Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỡ khó về “trần” giờ làm thêm cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỡ khó về “trần” giờ làm thêm cho doanh nghiệp

Trúc Diễm

Gỡ khó về “trần” giờ làm thêm cho doanh nghiệp
Tăng trần giờ làm thêm sẽ giúp doanh nghiệp có tính cạnh tranh hơn – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Do nhiều doanh nghiệp phản ánh quy định giới hạn tối đa giờ làm thêm đã gây khó cho họ trong việc đáp ứng đơn hàng, giảm tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nên dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 đã quy định theo hướng tăng gấp đôi hoặc không giới hạn trần giờ làm thêm cho doanh nghiệp.

Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.

Song, thực tiễn khi thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến doanh nghiệp đề nghị cần tăng thời gian làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu sản xuất của đa số doanh nghiệp. Hơn nữa, tăng giờ làm thêm còn đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thu nhập.

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tăng giờ làm thêm. Với phương án thứ nhất, số giờ làm thêm sẽ tăng gấp đôi so với quy định hiện nay. Theo đó, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 1 năm.

Với phương án thứ 2, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ và không giới hạn tổng số giờ làm việc trong 1 năm như phương án 1.

Theo bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao, Công ty TNHH Canon, với việc thay đổi quy định về giờ làm thêm này sẽ giúp cho Canon cũng như nhiều doanh nghiệp tận dụng được nguồn nhân lực hiện tại. Thực tế, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu chủ yếu mang tính mùa vụ, nên có những thời kỳ người lao động phải làm việc nhiều hơn để kịp tiến độ đơn hàng nhưng cũng có những thời kỳ người lao động làm cầm chừng, không làm thêm để chờ đơn hàng mới.

Trước đây, mỗi khi phải đáp ứng đơn hàng mới, các doanh nghiệp phải thuê thêm lao động và phải tuyển trước đó vài tháng, gây lãng phí, tốn kém không cần thiết, chưa kể một bộ phận văn phòng phải làm khối lượng công việc rất lớn trong việc tuyển dụng, trả lương, quản lý những người làm việc mới… “Làm thêm giờ không có nghĩa là bóc lột công nhân mà là tạo động lực để doanh nghiệp phát triển và làm thêm giờ cũng là mong muốn của người lao động”, bà Huyền nói.

Theo nhiều doanh nghiệp, việc tăng giờ làm thêm còn làm tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước. Ví dụ, Trung Quốc số giờ làm thêm là 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: không khống chế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng trước đây việc quy định giới hạn giờ làm thêm quá thấp đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng tiến độ đơn hàng, nếu nhận đơn hàng thì có thể bị phạt. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp trong nước vi phạm quy định về giờ làm việc, khách hàng nước ngoài đến kiểm tra phát hiện vi phạm giờ làm thêm sẽ hủy hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, phần lớn người lao động đều mong muốn được làm thêm giờ để tăng thu nhập. Đối với May Hưng Yên, nếu không làm thêm giờ, người lao động chỉ được mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng trong khi làm thêm giờ có thể được 8 triệu đồng/tháng. “Vì vậy mới có chuyện người lao động đòi nghỉ việc nếu không được làm thêm giờ”, ông Dương nói và đề nghị trong bối cảnh đất nước còn nghèo thì chúng ta phải làm việc với cường độ và thời gian nhiều hơn mới đuổi kịp các nước.

Mời đọc thêm:

Lại cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới