Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỡ “nút thắt” để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phát triển hạ tầng công nghệ, nâng cao khả năng bảo mật và nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử là những điều kiện cẩn thiết để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” chiều 17-6, bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam và Lào – cho biết tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng một hoặc nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên điện thoại di động khoảng 95%.

“Cứ 3 người thì có 2 người cố gắng không sử dụng tiền mặt và 50% trong số họ đã thành công trong việc thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Dung nói.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy có 68% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán (TKTT), với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong giai đoạn 2015-2021.

Ngoài ra, 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tính tới cuối tháng 3-2022 – chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Khách hàng trải nghiệm các phương thức thanh toán không tiền mặt như thanh toán contactless, thanh toán bằng mã VietQR, thanh toán di động. Ảnh: T.T.D.

Tuy nhiên, bà Dung cho biết vẫn có một bộ phận người dân ngại sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hảo – Phó tổng giám đốc HDBank – thừa nhận việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt gắn với chuyển đổi số tại khu vực nông thôn của ngân hàng hiện đối mặt với không ít khó khăn.

Lý giải nguyên nhân, Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam và Lào cho biết một bộ phận người dân còn lo ngại về bảo mật, sử dụng thẻ không quản lý được chi tiêu khi sử dụng phương thức không dùng tiền mặt.

Đồng quan điểm, ông Lê Thế Vinh – đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho rằng sự phát triển của thanh toán số đã phát sinh một số rủi ro về an toàn thông tin với số lượng phạm tội gia tăng theo thời gian, phương thức phạm tội cũng tinh vi và có tính tổ chức hơn.

“Các ngân hàng luôn đi đầu về bảo vệ an toàn thông tin cho hệ thống, cũng như đầu tư các giải pháp, công cụ ngăn chặn rủi ro, mất mát. Nhưng thời gian qua vẫn có nhiều ngân hàng bị khách hàng khiếu nại liên quan đến giao dịch bất thường mà khách hàng không thực hiện dẫn đến mất tiền trong tài khoản”, ông Vinh nói.

Bên trách nhiệm bảo mật thông tin của các ngân hàng, ông Vinh cũng cho biết nhận thức về an toàn thông tin của người dân chưa cao, thường truy cập vào những đường link lạ và không phân biệt được website sử dụng.

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Hảo – Phó tổng giám đốc HDBank – cho biết chi phí đầu tư và khấu hao công nghệ là bài toán khó với ngân hàng khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gắn với chuyển đổi số. Ngoài ra, việc thiếu các khuôn khổ pháp lý chi tiết cũng khiến các ngân hàng và công cụ thanh toán như ví điện tử gặp khó khăn khi hợp tác, kết nối với nhau và khó giải quyết nhanh chóng tranh cấp nếu xảy ra sự cố.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, bà Đặng Tuyết Dung cho biết nhiều người dân và doanh nghiệp hiện chưa có nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động hàng ngày.

Để nâng cao tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bà Dung cho rằng các cơ quan quản lý cần giúp người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó bồi đắp lòng tin với loại hình thanh toán này.

“Việc thanh toán, giao dịch cần đơn giản hóa, nhưng vẫn bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng”, bà Dung nói.

Ông Lưu Trung Thái – Tổng giám đốc MBBank – đề xuất các cơ quan quản lý cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng công nghệ và dữ liệu của ngành ngân hàng, đồng thời gia tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. “Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng, đồng thời cần có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ”, ông Thái nói.

Về phía cơ quan quản lý, Trung tướng Tô Văn Huệ – Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an – cho biết cơ quan này đã nghiên cứu các thiết bị để ứng dụng thẻ căn cước công dân vào các hoạt động của ngành ngân hàng, gồm xác thực chủ thẻ căn cước công dân tại quầy thông qua thiết bị đối sánh sinh trắc học có trong thẻ căn cước công dân gắn chip với sinh trắc học của chủ thẻ; sử dụng thẻ căn cước công dân để rút tiền, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng như thẻ ATM do ngân hàng phát hành; thực hiện một số giao dịch, thanh toán tại các ATM của ngân hàng.

“Kết quả bước đầu cho thấy, việc tích hợp các giấy tờ như bảo hiểm y tế, thẻ ATM trên căn cước công dân góp phần tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm thời gian và an toàn, bảo mật”, ông Huệ nói.

Để ngày càng gia tăng tiện ích cho người dân, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, NHNN và các đơn vị liên quan để nghiên cứu cấp tài khoản an sinh xã hội gắn liền với cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân nhằm hỗ trợ chi trả nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ người dân.

Ngoài ra, nghiên cứu cơ chế mở, cho phép các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, ví điện tử, mobile money, viễn thông và các lĩnh vực khác của nền kinh tế được tiếp cận, xác thực với nguồn dữ liệu tin cậy từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ.

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó thống đốc NHNN – cho biết cơ quan này sẽ tập trung tháo gỡ về pháp lý, xử lý khoản vay nhỏ lẻ trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, xây dựng hạ tầng công nghệ tương xứng với tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch số.

“Khi có thể làm được thì mới gọi là ngân hàng số, thanh toán số. Thêm nữa đối với vấn đề an ninh an toàn cần phải hết sức quan tâm, vì đi cùng dịch vụ số, thanh toán số là những nguy cơ xảy ra”, ông Dũng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới