Thứ Hai, 2/10/2023, 00:10
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật

Thùy Dung

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật
Nông dân nuôi tôm – Ảnh minh họa: TL.

(TBKTSG Online) – Trước việc phía Nhật Bản kiểm tra 100% tôm Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin, Tổng cục Thủy sản (TCTS) và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã họp bàn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, tránh đánh mất thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam.

Tại buổi họp giữa TCTS và VASEP chiều ngày 12-9, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, Nhật Bản là thị trường lớn, chiếm 30% thị phần xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ khi Nhật Bản đưa ra quy định về Ethoxyquin, tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Nhật đã giảm đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 7 đã giảm 3% so với tháng 6. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ còn giảm mạnh hơn trong những tháng cuối năm nếu không có những thay đổi trong quy định của thị trường nhập khẩu.

Trước khi phía Nhật có những thay đổi trong chính sách của họ, nhằm giữ được thị trường này, VASEP đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định dùng 2 chất chống oxy hóa là BHA (Butylated Hydroxyl Anisole) và BHT (Butylated Hydroxyl Toluence) trong một số mẫu thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản để thay thế Ethoxyquin.

Ông Hòe cho biết VASEP đã đề xuất phía Bộ NN&PTNT ra quy định về hàm lượng tối đa cho phép chất Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm ở mức 0,5ppm thay vì mức 150ppm như đang kiểm soát.

Bà Trần Bích Nga, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho hay yêu cầu thay thế Ethoxyquin bằng hai chất BHA và BHT có thể thực hiện được theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, việc dùng hai chất này có đảm bảo cho quá trình chế biến thức ăn thủy sản hay không thì chỉ các doanh nghiệp sản xuất mới biết được. Hơn nữa, dùng hai chất thay thế này sẽ làm cho giá các loại thức ăn thủy sản tăng lên.

Riêng đối với kiến nghị quy định Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản là 0,5 ppm thì không có căn cứ vì theo quy định của Nhật Bản và các nước khác đều cho phép hàm lượng Ethoxyquin ở 100-150ppm.

“Nếu chúng ta đưa ra quy định khác với thông lệ quốc tế thì ta phải dựa trên việc đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm. Ta chưa có nghiên cứu khoa học mà đưa ra một ngưỡng thấp như vậy thì các nhà xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam sẽ cho rằng ta đưa ra rào cản hạn chế thương mại”, bà Nga nói.

Đại diện Vụ nuôi trồng thủy sản nêu ý kiến, hiện các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi có phòng thí nghiệm rất hiện đại, có thể kiểm tra Ethoxyquin trong thức ăn từ nguyên liệu  nên họ có thể sản xuất thêm 1 loại thức ăn cho tôm trong giai đoạn cuối có chứa ít Ethoxyquin hoặc không chứa chất này.

Theo đó, TCTS nên có công văn gửi cho các sở để khuyến cáo các mô hình nuôi thành công như trường hợp ở Bến Tre và một công văn khác cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn nên sản xuất thêm loại thức ăn dùng cho giai đoạn trước khi thu hoạch tôm. Và theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp thì trong giai đoạn cuối nên sử dụng thức ăn có chứa hàm lượng Ethoxyquin dưới 40 ppm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, từ nay đến tháng 10 sẽ nghiên cứu và đưa ra ngưỡng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản phù hợp với thông lệ quốc tế mà vẫn đảm bảo được yêu cầu trong nước. Đồng thời, TCTS sẽ có văn bản hướng dẫn quy trình nuôi và danh mục thức ăn thủy sản nên sử dụng cho người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới