Giúp nông dân xử lý tuyến trùng cho cà phê tái canh
Ngọc Hùng
Nông dân đ đang nghe giới thiêu về cách nhận biết triệu chứng của cà phê khi bị tuyến trùng. Ành: NH |
(TBKTSG Online) - Ngày 7-11, tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cùng Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty Syngenta Việt Nam hợp tác để đưa ra phương pháp xử lý tuyến trùng cho cây cà phê tái canh.
Dự kiến đến tháng 2-2013 sẽ đưa ra một giải pháp tổng thể cho tái canh cà phê.
>>> Cấp giống miễn phí cho nông dân trồng 270 héc ta cà phê
>>> Từ 2011-2015, cần tái canh 100.000 héc ta cà phê
WASI cho biết, trong hai năm tới các tỉnh Tây Nguyên cần phải tái canh khoảng 50.000- 60.000 héc ta cà phê. Theo WASI, vấn đề tái canh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra trong vài năm trở lại đây nhưng trên thực tế diện tích cà phê già cỗi (trên 25 năm) được tái canh lại không nhiều nếu không nói là rất ít.
Lý do, theo bà Chế Thị Đa, Trưởng bộ môn giống thuộc WASI, trong đất đã trồng cà phê có một lượng lớn tuyến trùng nên tỷ lệ cây cà phê sống sau 1 năm tái canh lại chỉ ở mức 12-14%. Chính vì vậy mà người dân không mặn mà với chuyện tái canh.
Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Tân Lập, xã Eapkal, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk cho biết, hiện gia đình anh có 3 héc ta trên 20 năm tuổi nhưng anh lại không dám tái canh mà đang tìm cách rao bán vườn cà phê của mình.
“Tôi cố gắng bán càng sớm cành tốt chứ không muốn tái canh vì đã chứng kiến một số hộ nông dân bỏ ra 50 triệu cho tái canh một héc ta và bị mất trắng sau hơn một năm tái canh vì cây cà phê cứ trồng là chết”, anh Hải nói.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng bộ môn bảo vệ thực vật, Đại học Tây Nguyên, để xử lý tuyến trùng ở vườn cây cà phê tái canh lâu nay người dân thường dùng vôi để xử lý, trên thực tế đó là một phương pháp sai.
Ông Shane Emms, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho biết, để có thể giải quyết được bài toàn tuyến trùng cho vườn cà phê tái canh cần một giải pháp khoa học tổng thể bao gồm chăm sóc cây khỏe, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các giải pháp kỹ thuật về nông học cho người trồng cà phê.
Dự kiến tháng 2-2013, những đơn vị nói trên sẽ công bố một giải pháp tổng hợp cho vườn cà phê tái canh. Tuy nhiên, theo ông Lê Đăng Khoa, bộ môn bảo vệ thực vật của WASI, sau khi có cách trị tuyến trùng thì vấn đề còn lại là làm sao để người dân có tiền để tái canh lại vườn cà phê.
“Theo tính toán của WASI, một héc ta cà phê tái canh cần khoảng 100- 120 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với người dân vì vậy Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thích hợp”, ông Khoa nói.