Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giúp người trồng rừng kiếm lợi từ môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giúp người trồng rừng kiếm lợi từ môi trường

Honda tổ chức ngày hội trồng rừng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình hồi tháng 4-2008 – Ảnh: vtc.vn

(TBKTSG Online) – Các nhà khoa học tại hội nghị quốc gia về chủ đề “gắn kết bảo vệ rừng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo” tổ chức ở Hà Nội mới đây đã đề xuất những giải pháp giúp người trồng rừng có thể kiếm lợi từ việc làm sạch môi trường.

Giáo sư Stephen Garnett, Trưởng khoa nghiên cứu môi trường, trường Đại học Cherles Darwin – Australia, đề xuất rằng các nhà máy thải khí độc ra môi trường phải có trách nhiệm trả tiền cho những người trồng rừng, vì rừng hấp thụ lượng lớn khí thải.

Ông Garnett phân tích thêm, bên bán dịch vụ (người trồng rừng) có trách nhiệm thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Hoạt động này nên được xác định bởi bên thứ ba đứng ra trung gian tổ chức mua bán dịch vụ.

Những mô hình đang thử nghiệm tại Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam đã triển khai một số mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, gắn với chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi. Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (FPES) đang được mong đợi là sẽ tạo ra các tác động tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, bởi hầu hết những người cung cấp dịch vụ môi trường là người nghèo.

Chương trình FPES đã được thử nghiệm tại 3 vùng cao của tỉnh Thừa Thiên- Huế từ năm 2003. Bà Hồng Bích Ngọc, Đại học Huế cho biết, mức chi trả môi trường rừng được định giá bằng cách tổ chức cho nông dân đấu thầu, để từng hộ đưa ra mức giá mà hộ yêu cầu. Có 100 nông dân trồng rừng tham gia chương trình FPES trên phạm vi gần 150 héc ta rừng, với mức tiền chi trả từ 80.000 đồng đến 400.000 đồng/héc ta/năm.

Ông Atshuhi Kikuchi, Giám đốc Tài chính kế toán – Hành chính, Công ty Honda Việt Nam, đơn vị đang thực hiện dự án AR-CDM – “Trồng mới rừng và tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch” triển khai tại huyện Cao Phong, Hòa Bình, cho biết, dự án AR-CDM sẽ góp phần chống lại sự nóng lên của trái đất, hạn chết hiện tượng thời tiết bất thường, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mô hình đối tác công-tư cho AR-CDM đang được nghiên cứu phát triển tại xã Nghiên Loan, huyện Pak Nậm, tỉnh Bắc Kạn. Cán bộ dự án, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, mô hình sẽ tạo cơ chế phát triển sạch bằng việc trồng rừng, mở ra cơ hội cho người nông dân trồng rừng tham tham gia vào việc giảm thiểu khí thải.

Tạo cơ hội cho người nghèo tham gia trồng rừng

Ông Nguyễn Tuấn Phú, Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành – Văn phòng Chính phủ cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (FPES) đang được nghiên cứu thiết kế sẽ phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Còn tiến sĩ Kerstin Zander, đến từ Đại học Charles Darwin (Úc), cho biết 3 nhóm tổ chức chính có thể đóng vai trò trung gian trong việc tổ chức hoạt động FPES là các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các cơ quan nhà nước, và các tổ chức do tư nhân tự thành lập. Những tổ chức do những cá nhân tự thành lập cần phải được hỗ trợ và trao quyền để họ có cơ hội và năng lực hỗ trợ người nghèo tham gia vào các họat động của FPES.

Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng chi trả dịch dịch vụ môi trường phải đảm bảo hai nguyên tắc cơ bản: tạo ra các động lực tài chính hiệu quả nhằm thúc đẩy người dân cung cấp các dịch vụ môi trường; đồng thời chi trả những chi phí cung cấp cho các dịch vụ của họ.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể mua quyền phát thải khí hoặc xả chất thải ô nhiễm, và họ phải trả tiền cho những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ làm sạch môi trường. Những người trồng rừng có thể cung cấp bốn dịch vụ môi trường chủ yếu: hấp thụ khí thải, tạo vẻ đẹp cảnh quan, bảo vệ nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học.

THOA NGUYỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới