Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỗ An Cường: Từ doanh nghiệp gia đình, bước ra sân chơi quốc tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỗ An Cường: Từ doanh nghiệp gia đình, bước ra sân chơi quốc tế

Thuận AN thực hiện

(TBKTSG) – LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 – 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp/doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu. (Xin mời độc giả xem từ số 43-2020, ngày 22-10-2020).

Gỗ An Cường: Từ doanh nghiệp gia đình, bước ra sân chơi quốc tế
Nhà máy gỗ An Cường đặt tại Bình Dương, quy mô hàng trăm ngàn mét vuông.

Sau 26 năm gầy dựng, từ ban đầu là một công ty gia đình đến nay Gỗ An Cường đã là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vật liệu, giải pháp, nội thất làm từ gỗ công nghiệp.

Trải qua những khó khăn, khủng hoảng để có thể phát triển mạnh như hiện nay, kinh nghiệm mà ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch của Công ty cổ phần Gỗ An Cường, rút ra là luôn làm đúng ở lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, không chệch hướng, không tham lam. Bên cạnh đó, còn là nhờ vào công lao của tất cả cán bộ công nhân viên, đã nỗ lực hết sức mình để đóng góp cho sự thành công của công ty.

TBKTSG: Nhắc đến An Cường, câu chuyện được nói đến nhiều là hành trình từ công ty gia đình thành doanh nghiệp có vốn của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài. Trở lại thời điểm quyết định “chia sẻ” công ty của mình với nhà đầu tư, vì sao ông lại lựa chọn như vậy?

Sự thành công của chúng tôi luôn có sự đồng hành của các cơ quan báo chí và nhất là TBKTSG, cơ quan chủ quản của Câu lạc bộ Doanh nhân 2030.

Tôi từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 nhiệm kỳ 8. Sự có mặt, động viên, chia sẻ, kết nối, giao thương của các câu lạc bộ trực thuộc TBKTSG mà cầu nối là Ban chủ nhiệm Saigon Times Club đã tạo điều kiện cho anh em doanh nhân gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và đã tạo ra được các mối liên kết hợp tác bền vững trong kinh doanh.

Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch của Công ty cổ phần Gỗ An Cường

Ông Lê Đức Nghĩa: Khi An Cường có quy mô doanh thu lên đến gần 1.000 tỉ đồng và có gần 1.000 nhân viên thì công ty hoạt động rối beng. Lúc đó tôi rất chán nản, nhiều lúc muốn đóng cửa nhà máy hoặc cho thuê lại.

Nghe theo lời bạn bè, chúng tôi quyết định thuê tư vấn tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp. Sau đó thì kêu gọi đầu tư vào công ty. Năm 2016, chúng tôi nhận đầu tư 30 triệu đô la Mỹ từ VinaCapital và chính thức bước sang một trang mới, thoát khỏi mô hình công ty gia đình.

Thực sự thì mọi sự thay đổi, quyết định là nằm ở mình. Chúng tôi muốn mở rộng để phát triển, để tiến xa hơn nên đã quyết định đi cùng nhiều người, bằng cách mở cửa với các nhà đầu tư.

Khi quỹ đầu tư vào thì bắt buộc chúng ta phải có suy nghĩ và cách làm hoàn toàn khác, đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt hàng loạt các quy định và cam kết với họ, theo đúng chuẩn mực quốc tế. Có thể nói, An Cường đã khá thành công với khoản đầu tư từ VinaCapital.

TBKTSG: Nhìn lại, ông thấy mình đã đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đặt ra?

– Khi bán vốn cho VinaCapital, An Cường đã có được những thành công bước đầu. Đến giai đoạn hai, có thêm vốn đầu tư của tập đoàn Sumitomo thì coi như đã đạt được 90% mục tiêu, vì Sumitomo là đối tác chiến lược, họ có tất cả những gì An Cường cần và họ giúp đỡ An Cường về mọi mặt trong việc phát triển doanh nghiệp vươn tầm khu vực và đi xa hơn.

Mục tiêu của tôi là đưa An Cường phát triển thành công ty đẳng cấp quốc tế, vươn ra không chỉ khu vực mà tầm châu lục. Chúng tôi vẫn đang trên đường tiến đến mục tiêu của mình.

Nhưng, với tôi, mọi thứ đều như mới bắt đầu. Phải luôn có tâm thế và răn mình cùng nhân viên như vậy thì mới có động lực để phát triển và đi xa hơn. Nếu tự mãn là thành công rồi, hoặc đã đi được nửa chặng đường rồi, sẽ làm cho mình và nhân viên thiếu nhiệt huyết, thậm chí là lười nhác và ham thụ hưởng hơn là lao động.

Thành quả bước đầu ngày hôm nay là nhờ sự phấn đấu và cộng tác hết mình của toàn thể cán bộ công nhân viên trong hệ thống An Cường. Chính họ, với sự nỗ lực hết sức đã đưa công ty đi lên vững vàng.

TBKTSG: Ông rút ra những kinh nghiệm gì cho quá trình này?

– Việc nhận vốn từ nhà đầu tư không đơn giản. Việc tiêu tiền của họ là một vấn đề, phải chi tiêu đúng như cam kết và đúng kế hoạch kinh doanh đã xây dựng, thường là ba năm. Chỉ một đồng giải ngân ngoài kế hoạch cũng phải bàn bạc, giải trình.

Vì vậy, chắc chắn một điều là nếu chúng ta tôn trọng và làm đúng cam kết thì sẽ không hề có bất kỳ cãi vã hay bất đồng gì. Quan trọng nhất là các ông chủ cần làm đúng ở lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, không chệch hướng, không tham lam.

Gần năm năm, An Cường có hai nhà đầu tư nhưng tất cả mọi việc đều diễn ra êm đẹp và hòa thuận, công ty phát triển ổn định, bền vững. Tất cả là nhờ vậy.

TBKTSG: Đại dịch Covid-19 đang càn quét và phá hủy rất nhiều thứ. An Cường hiện như thế nào trong “cơn cuồng phong” này?

– Covid-19 là một khủng hoảng toàn cầu. Nhưng An Cường chỉ bị ảnh hưởng rất ít, doanh thu giảm khoảng 10% so với năm trước. Đó là nhờ các dòng sản phẩm của chúng tôi vẫn có sức mua tốt. Đây là sự may mắn. Tất nhiên, nhân sự cũng bị giảm một chút. Chúng tôi luôn động viên anh em nâng cao ý thức tiết kiệm, tối ưu hóa sản xuất, tăng năng suất lao động. Những cái này luôn luôn làm, và trong bối cảnh có dịch Covid-19 thì càng phải làm tốt hơn.

TBKTSG: Nhưng cuộc khủng hoảng do dịch cho thấy thế giới đang thay đổi liên tục, tương lai bất định, vậy An Cường sẽ bước vào thế giới đó như thế nào?

– Chúng tôi nhìn thấy nhiều khó khăn trước mắt do đại dịch Covid-19 gây ra. Tình hình này thậm chí còn kéo dài sang năm 2021. Thị trường vì thế sẽ bước vào giai đoạn “xóa cờ chơi lại”, sẽ có những tên tuổi mới nổi lên. Nếu doanh nghiệp không có những bước chuẩn bị vững chắc cho mình thì nguy cơ bị “xóa cờ” là rất hiện hữu.

Ở An Cường, chúng tôi vẫn tự tin bước tiếp vì công ty đã có sự chuẩn bị. Kinh tế phát triển khá mạnh trong mấy thập kỷ qua nhưng thường chu kỳ 10-12 năm sẽ bị suy thoái. Chúng tôi lường trước điều này nên chỉ làm đúng với sức mình, hạn chế vay quá nhiều tiền từ ngân hàng, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất, đa dạng thị trường. Nhờ vậy mà đã đứng vững được bước đầu khi khủng hoảng xảy ra.

Từ kinh nghiệm của mình, lời khuyên của tôi với các doanh nghiệp là không nên làm quá sức mình và phải luôn đi đúng hướng mà mình đã xây dựng, kiên định với sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa mình kinh doanh và làm thật chuyên nghiệp. Đó sẽ là nền tảng, bệ đỡ để mình duy trì và vượt qua khó khăn, dù Covid hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác.

Hiện tại, An Cường đang là nhà sản xuất và xuất khẩu cho nhiều thương hiệu nội thất nổi tiếng tại Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu. An Cường cũng là nhà cung cấp giải pháp hoàn thiện sản phẩm như dán, ván sàn, cánh tủ bếp, tủ áp bằng công nghệ laser không đường cạnh, cắt dán cạnh viền chỉ…

Ngoài nhà máy sản xuất đặt tại Bình Dương, An Cường hiện có 23 cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm (showroom) ở nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh đó còn có hệ thống đại diện nước ngoài tại Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới