Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỡ sở hữu chồng chéo ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỡ sở hữu chồng chéo ngân hàng

Hồng Phúc

Gỡ sở hữu chồng chéo ngân hàng
Hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đều đang sở hữu ngân hàng. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG) – Nếu như sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng Việt Nam được phác họa trước đây chỉ là những sơ đồ kiểu mạng nhện thì sở hữu chồng chéo là sự xếp lớp chồng lên nhau của các mạng nhện này, theo một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP năm 2013.

Theo nghiên cứu này, hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đều đang sở hữu ngân hàng. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước do địa phương thành lập cũng sở hữu ngân hàng. Các ngân hàng sở hữu lẫn nhau. Các ngân hàng, trừ năm ngân hàng gốc nhà nước, đều có cấu trúc sở hữu chồng chéo qua trung gian là các ngân hàng khác, công ty tài chính phi ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. 29/34 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có liên hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với các pháp nhân, thể nhân thuộc Nhà nước. Ngoài ra, bức tranh cấu trúc sở hữu ngân hàng còn những điểm mờ chưa được làm rõ. Đó là tình trạng sở hữu ngầm.

Không thể xóa

Phải thừa nhận sở hữu chồng chéo và không thể xóa. Các nền kinh tế đi trước như Đức, Nhật, Trung Quốc cũng không xa lạ với sở hữu chồng chéo song nó được giám sát kỹ lưỡng, được thu gọn quy mô khi đã giúp tái cơ cấu nền kinh tế trong những giai đoạn nhất định.

Kinh nghiệm cho thấy sở hữu chồng chéo không hình thành ngày một ngày hai và không có mệnh lệnh hành chính nào lập tức xóa bỏ được tình trạng này mà chỉ khi bối cảnh kinh tế và thể chế không còn thuận lợi thì các doanh nghiệp và người liên quan sẽ tự cắt bỏ sở hữu chồng chéo.

Bản thân sở hữu chồng chéo ở Việt Nam lại có tính chất không giống nơi đâu vì nó là hệ quả của một loạt chính sách quản lý, điều tiết sai lầm, và trở thành công cụ để một số nhóm thâu tóm quyền lực, gây ảnh hưởng và trục lợi cá nhân.

Các chuyên gia cho rằng, chính cơ chế chính sách đã đẩy các ngân hàng đến chỗ sở hữu chồng chéo qua các lần buộc chuyển đổi mô hình tăng vốn điều lệ. Từ cuối năm 2006, nhiều tổng công ty nhà nước được ồ ạt nâng lên thành tập đoàn, được Chính phủ cho phép kinh doanh đa ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Còn các ngân hàng vừa được mở rộng thêm nhiều chi nhánh mới vừa được cấp phép thành lập mới ồ ạt. Sau đó, Nghị định 141/2006 về quy định mức vốn pháp định cho tổ chức tín dụng ra đời đã áp đặt lộ trình tăng vốn vội vàng. Tất cả các ngân hàng cổ phần, không phân biệt đô thị hay nông thôn đều phải đạt mức vốn pháp định chung là 1.000 tỉ đồng cuối 2008 và 3.000 tỉ đồng cuối 2010.

Điều quan trọng không phải là bỏ sở hữu chéo về mặt hình thức bằng cách ghép các ngân hàng lại với nhau hay thay tên ông chủ trên giấy tờ nhưng bản chất vẫn thế.

Việc quá nhiều ngân hàng có cùng một lộ trình tăng vốn trong một thời gian ngắn trong khi các ngân hàng lớn đã đủ vốn vẫn tiếp tục tăng vốn mới đã tạo áp lực cho các cổ đông. Từ năm 2008, khi việc phát hành cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng trở nên khó khăn hơn trong khi hạn chót đủ vốn cuối năm đã gần kề thì sự sáng tạo nảy sinh và các hành vi lách luật của các ngân hàng xuất hiện. Các thủ thuật tăng vốn ảo được các ngân hàng sử dụng nhằm tuân thủ các quy định về vốn và các liên kết sở hữu phức tạp được tạo ra để né tránh các hoạt động giám sát của cơ quan quản lý.

Nhưng phải sửa

Cấu trúc sở hữu chồng chéo đã giúp một nhóm người sở hữu một hay nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và biến các tổ chức tài chính thành công cụ cấp tiền để đầu cơ vào tài sản hay tạo ra những vụ kinh doanh lũng đoạn thị trường, vi phạm các quy định đảm bảo an toàn của hệ thống.

Sở hữu chồng chéo gây ra việc ngân hàng cho doanh nghiệp liên kết vay để doanh nghiệp mua cổ phần của chính ngân hàng cho vay, tức con nợ thành chủ sở hữu ngân hàng. Ví dụ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB, trước khi hợp nhất) cho Công ty Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan vay, sau đó các doanh nghiệp này dùng tiền vay góp vốn vào hai ngân hàng Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Ba ngân hàng này về bản chất thuộc một chủ sở hữu. Và cơ quan quản lý tuy đã yêu cầu hợp nhất ba ngân hàng nhưng các vấn đề nội tại của nó vẫn chưa được xử lý xong.

Sở hữu chéo dẫn đến việc doanh nghiệp có thể gián tiếp hay trực tiếp sở hữu ngân hàng. Điều này theo các chuyên gia nguy hiểm hơn là ngân hàng sở hữu doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp và cả các tập đoàn kinh tế nhà nước đã và đang đóng vai trò chi phối ít nhất một ngân hàng. Khi doanh nghiệp sở hữu tỷ lệ cổ phần nhỏ ở ngân hàng thì mục tiêu chỉ là hưởng lợi từ khoản đầu tư nhưng khi doanh nghiệp có cổ phần lớn thì mục tiêu còn là sử dụng ngân hàng để huy động vốn dễ dàng hơn cho doanh nghiệp, lái nguồn vốn huy động theo hướng chủ doanh nghiệp muốn. Vấn đề đặt ra ở đây là dù các ngân hàng đều có hội đồng tín dụng, ủy ban an toàn rủi ro… nhưng từ cấu trúc nội tại, bản thân các ngân hàng đã mất đi động cơ tự giám sát mình. Vì thế rủi ro nảy sinh mà hậu quả rõ nhất là tình hình nợ xấu như hiện nay.

Các quy định về giới hạn tín dụng cũng bị vô hiệu hóa bởi sở hữu chồng chéo. Luật quy định ngân hàng không được phép cho một khách hàng vay quá 15% và cho một nhóm khách hàng vay quá 25% vốn tự có. Nhưng không khó khăn gì để một người có thể lập vài doanh nghiệp để nâng mức vốn được vay từ 15% lên 25%.

Điều khiến cho việc giám sát ngân hàng Việt Nam khó khăn hơn là người có quyền sở hữu và người có quyền kiểm soát trong ngân hàng tách rời nhau. Một tổng giám đốc ngân hàng chia sẻ với TBKTSG, có những người là chủ thực sự của ngân hàng nhưng lại không đứng tên sở hữu cổ phần trên giấy tờ. Mặc dù luật pháp hiện hành đã có khái niệm “người có liên quan” trong sở hữu ngân hàng, nhưng vì quy định chưa đủ chi tiết mà sở hữu chồng chéo thì lại rất phức tạp, nên cơ quan giám sát khó xác định người có liên quan thực sự.

Theo các chuyên gia của nghiên cứu trên, điều quan trọng không phải là bỏ sở hữu chéo về mặt hình thức bằng cách ghép các ngân hàng lại với nhau hay thay tên ông chủ trên giấy tờ nhưng bản chất vẫn thế. Căn cơ hơn, cần chỉnh sửa từ cái gốc của nó. Đó là cần giảm sở hữu thực sự của những cổ đông lớn và người liên quan trong ngân hàng.

Cuối cùng, cần nguồn tiền sạch và tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng. Vì nếu ta cho các nhà đầu tư mới tham gia ngân hàng nhưng không trên nguyên tắc giảm sở hữu chi phối thực sự và kiểm soát việc dùng sở hữu chồng chéo tạo tiền ảo “chiếm” ngân hàng thì vấn đề của ngành ngân hàng vẫn nằm đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới