư lớn trong chuỗi nhà hàng của McDonald’s ở Trung Quốc lục địa và Hồng Kông, cho biết 90% nhà hàng McDonald’s ở hai thị trường này đã mở cửa trở lại và doanh số đã hồi phục 80%.

Tại Mỹ, hôm 16-3, McDonald’s buộc phải đóng cửa các không gian ăn uống ở tất cả nhà hàng do công ty này trực tiếp quản lý, chỉ phục vụ cho khách mua mang đi và đặt mua trực tuyến.

Rebecca Chua, người sáng lập Công ty đầu tư Premia Partners, cho rằng hậu quả kinh tế do dịch bệnh Covid-19 chưa lên đỉnh điểm ở nhiều nơi trên thế giới nhưng ở Trung Quốc, “chúng ta đang chứng kiến những tích cực bất ngờ”. Một trong những điểm tích cực đó là sự tăng tốc số hóa của nền kinh tế, một phần là do các lệnh phong tỏa đi lại.

Khi nhiều trường học ở Trung Quốc bị đóng cửa, lượng người dùng nền tảng giao tiếp trực tuyến miễn phí Ding Talk của Alibaba tăng vọt do phần lớn hoạt động giảng dạy được chuyển lên không gian mạng. Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng cho phép nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng WeChat Enterprise của Tencent và Ding Talk, nơi họ có thể chia sẻ tài liệu và thảo luận trực tuyến.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới